Đổi thay ở quê hương cách mạng Xuân Trường

Phát huy truyền thống cách mạng trên mảnh đất Liệt sỹ Xuân Trường ngã xuống, cùng với sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, người dân nơi đây đang quyết tâm vượt khó xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, phát triển.

Xuân Trường là bí danh của Nhà cách mạng Hoàng Văn Nhủng (người Tày, sinh năm 1909 tại xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng), một trong 34 thành viên đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Ông cũng là liệt sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam khi tham gia đánh đồn Đồng Mu (khi đó thuộc xã Ân Quang, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) đêm mồng 4, rạng sáng 5/2/1945. Phát huy truyền thống cách mạng trên mảnh đất Liệt sỹ Xuân Trường ngã xuống, người dân nơi đây luôn nỗ lực, quyết tâm vượt khó xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, phát triển.

Di tích lịch sử Đồng Mu ở xã Xuân Trường (Bảo Lạc- Cao Bằng) được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1995.

Trận đánh đồn Đồng Mu đêm mồng 4, rạng sáng 5/2/1945 thu được thắng lợi to lớn: Ta đã buộc địch phải tháo chạy khỏi đồn Đồng Mu, một trong những đồn bốt kiên cố có vai trò quan trọng, án ngữ trên huyết mạch giao thông từ vùng căn cứ cách mạng Hà Quảng sang Bảo Lạc. Chiến thắng này cũng giúp xã Ân Quang thoát khỏi vòng kìm kẹp của giặc, trở thành vùng căn cứ địa cách mạng vững chắc. Theo nguyện vọng của cán bộ, nhân dân, xã Ân Quang sau đó được đổi tên thành Xuân Trường để ghi nhớ công lao và sự đóng góp của liệt sỹ Hoàng Văn Nhủng trong trận đánh năm xưa.

Phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng, trong các cuộc kháng chiến để bảo vệ sự vẹn toàn của đất nước, hàng trăm thanh niên Xuân Trường đã tình nguyện lên đường nhập ngũ. Non sông thống nhất, người dân xã Xuân Trường tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, vượt khó đưa vùng đất biên cương này dần trở thành một điểm sáng của huyện Hà Quảng.

Bà con trong xã còn gìn giữ được những căn nhà sàn cổ của người Tày.

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, Xuân Trường gồm 14 xóm thì hiện có tới 4 xóm trọng điểm sản xuất cây lương thực của huyện Bảo Lạc. Để phát triển nông nghiệp hàng hóa, bà con tập trung phát triển những cây đặc sản bản địa nổi tiếng như: lúa nếp hương, cây lê, mận máu, tỏi thơm... Về Xuân Trường vài năm gần đây, dễ dàng nhận thấy bà con đã triển khai trồng ngô, rau màu vụ đông xuân trên đất ruộng vốn trước đây chỉ canh tác một vụ.

Ông Đinh Công Huy, Chủ tịch hội Cựu chiến binh xã Xuân Trường cho hay, tất cả hội viên cựu chiến binh đều tích cực tham gia phát triển kinh tế hộ gia đình, không còn đất ruộng bỏ hoang. Đến nay, trong hội chỉ còn 8 thành viên thuộc hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo: "Bản thân là người ở nông thôn, nhiều đồng chí mạnh dạn tiếp cận vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Bảo Lạc, trong đó có đồng chí Nông Văn Dũng kinh doanh tạp hóa, 2 hộ là Đinh Văn Phúc và Mông Văn Lễ chuyển đổi trồng cây ăn quả để tăng thu nhập cho gia đình. Anh em đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế hộ gia đình".

Với lợi thế cảnh quan và sự độc đáo trong văn hóa truyền thống, người dân xã Xuân Trường đang chuyển sang hướng phát triển kinh tế mới, đó là làm du lịch. Từ căn nhà sàn truyền thống, ông Lãnh Văn Tân (Bản Chuồng, xã Xuân Trường) đã sửa sang lại rồi làm thêm 2 căn nhà sàn gỗ nữa, thiết kế chia buồng, phòng và mở thêm dịch vụ đón khách lưu trú: "Từ Hà Quảng, thác Bản Giốc đến đây chơi, nếu muốn đi Hà Giang thì rất xa xôi, khách có thể nghỉ lại nhà tôi, đến hôm sau hãy lên đường rất thuận tiện. Tôi nghĩ vậy và bắt đầu thực hiện. Phong tục tập quán của người Tày được các cụ gìn giữ qua bao đời là ở ngôi nhà sàn. Sửa sang lại và làm mới thêm ngôi nhà sàn để nó mãi trường tồn với thời gian, điều đó rất cần thiết".

Ông Lãnh Văn Tân (Bản Chuồng) cho biết: Từ căn nhà sàn truyền thống, ông sửa sang lại, làm thêm 2 căn nhà sàn gỗ nữa, thiết kế chia buồng, phòng để đón khách du lịch lưu trú.

Xã Xuân Trường có di tích đồn Đồng Mu - địa chỉ Đỏ giáo dục truyền thống thế hệ trẻ, có dốc 14 tầng Khau Cốc Chà độc đáo, hồ Thôm Lốm, 2 vách đá Ngựa trắng và những căn nhà sàn cổ cùng mùa hoa lê nở trắng bản làng. Xuân Trường lại nằm trên tuyến đường kết nối Công viên địa chất non nước Cao Bằng sang Công viên địa chất Đồng Văn, Hà Giang.

Ông Hoàng Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trường đánh giá: "Đây là điều kiện thuận lợi cho để du lịch trở thành mũi nhọn kinh tế của người dân Xuân Trường trong thời gian tới. Xuân Trường có 13/14 xóm đã có đường ô tô đến, còn xóm Tả Xáy chưa có đường ô tô. Bà con đi lại, thông thương và giao lưu kinh tế xã hội thuận tiện. Trong thời gian tới, xã tiếp tục định hướng cho bà con phát triển cây đặc sản của địa phương gắn với phát triển du lịch và di tích lịch sử đồn Đồng Mu".

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng cho biết thêm: "Qua đánh giá về tiềm năng và giá trị, hiện nay, chúng tôi đang xây dựng xã Xuân Trường thành trung tâm du lịch cộng đồng của huyện Bảo Lạc, lấy đấy làm điểm nhấn cho cả tỉnh Cao Bằng. Xã Xuân Trường trên khu vực Đồng Mu đó có một lợi thế nữa là khí hậu rất mát mẻ, lúc nào cũng chênh dưới thị trấn này 5-6 độ và gần như bà con đắp chăn quanh năm".

Vùng đất Bảo Lạc - Bảo Lâm từ xưa vẫn có câu "Xa Yên Thổ/Khổ Đức Hạnh/Lạnh Đồng Mu/Sương mù Lũng Pán"... Nhưng hôm nay, với sự quyết tâm vượt khó của người dân cùng sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 với các dự án thành phần, vùng đất biên cương này đã dần bớt khổ, bớt lạnh và đang thay đổi từng ngày.

Công Luận - Hoàng Hiền/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/doi-thay-o-que-huong-cach-mang-xuan-truong-post1067059.vov