Doanh nghiệp tìm hướng phát triển xanh, giảm phát thải carbon

Chính phủ đặt mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đồng thời chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, hỗ trợ cho các cộng đồng địa phương và giảm thiểu khí metan. Để đạt được mục tiêu trên, các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải carbon.

Chuyển đổi xanh, thực hiện giảm phát thải là bài toán khó với doanh nghiệp toàn cầu. Ảnh: TL

Vừa là chủ thể vừa là tác nhân biến đổi khí hậu

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, trong phát triển xanh, doanh nghiệp (DN) giữ vai trò hết sức quan trọng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN có thể quyết định mức phát thải khí nhà kính. DN vừa là chủ thể vừa là tác nhân tác động tới biến đổi khí hậu. Hơn lúc nào hết, các DN cần phải tăng tốc hành động hướng tới mô hình sản xuất kinh doanh có trách nhiệm và bền vững.

Ông Phạm Tấn Công cho rằng, DN cần định nghĩa lại thành công của mình, không chỉ nằm ở các con số tài chính mà giờ đây còn bao gồm khả năng thích ứng, chống chịu và phục hồi trước những thách thức chưa từng có trong tiền lệ; hay DN cần gắn kết thành công, tăng trưởng dài hạn của mình với lợi ích bền vững của cộng đồng, xã hội và môi trường.

Khẳng định tầm quan trọng của sản xuất xanh, bền vững, bà Cao Thị Ngọc Dung - Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), Chủ tịch Hội đồng Quản trị PNJ, nhấn mạnh sản xuất và kinh doanh theo định hướng phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu, giúp DN có thể nâng cao năng lực cạnh tranh trong dài hạn; thu hút tốt hơn các nguồn vốn đầu tư nước ngoài; cũng như đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của các thị trường mục tiêu theo yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam đã tham gia. Từ đó, giúp DN có thể trụ vững, phục hồi trước các "cú sốc" bên ngoài và phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Theo các chuyên gia kinh tế, chuyển đổi xanh, thực hiện giảm phát thải là bài toán khó với DN toàn cầu, DN Việt Nam không là ngoại lệ. Tuy nhiên, đây là lộ trình tất yếu phải hướng đến khi phục hồi xanh, trung hòa carbon, chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo cùng với bảo vệ, khôi phục hệ sinh thái tự nhiên đã trở thành xu thế tất yếu của thời đại và từng bước đi vào chính sách và hành động cụ thể của các quốc gia.

Đầu tư cho chuyển đổi xanh, giảm thiểu phát thải

Chuyển đổi số song hành chuyển đổi xanh DN cũng cần tập trung cho một số ưu tiên hành động, đó là: chuyển đổi chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng theo hướng bền vững hơn; thúc đẩy trách nhiệm giải trình trong DN và thúc đẩy chuyển đổi kép: chuyển đổi số song hành cùng chuyển đổi xanh. Ông Nguyễn Tấn Công - Chủ tịch VCCI

Theo các chuyên gia kinh tế, ước tính 90% GDP toàn cầu nằm trong diện phải thực hiện các cam kết đưa mức phát thải ròng khí nhà kính bằng "0" vào năm 2050 (Net Zero). Điều này sẽ được pháp lý hóa để đảm bảo nghĩa vụ thực thi. Các tiêu chuẩn mới cũng dần định hình theo hướng gắn thương mại và đầu tư với các tiêu chí về giảm phát thải carbon, lao động, môi trường. Đây cũng chính là những rào cản mà các doanh nghiệp phải vượt qua.

Trong khi đó năng lực cạnh tranh, khả năng thu hút các DN của mỗi quốc gia hiện nay không còn nằm ở lao động giá rẻ, chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ đất đai mà sẽ đến bằng sự hấp dẫn của nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Đây là cơ hội cho những quốc gia nhanh chóng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, nhưng cũng là thách thức, rào cản không thể vượt qua đối với những ai chậm chân.

