Trên quê hương người 'khai sơn phá thạch'

Xã Tịnh Khê (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) là mảnh đất quật cường, giàu truyền thống yêu nước, sản sinh ra nhiều con người tài ba như Trương Định, Trương Đăng Quế, Trương Quang Giao…, và Thiếu tướng Võ Bẩm người tiên phong 'khai sơn phá thạch' mở đường Trường Sơn huyền thoại.

Thiếu tướng Võ Bẩm (người quàng khăn) kiểm tra công tác mở đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh. Ảnh: TL

Thiếu tướng Võ Bẩm (người quàng khăn) kiểm tra công tác mở đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh. Ảnh: TL

Khai mở đường Trường Sơn

Đường Trường Sơn hay đường Hồ Chí Minh lịch sử đã trở thành huyền thoại góp phần hết sức quan trọng vào đại thắng mùa Xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Để hình thành con đường chiến lược này là biết bao công sức, xương máu, mồ hôi và trí tuệ của nhiều thế hệ bộ đội, thanh niên xung phong…, và đặc biệt không thể thiếu những người tiên phong “khai sơn phá thạch” mở đường do Thiếu tướng Võ Bẩm dẫn đầu…

Thiếu tướng Anh hùng LLVT Võ Bẩm (SN 1915 - 2008) sinh ra ở xã Tịnh Khê trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước. Cha ông là cụ Võ Thạc, một yếu nhân trong Phong trào Duy Tân, bị thực dân Pháp bắt rồi tra tấn đến chết. Anh trai ông là nhà cách mạng Võ Khoa tham gia Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, trở thành lớp Đảng viên cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Ông bị thực dân bắt tù đày và mất sớm.

Tháng 8/1934, khi tròn 19 tuổi, Võ Bẩm được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương, là Bí thư chi bộ, rồi Bí thư Huyện ủy Sơn Tịnh, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Quảng Ngãi... Đầu năm 1940, ông bị thực dân Pháp bắt, kết án đày qua các nhà tù Lao Bảo, Ban Mê Thuột… Ra tù, ông tham gia lãnh đạo Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 giành chính quyền ở Quảng Ngãi. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, Thiếu tướng Võ Bẩm đã giữ nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội. Năm 1957, ông là Cục phó Cục Quản lý Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam.

Bước ngoặt lớn nhất trong đời binh nghiệp của ông là vào ngày 5/5/1959, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng, trực tiếp giao nhiệm vụ thành lập “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” (sau này gọi Đoàn 559). Đó là mở đường giao thông đặc biệt từ Bắc vào Nam (đường Trường Sơn), trong thời gian ngắn, tuyệt đối bí mật và an toàn nhất để đưa bộ đội, vận chuyển vũ khí, hàng hóa nhu yếu phẩm vào chi viện chiến trường miền Nam.

Trong hoàn cảnh khắc nghiệt của núi rừng Trường Sơn, Đoàn 559 đã lập nên nhiều kỳ tích. Suốt gần hai năm đầu, mọi việc vận chuyển đều được thực hiện bằng sức người. Mỗi chiến sĩ phải cõng khoảng 30kg - 40kg đạn dược, thuốc men trên lưng, trèo lên núi cao, vượt qua ghềnh thác. Để đẩy nhanh tiến độ vận chuyển, ông đề nghị phương án mượn đường của nước bạn Lào để mở con đường vận chuyện cơ giới. Sau một năm thành lập, hàng trăm nghìn tấn hàng hóa bao gồm súng ống, đạn dược, lương thực, thuốc men đã được vận chuyển qua dãy Trường Sơn, đi sâu vào Nam, đảm bảo chi viện kịp thời cho tiền tuyến. Sự phát triển vượt bậc kỳ diệu của tuyến đường Trường Sơn huyền thoại luôn có “dấu ấn Võ Bẩm”. Sau sự kiện mở đường 20 Quyết Thắng, Võ Bẩm cũng là người đầu tiên thí điểm mô hình vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, khởi nguồn của con đường Hồ Chí Minh trên biển sau này…

Năm 2016, UBND TP Quảng Ngãi đã đổi tên Trường THCS Tịnh Khê thành Trường THCS Võ Bẩm. Cô giáo Ngô Thị Phương - Hiệu trưởng Trường THCS Võ Bẩm chia sẻ, được giảng dạy và học tập tại ngôi trường mang tên người con ưu tú của quê hương Quảng Ngãi nói chung và xã Tịnh Khê nói riêng, thầy và trò của trường rất tự hào và có thêm động lực để phấn đấu.

