Đôi lời bàn về báo chí và văn hóa

Khoảng 30 năm trước, một số nhà nghiên cứu và quản lí xuất bản - báo - chí ở Việt Nam đã nói với nhau về việc cần phải thành lập một số tập đoàn/ tổ hợp báo - chí - xuất bản... như một ước ao; còn số đông các phóng viên và biên tập viên thì cũng có người mường tượng ra cảnh quan ấy, nhưng 'chưa biết sẽ bắt đầu như thế nào...'. Mấy năm gần đây, diện mạo và chất lượng báo - chí Việt Nam ta đã mới mẻ và thích ứng với sự phát triển của sự nghiệp đổi mới đất nước.

Văn hóa không chỉ là ngọn nguồn trực tiếp tạo ra thành công của báo - chí

Đó là một luận điểm mà những ai từng nghiền ngẫm bản “Đề cương Văn hóa Việt Nam” được Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành từ năm 1943 đều nhất trí.

Và chúng ta đang thấu hiểu: quán triệt cho được luận điểm cơ bản, then chốt này là cả một quá trình. Quá trình đó thường song hành với trình độ chính trị đã đành, mà còn là bao nhiêu cố gắng để mở rộng hiểu biết, nâng cao dần tầm vóc văn hóa, khí chất nhân văn ở mỗi người đang hoạt động trong ngành báo - chí.

Nhà báo phải đầu tư nhiều công sức để có một tác phẩm báo chí chất lượng. Ảnh: Thắng Nguyễn

Chẳng hạn, trước kia chúng ta thường chú trọng xác định rồi nâng cao nhiệm vụ tuyên truyền - giáo dục đường lối, nhiệm vụ cách mạng của báo chí (có lúc có nơi coi đó là nhiệm vụ gần như duy nhất); giờ đây, nhiệm vụ ấy không chỉ vẫn được nhấn mạnh như một trọng yếu, một chức năng - thuộc tính tất nhiên - bình thường, mà cạnh nó, báo - chí còn được trao cho một quyền năng nữa, là tạo ra, rồi dẫn dắt những cuộc đối thoại xã hội vừa rộng lớn, có tầm chiến lược, vĩ mô, lại vừa rất thiết thực, liên quan đến đời sống của muôn người mỗi sớm mỗi chiều…

Khi hàng trăm hàng nghìn tác phẩm báo - chí đến với công chúng mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng được hàng chục triệu người xem và nghe… rồi tán thành hoặc muốn được “nói lại”, nghe và xem thêm, thì cũng là lúc báo - chí ta đã thực hiện được một cuộc đối thoại xã hội thực sự rộng lớn. Đó là một cuộc đối thoại giữa mọi tầng lớp, cương vị, thói quen, ngành nghề… trong xã hội đang ngày càng thể hiện thật rõ tinh thần dân chủ của thời đại đổi mới.

Trong xu thế tự nhiên - tất yếu của quá trình đổi mới và phát triển để hội nhập sâu rộng với cả một thế giới đang có lắm biến cố không bình thường, mà cũng không mấy khó hiểu hôm nay, mỗi dân tộc - quốc gia lấy gì để “kề vai sát cánh” với nhân loại đây? Lấy tiến bộ công nghệ - kỹ thuật chăng? Lấy nguồn nhân lực được đào tạo khả dĩ chăng? Lấy tài nguyên ở rừng - biển - đất đai… chăng?

Riêng Việt Nam ta, có lẽ lấy văn hóa phi vật thể cũng là một hướng có thể lắm. Vì sao? Vì các hướng khác ta “theo cho được người ta” có khi mãi mãi chỉ là học trò, dẫu ta muốn đi tắt đón đầu mà ta vẫn còn thiếu nhiều thứ quá, nhất là thiếu vốn ngân quỹ, thiếu cả sự hiểu biết văn hóa… Nỗi lo lắng băn khoăn này như chúng ta biết, đang đặt thêm một gánh nặng cho nhóm báo - chí truyền thông đối ngoại.

