Doanh nghiệp giao thông và chiến lược giữ chân người tài

Đáp ứng khối lượng công việc ngày càng lớn, nhiều năm qua, Tập đoàn Đèo Cả đã xây dựng riêng cho mình một đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân lành nghề, gắn bó, nhiệt huyết nhờ chế độ phúc lợi đặc biệt.

Những năm qua, lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả luôn dành sự quan tâm đặc biệt và chế độ đãi ngộ tốt nhất cho các cán bộ, người lao động cống hiến và gắn bó với doanh nghiệp.

Chi hàng chục nghìn đô mời chuyên gia giỏi

"Tôi thích môi trường làm việc cởi mở của Đèo Cả, ấn tượng với đội ngũ lãnh đạo trẻ có năng lực, các kỹ sư nhiệt huyết, đặc biệt là chế độ phúc lợi rất tốt", ông Mr Siah Chee Seng, chuyên gia cầu dây văng mở đầu câu chuyện đầu năm khi nói về nơi mình công tác.

Hơn 30 năm làm việc trong lĩnh vực xây dựng cầu đường với phần lớn thời gian làm việc với các nhà thầu nước ngoài như: Pháp, Nhật, cách đây không lâu, ông Siah Chee Seng chính thức nhận được lời mời về Đèo Cả từ Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp này - ông Hồ Minh Hoàng.

"Năm ấy, đi qua hầm Đèo Cả, tôi rất ấn tượng khi biết đó là dự án do một nhà thầu giao thông Việt Nam đảm nhận thi công toàn bộ.

Tôi càng ấn tượng hơn với cuộc gặp gỡ ông Hồ Minh Hoàng, với tư duy "Nghĩ khác biệt - Tạo cách biệt" mà vị chủ tịch này tâm niệm và với cách chia sẻ về kế hoạch, tầm nhìn tham gia các dự án lớn, đặc biệt là các dự án đòi hỏi công nghệ thi công hiện đại như: cầu có khẩu độ lớn, cầu dây văng.

Đó là lý do khi người đứng đầu của Tập đoàn muốn tôi tham gia và trở thành một phần trong kế hoạch tương lai của doanh nghiệp, tôi đã vui vẻ nhận lời", ông Siah Chee Seng chia sẻ.

Với khát vọng chinh phục những công trình giao thông tạo động lực phát triển kinh tế đất nước, có thể nói, thời điểm hiện tại, Đèo Cả là một trong số ít những doanh nghiệp giao thông của Việt Nam mạnh tay "xuống tiền" để chiêu mộ các chuyên gia nước ngoài về làm việc với mức lương "khủng".

Theo ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, doanh nghiệp muốn vươn tầm quốc tế, trước hết, đội ngũ nhân sự phải có tầm quốc tế.

Ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả.

"Hiện, có những nhân sự chúng tôi trả lương lên đến 15.000USD/tháng để cùng đồng hành để triển khai các nhiệm vụ hướng đến mục tiêu vươn tầm quốc tế.

Các nhân sự nước ngoài có kinh nghiệm được Đèo Cả mời về làm việc với vai trò chuyên gia ở các lĩnh vực mới mà Tập đoàn quan tâm như: cầu dây văng, đường sắt tốc độ cao, metro, hầm vượt biển…", ông Nam nói và cho biết, tính đến hết năm 2023, tổng số nhân sự toàn Tập đoàn Đèo Cả là 7.377 người, tăng 46% so với 31/12/2022 (tương ứng sản lượng công việc tăng 60%).

Riêng năm 2023, Đèo Cả đã tuyển dụng 3.080 nhân sự, tăng 79% so với năm 2022. Trong đó, khối công trường là 2.756 người (chiếm tỷ lệ 90%), khối văn phòng là 324 người (chiếm tỷ lệ 10%).

Với khối lượng công việc năm 2024 tăng xấp xỉ 30% so với năm trước đó, lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả cho biết: Trong năm nay, nhu cầu tuyển dụng lao động tại Tập đoàn dự kiến lên đến hơn 3.000 lao động trên khắp mọi miền đất nước.

"Bên cạnh việc tuyển dụng, năm 2024, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện điều chuyển, bố trí nhân sự để đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, hệ thống các đơn vị.

Trong đó, Đèo Cả sẽ điều chuyển, giải quyết chế độ tại các dự án hoàn thành: Cam Lâm - Vĩnh Hảo (hoàn thành vào tháng 3/2024), đường ven biển Bình Định, cụm Dự án Quảng Ninh... Điều chuyển, tuyển dụng tại các dự án mới như: Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Vành đai 3 TP.HCM…", Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả thông tin.

Lán trại công trường khang trang hiện đại với những bữa ăn đầy đủ, chất lượng đã giúp người lao động của Tập đoàn Đèo Cả luôn giữ được sức khỏe, năng lực tích cực để bứt tốc các dự án giao thông.

