Đời sống Đời sống Đón tết xa nhà của du học sinh Huế

Tết Nhâm Dần 2022, do dịch bệnh tại các quốc gia sở tại nên nhiều du học sinh Huế không thể về nước đón năm mới. Họ quyết định đón tết trực tuyến, đoàn tụ cùng gia đình bên màn hình điện thoại.

Du học sinh Huế tại Nhật Bản đón Tết cùng bạn bè.

Tết ở xứ người

Trương Như Quỳnh (22 tuổi, cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, Quảng Điền) cho biết, Việt Nam và Fukuoka (Nhật Bản) đón tết trong khoảng thời gian khác nhau nên trong khi ở Huế nghỉ tết thì ở Nhật vẫn như ngày bình thường, mặc dù vào tháng 2 sẽ có hai tháng cho kỳ nghỉ xuân. Vì vậy, nhiều bạn kẹt lịch học, lịch làm thêm nên chẳng thể về Huế đón tết. Dù vậy, đây lại là cơ hội để các bạn du học sinh tại Nhật làm thêm, “cày” tiền nộp học phí vào tháng 4 sắp đến.

“Tuy ở Nhật không đón tết vào dịp này nhưng chủ cửa hàng của mình cũng khá tâm lý nên đã cho phép mình nghỉ làm vào ngày mùng 1 và mùng 2 âm lịch. Mình đã lên kế hoạch gặp gỡ, đi chơi đón tết cùng bạn bè. Vào dip nghỉ xuân, mình có thể làm đến 8 tiếng/ngày thay vì chỉ 4 tiếng/ngày như bình thường. Do vậy, mình sẽ tranh thủ kiếm thật nhiều tiền để về Huế vào dịp hè. Sáng đi học, chiều và tối mình làm tại các cửa hàng tiện lợi”, Như Quỳnh cho hay.

Nguyễn Linh Chi (19 tuổi, cựu học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học) kể rằng: “tại Toulouse (Pháp) không đón tết âm lịch, do vậy mình vẫn tiếp tục việc học và công việc tình nguyện tại trung tâm y tế của thành phố. Tết năm nay của mình cũng buồn vì mình có khá ít bạn, tình hình dịch COVID-19 tại Pháp cũng diễn biến phức tạp do biến thể Omicron nên mình sẽ ở nhà và tự nấu một vài món cổ truyền ngày tết cho bản thân, cũng như gọi điện thoại hỏi thăm gia đình và bạn bè”.

Nhớ không khí tết Huế

Sau 2 năm đón tết ở Canada, Lê Hoài An (23 tuổi, cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ) cũng đã dần quen với việc xa nhà vào dịp tết. Hoài An chia sẻ, tại Regina, Canada, nhiều người Việt xa xứ vẫn thường xuyên nấu những món đồ đặc trưng của ngày tết, cũng như trang trí nhà cửa để có không khí tết Việt. Tuy vậy, việc đón tết xa mang lại cảm giác không trọn vẹn, khiến cảm giác nhớ nhà, nhớ không khí tết bên gia đình càng đong đầy thêm. “Những năm được ăn tết ở Huế, gia đình mình thường cùng nhau gói bánh chưng. Đối với mình, thời gian được cùng người thân gói bánh, lắng nghe những vui buồn trong suốt một năm là quãng thời gian ý nghĩa nhất”, Hoài An bộc bạch.

Hoài An cũng cho biết, do ở Canada không đón tết âm lịch, nên An vẫn sẽ tiếp tục đi học, đi làm như những ngày bình thường. Tuy vậy, bên cạnh việc học tập và làm việc, An sẽ dành thời gian để gọi về hỏi thăm, chúc tết gia đình, bạn bè, cũng như nấu một số món đặc trưng trong ngày tết như bánh chưng, bánh tét, thịt kho để có không khí tết.

Năm đầu tiên đón tết tại Nhật Bản, Nguyễn Kiều Chi (20 tuổi, cựu học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học) nhớ lắm không khí tết tại Huế. “Mọi năm mình đều phụ mẹ chuẩn bị, mua sắm đồ tết, gặp gỡ bạn bè cũ và thăm nhà họ hàng, người thân. Năm nay ở Nhật, mình nhớ lắm cảm giác tất bận dọn dẹp nhà cửa, nhớ đường phố Huế tấp nập người qua lại, chợ hoa trước Phu Văn Lâu thì luôn đông vui và nhộn nhịp. Mình đang chuẩn bị thi cuối kỳ nên cũng khá bận bịu việc học, nhưng lắm lúc vẫn thấy buồn vì đã lâu rồi không có dịp đoàn tụ với gia đình”, Kiều Chi cho hay.

Bận bịu là thế, nhưng Kiều Chi cũng đã lên sẵn kế hoạch để đón cái tết xa nhà đầu tiên của mình theo một cách rất Việt Nam: “Mình dự định sẽ ghé quán hàng Việt Nam ở Oita (Nhật Bản) để mua bánh chưng ăn cho có không khí tết, cũng như video call cho bố mẹ vào đêm giao thừa và mùng 1 để cùng đón tết với gia đình. Hi vọng rằng tình hình dịch COVID-19 sẽ thuận lợi để tháng 8 mình có thể về thăm nhà”.

Năm mới tết đến, các bạn du học sinh đều mong rằng gia đình luôn khỏe mạnh, cũng như dịch bệnh sớm qua đi, để có thể đoàn tụ với gia đình sau những cái tết xa nhà.

Đăng Trình

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/don-tet-xa-nha-cua-du-hoc-sinh-hue-a109495.html