Rất may là trong bối cảnh đó, hiện nay ta đã có các thể loại báo - chí khá phong phú, bằng vào việc sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật - công nghệ truyền thông, hàng ngày, đã tạo ra được thật nhiều nội dung thông tin không chỉ ở việc thường xuyên tổ chức các sự kiện theo tuyến ngành - nghề hay tuyến địa dư - địa bàn… mà còn mở ra, phát triển thêm các nội dung truyền thông giải trí, truyền thông tôn giáo, truyền thông về phong tục tập quán, vốn cổ… ở các vùng quê.

Ngày nay, từ các góc độ nhìn nhận khác nhau, văn hóa nhiều khi được hiểu như là một tổ hợp ngành nghề của nhiều người, như là một phẩm giá cá nhân, như một trình độ của văn minh và cả mức sống của một cộng đồng. Văn hóa có mặt ở khắp nơi, và dường như là ở mọi lúc. Mỗi cá thể đang góp phần tạo ra Văn hóa chung ở các cộng đồng hẹp hay rộng, và đương nhiên, họ - mỗi cá nhân ấy, cũng được hưởng lợi, là sự vui vẻ, thỏa mãn hoặc ngược lại, là sự băn khoăn, thậm chí là thất vọng.

Khi hàm lượng văn hóa trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an sinh xã hội ngày càng cao, càng đậm đà thì báo chí có được một nền tảng, một điểm tựa chắc chắn hơn mà phát triển. Hơn thế, chính hàm lượng văn hóa này ở các lĩnh vực trên mặc nhiên, đã có khả năng gợi ra cho các nhà chỉ đạo và quản lí báo - chí, cùng các biên tập viên và phóng viên một phương hướng hoạt động thích hợp và cả một số điều kiện để họ có sự điều chỉnh cần thiết khi tác nghiệp cụ thể.

Hơn nhiều ngành/ nghề, nghề làm báo - chí đòi hỏi mỗi người phải học tập suốt đời

Tôi nhớ là có lần ông Hà Xuân Trường (nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Trưởng Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương…) khi trả lời câu hỏi: “Học suốt đời là học những gì?”, ông nói rất say sưa, dẫn giải rất nhiều ý nhiều lời… thốt nhiên, ông hỏi: “Các cậu có thuộc nhiều "Truyện Kiều" không?”. Chưa ai kịp nói, ông lẩy vận Kiều luôn:

Đã mang nghiệp viết (báo) vào thân
Xin đừng trách bởi Trời gần Trời xa
Tự học với mình, rồi học người ta
Thiên kinh vạn chuyện (đời) mới là phóng viên.

Sinh thời, nhà văn viết báo rất sành là Tô Hoài có kể: ''ông Ngô Tất Tố là Thầy thực sự của tất cả chúng tôi, từ Nguyễn Công Hoan cho đến mấy anh em nhà Tự lực văn đoàn… nữa''. Người viết bài này tìm đọc Ngô Tất Tố, rồi hỏi thêm một số vị khác như nhà văn Thanh Châu, thì được biết thêm: Cụ Ngô Tất Tố vốn là thầy giáo làng, dạy chữ Nho, vốn Hán học của cụ rất sâu rộng, cụ Phan Khôi là bậc lừng danh, tính khí cũng không dễ dàng gì, mà vẫn nể phục cụ Tố, là vì: Không những thế cụ Tố còn học thêm chữ/ tiếng Pháp, nên khi làm nghề viết báo, cụ viết rất nhanh và trúng, tính luận chiến trong tác phẩm báo - chí của cụ Tố rất cao, ai bị cụ phê phán, cũng khó mà cãi lại được bởi kiến thức của họ chưa đủ, tính tình của họ, văn phong của họ, như Cụ từng nói, là uốn éo kiểu nịnh Tây “rất khó chịu”.