Không chậm lương ngay cả khi khó khăn nhất

Đánh giá đặc thù hoạt động đầu tư, xây dựng các dự án công trình giao thông không phải lúc nào cũng thuận lợi, song, Tổng giám đốc Ngọc Trường Nam khẳng định: Nợ lương và chậm lương là điều chưa từng có ở Tập đoàn Đèo Cả.

"Thay vì để người lao động tạm nghỉ, cắt giảm lương chờ khó khăn qua đi, Tập đoàn Đèo Cả luôn chủ động khắc phục vượt khó, bố trí công việc phù hợp cho người lao động.

Những lúc khó khăn nhất, nhiều giải pháp được thực hiện để đảm bảo thu nhập cho người lao động với mục tiêu "không ai bị bỏ lại phía sau".

Các quỹ tài chính luôn được dự phòng để doanh nghiệp quản trị rủi ro, ưu tiên hàng đầu là chế độ cho người lao động.

Đó là lý do ở thời điểm căng thẳng nhất như giai đoạn đại dịch Covid-19 hoành hành, nền kinh tế chao đảo, mọi hoạt động sản xuất kinh tế trong nước và quốc tế bị xáo trộn thì guồng máy của Đèo Cả vẫn được vận hành xuyên suốt, đảm bảo chất lượng, tiến độ triển khai công việc", ông Nam giãi bày.

Nhận thức rõ con người là yếu tố quan trọng, chúng tôi thay đổi khái niệm "lán trại hiện trường" thành "văn phòng, nhà ở hiện trường" với cơ sở vật chất trang thiết bị tốt nhất (có điều hòa, bình nước nóng, khu thể thao). Những điều kiện này không chỉ dành cho các cấp quản lý mà từng công nhân cũng được chăm lo để tái tạo sức lao động, tăng hiệu suất làm việc.

Ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả

Đẩy mạnh đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực

Chia sẻ thêm về chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng tại doanh nghiệp, theo lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả, thời gian qua, Tập đoàn đã có chiến lược đào tạo phát triển toàn diện, từ cấp lãnh đạo, ban chuyên môn đến người lao động.

Các hoạt động đào tạo được triển khai đa dạng với nhiều hình thức, gồm cả nội bộ và kết hợp với đơn vị bên ngoài, cả ngắn hạn lẫn dài hạn.

Riêng năm 2023, khối công trường có 1.568 nhân sự được đào tạo tập trung vào các ngành nghề, công việc mang tính đặc thù của Tập đoàn như thợ mìn, thợ khoan, thợ phun, lái xe, lái máy công trình...

Các hoạt động đào tạo nghiệp vụ thường xuyên được Đèo Cả tổ chức, đảm bảo chất lượng nhân lực ở tất cả các cấp.

Đèo Cả cũng kết hợp với trường Cao đẳng GTVT Trung ương V & Cao đẳng GTVT đường bộ tiến hành đào tạo nghiệp vụ quản lý, vận hành công trình hạ tầng giao thông cho 120 nhân sự.

Với khối văn phòng, các Ban chuyên môn đã tiến hành các chương trình đào tạo nâng cao kiến thức, kĩ năng cho nhân sự, hoàn thành 31/41 chuyên đề đăng kí từ đầu năm.

"Bắt nhịp với xu hướng đầu tư các dự án giao thông quy mô trong tương lai gần, Khóa 1 ngành đường sắt - metro đã được Đèo Cả phối hợp với Trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM tổ chức với 80 học viên thuộc hai lớp học", ông Nam chia sẻ.

Cụ thể hóa chiến lược phát triển đào tạo, Tập đoàn Đèo Cả đã thành lập 2 trung tâm đào tạo.

Trong đó, hợp tác với trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM thành lập Viện nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả, đào tạo nhóm kỹ sư, chuyên gia, trình độ cao.

Cùng đó là Trung tâm Huấn luyện thực hành tại Đà Nẵng cũng được thành lập, để đào tạo các nhóm công nhân, các người thợ để thi công các dự án và tham gia công tác quản lý vận hành, bảo trì.

Các chương trình huấn luyện thực hành được thiết kế với nhiều mức độ khác nhau, phù hợp với từng cấp bậc và vị trí làm việc trong tổ chức.

"Tại trung tâm này, Đèo Cả sử dụng đội ngũ nhân sự chính là các kỹ sư, chuyên gia của Tập đoàn đang tham gia các dự án của mình kết hợp với các giảng viên trường nghề như trưởng Cao đẳng GTVT Trung ương V để đào tạo các chương trình có tính thực tiễn cao", lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ thêm.

Nam Khánh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/doanh-nghiep-giao-thong-va-chien-luoc-giu-chan-nguoi-tai-192240217112103624.htm