Xác định được thách thức và cơ hội khi tham gia vào sản xuất xanh, ở góc độ DN, ông Nguyễn Trung Anh - Giám đốc Nghiên cứu phát triển và phát triển bền vững Tập đoàn PAN chia sẻ, chiến lược phát triển bền vững hài hòa lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội xuất phát từ chính nhu cầu nội tại của công ty nhằm tối ưu hóa các nguồn lực. Đây cũng là yêu cầu từ phía các khách hàng, đối tác, đặc biệt là các khách hàng châu Âu. Chẳng hạn, Tập đoàn Tesco yêu cầu dấu vết carbon trên các sản phẩm thủy sản.

“Lợi ích của DN khi áp dụng phát thải thấp ở nhà máy là đã giảm được chi phí và giảm phát thải, giúp DN tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng, nâng cao giá trị thương hiệu khi ra thị trường quốc tế; tận dụng được các phụ phẩm; thâm nhập mở rộng thị trường nhất là các thị trường cao cấp. Đặc biệt, hiện nay các nhà đầu tư không chỉ quan tâm tới các chỉ số về kinh tế mà họ còn quan tâm đến sự tuân thủ của các công ty về môi trường và xã hội” - ông Trung Anh khẳng định.

Là DN nông nghiệp, ông Khuất Quang Hưng - Giám đốc Đối ngoại và truyền thông Công ty Nestlé Việt Nam cho biết, từ thực tiễn hoạt động của DN, công ty đặt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050. Theo lộ trình sẽ giảm 20% phát thải vào năm 2025; 50% vào năm 2030 và hoàn thành mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Để thực hiện cam kết trên, Nestlé tập trung vào thượng nguồn chuỗi giá trị, với 2 cách tiếp cận chiến lược để giảm phát thải, gồm: thúc đẩy nông nghiệp tái sinh; bảo tồn và tái tạo rừng.

Cam kết thực hiện Net Zero vào năm 2050 là thách thức rất lớn đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Nhưng đây là thời điểm, cơ hội để chúng ta cùng hành động để thực hiện các mục tiêu toàn cầu; đồng thời là cơ hội để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào tri thức, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ; đưa đất nước phát triển theo "con đường xanh" có thu nhập cao vào năm 2045.

Thu hút nguồn vốn cho sản xuất xanh

Tại Hội nghị cấp cao về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc năm 2021 (COP26), Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050. Ðể đạt được mục tiêu này, Ngân hàng Thế giới ước tính Việt Nam sẽ cần khoảng 380 tỷ USD.

Do đó, Việt Nam đang tích cực triển khai lộ trình sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý nhằm huy động nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh và khuyến khích hoạt động sản xuất và đầu tư xanh, chuyển dịch năng lượng, chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn, phát thải carbon thấp.

Việt Nam là một trong những quốc gia thu hút nhiều nguồn vốn xanh từ quốc tế. Tính riêng trong hai năm 2021 và 2022, đã có hơn 7 tỷ USD nguồn vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam, phần lớn dành cấp cho các dự án xanh nhằm giảm thiểu tác hại với môi trường và hạn chế phát thải.

Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, việc chuyển hướng sang phát triển kinh tế xanh là xu thế tất yếu. Cũng chính vì xác định kinh tế xanh, chuyển đổi xanh là động lực tăng trưởng quan trọng trong dài hạn, Việt Nam đã và đang tích cực triển khai lộ trình sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý nhằm huy động nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh và khuyến khích hoạt động sản xuất và đầu tư xanh, thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển dịch năng lượng, chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn, phát thải carbon thấp.

Báo cáo về "Thị trường tài chính Việt Nam 2022 và triển vọng 2023", các chuyên gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng TMCP Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhìn nhận, các cơ chế, chính sách cho thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đang được dần hoàn thiện với từng loại công cụ như trái phiếu xanh - xã hội - bền vững (GSS), cổ phiếu xanh, thị trường carbon, tín dụng xanh. Trong tương lai, Việt Nam hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn cho nguồn vốn xanh quốc tế với môi trường pháp lý đang được hoàn thiện, góp phần huy động nguồn lực đầu tư phát triển và hội nhập quốc tế một cách bền vững hơn./.

Song Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/doanh-nghiep-tim-huong-phat-trien-xanh-giam-phat-thai-carbon-135952.html