Không chỉ tinh thông văn hóa - ngôn ngữ Việt, rồi Hán và cả Pháp, cụ Ngô Tất Tố và nhiều nhà báo - nhà cách mạng trước 1945 ở ta như Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn An Ninh, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh)… rồi cả Trần Mai Ninh nữa… đều là những tấm gương tự học mà nên. Vốn văn hóa (do đọc và suy ngẫm suốt đời), vốn hiểu biết thực tiễn đời sống của đồng bào đồng chí ở các nhà báo tiên phong này cũng khó có ai đo đếm và sánh kịp được. Bởi thế mà đọc các tác phẩm báo chí của các nhà báo cách mạng này ta thường thấy họ có lập luận chặt chẽ, chứng cớ xác đáng… mà văn phong thì rất linh hoạt, đúng - hợp với hoàn cảnh đối thoại, nội dung đối thoại… Dù là một bài báo ngắn hay cả một thiên luận chiến dài, vẫn đâu vào đấy: có xác quyết, có tí hồ nghi khoa học, nhiều chỗ lại nhắc nhở nghiêm trang mà vẫn ôn tồn nhẹ nhàng… Còn đối với kẻ thù của nhân dân, thì các nhà báo mẫu mực như Nguyễn Ái Quốc hay Nguyễn An Ninh, lừng danh như Trường Chinh… đều có lời lẽ lúc thì đanh thép, khi lại mai mỉa, khiến kẻ ác không thể chối tội, người đọc khác thì hả hê, tán thưởng.

Báo chí trong tư tưởng và hành động của các nhà yêu nước và cách mạng, quả thực, là lợi khí đấu tranh với kẻ thù, là lời bàn bạc chân tình và sáng suốt với đồng chí đồng bào của mình. Có người nói: Có tài thì viết/ nói gì cũng được. Tôi muốn lưu ý thêm là: Người có thực tài, thường là người có đức hạnh, có văn hóa cao vậy.

Quan sát và phân tích một xã hội phát triển, cho ta nhận ra rằng bên cạnh văn hóa lý thuyết, thì văn hóa giao tiếp hàng ngày quả có sôi động hơn, phong phú và có những nét tinh tế tinh diệu rất đáng học tập (đôi khi cũng có thể cần căn chỉnh thêm nữa). Nhà báo “đứng” và “đi” trong nghề nghiệp và giữa cuộc đời là làm văn hóa lý thuyết hay văn hóa giao tiếp hàng ngày đây? Tùy vào yêu cầu và năng lực cụ thể mà làm. Nhưng trước khi nhận làm thứ văn hóa nào, thì ai cũng cần và nên học cả hai thứ/ nền văn hóa đó vậy.

Nhân đây, cũng xin lưu ý một sự thật, là đông đảo công dân ta thường vẫn chú ý nhiều đến lời ăn tiếng nói của chính mình và một số người khác để bàn định về văn hóa. Một trong những người khác ấy, là nhóm người “của công chúng”, như nhà báo. Vì sao? Vì người đọc ngày nay đã trưởng thành, họ muốn được tin cậy hơn ở các nhà báo - người truyền tin trung chính. Nhà báo ta được quyền tự hào về niềm tin này, và đương nhiên - như tôi biết, họ cũng đang tự thấy đó là trách nhiệm vinh quang.

Trong hàng nghìn nhà báo của ta hiện nay, chúng ta rất muốn có nhiều hơn nữa những tác giả báo - chí tài năng và tận tụy. Họ là vốn quý trực tiếp nâng cao chất lượng toàn diện của báo - chí Việt Nam hôm nay, họ đang được nhiều người theo bước.

Khi sống và viết từ một ít dụng công - trách nhiệm nghề nghiệp, từ những mạnh dạn thể nghiệm phương pháp của nghề… các nhà báo sẽ nâng cao được căn cốt văn hóa của mình, mà tránh xa, bỏ hẳn khi nhỡ viết ra những bài báo ăn theo, xu phụ… hoặc vùi dập nguyền rủa quá đáng.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/doi-loi-ban-ve-bao-chi-va-van-hoa-i697876/