Học sinh trường THCS Võ Bẩm tại nhà lưu niệm mang tên người anh hùng mở đường Trường Sơn Võ Bẩm

Học sinh trường THCS Võ Bẩm tại nhà lưu niệm mang tên người anh hùng mở đường Trường Sơn Võ Bẩm

Đổi thay trên quê hương anh hùng Võ Bẩm

Xuôi theo Quốc lộ 24B về phía biển, chúng tôi về thôn Trường Định, xã Tịnh Khê. Nhà lưu niệm Thiếu tướng Võ Bẩm được xây dựng kiểu hai gian ba chái trong vườn nhà xưa của gia đình, rộng khoảng 1.500m2.

Nhà lưu niệm được những người con của ông xây dựng vào năm 2011, lưu giữ rất nhiều những hiện vật và hình ảnh kỷ niệm của ông gắn liền với con đường Trường Sơn huyền thoại, trong đó có cuốn hồi ký “Những nẻo đường kháng chiến” của ông. Nhiều năm qua, nhà lưu niệm Thiếu tướng Võ Bẩm thu hút đông đảo người dân, du khách khắp nơi đến tham quan tìm hiểu, và cũng là địa chỉ đỏ của thế hệ trẻ các trường học, Đoàn thanh niên tổ chức hoạt động giáo dục truyền thống.

Ông Phạm Văn Tịnh, người trông coi nhà lưu niệm, cho biết, ngoài đoàn đại biểu lãnh đạo các địa phương thường xuyên về dâng hương, hoa, thì hằng năm rất nhiều học sinh về tham quan, tổ chức hoạt động ngoại khóa, chung tay làm sạch đẹp nhà lưu niệm.

Ông Tịnh cho biết, các bậc lớn tuổi ở địa phương kể lại, khu đất nhà lưu niệm bây giờ từng là nơi nuôi bộ đội và hoạt động bí mật của cán bộ cách mạng.

Năm 2016, UBND TP Quảng Ngãi đã đổi tên Trường THCS Tịnh Khê thành Trường THCS Võ Bẩm. Cô giáo Ngô Thị Phương - Hiệu trưởng Trường THCS Võ Bẩm chia sẻ, được giảng dạy và học tập tại ngôi trường mang tên người con ưu tú của quê hương Quảng Ngãi nói chung và xã Tịnh Khê nói riêng, thầy và trò của trường rất tự hào và có thêm động lực để phấn đấu.

Theo cô Phương, những năm qua nhà trường liên tục tổ chức cho học sinh toàn trường đến tham quan, làm đẹp nhà lưu niệm của Thiếu tướng Võ Bẩm, nhất là các ngày lễ, ngày sinh và mất của ông.

Ông Phạm Văn Tịnh người trông coi nhà lưu niệm Thiếu tướng Võ Bẩm. Ảnh: NN

Ông Phạm Văn Tịnh người trông coi nhà lưu niệm Thiếu tướng Võ Bẩm. Ảnh: NN

Sau những năm tháng chiến tranh tàn khốc, đặc biệt là nỗi đau thương trong vụ lính Mỹ thảm sát 504 người dân vô tội vào tháng 3/1968, xã Tịnh Khê nay đã hồi sinh, phát triển mạnh mẽ. Hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng, trường học từ bậc mầm non, THCS, THPT đều đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống kênh mương nội đồng được kiên cố hóa, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất. Các phong trào đi vào chiều sâu, 100% thôn và cơ quan đạt chuẩn văn hóa, hộ dân đạt danh hiệu gia đình văn hóa trên 93%.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương- Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Tịnh Khê cho biết, xã đang phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí còn lại để đạt được mục tiêu trở thành phường của TP. Quảng Ngãi vào năm 2025. Trong đó, bứt phá về thương mại, dịch vụ, đặc biệt là du lịch là động lực quan trọng để phát triển kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Theo bà Hương, thời gian tới, địa phương tiếp tục tập trung thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Xã xác định các giống cây sản phẩm chủ lực, trọng điểm để xây dựng sản phẩm đặc thù, có chất lượng cao, nâng cao đời sống của người dân; đồng thời, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế lao động từ nông nghiệp qua thương mại dịch vụ, đặc biệt là du lịch.

(Còn nữa)

NGUYỄN NGỌC

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tren-que-huong-nguoi-khai-son-pha-thach-post1637531.tpo