Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Cách đây 41 năm, ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167-HĐBT thiết lập ngày 20/11 hằng năm là “Ngày nhà giáo Việt Nam”, nhằm tri ân đội ngũ nhà giáo, những người có đóng góp cho ngành Giáo dục Việt Nam. Cùng với ngành Giáo dục cả nước, những năm qua, tập thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh luôn đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp “trồng người” trong thời kỳ mới.

Với tinh thần dành nguồn lực cho phát triển giáo dục và đào tạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp có hiệu quả của các sở, ban, ngành, đoàn thể và ủng hộ của nhân dân, sự nghiệp giáo dục của tỉnh đã có sự phát triển vượt bậc và toàn diện. Mạng lưới trường lớp của tỉnh đã được mở rộng, hoàn thiện và phát triển rộng khắp địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 609 cơ sở giáo dục đào tạo, gồm 229 trường mầm non; 98 trường tiểu học; 144 trường tiểu - trung học cơ sở; 81 trường trung học cơ sở; 14 trường trung học cơ sở - trung học phổ thông; 1 trường tiểu học - trung học cơ sở và trung học phổ thông; 30 trường trung học phổ thông; 12 trung tâm giáo dục thường xuyên. Với tổng số trên 370.000 học sinh.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chuyển trao quyết định của Bộ GD&ĐT công nhận tỉnh Sơn La đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, THCS, chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 cho Sở GD&ĐT.Ảnh: PV

Đội ngũ nhà giáo được quan tâm, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và chuẩn trình độ đào tạo. Hiện nay, tỉnh có trên 23.500 cán bộ quản lý và giáo viên ở các cấp học. Trong đó, 21,9% số giáo viên đạt trình độ trên chuẩn; 62% số giáo viên đạt chuẩn. Có 2 phó giáo sư, 5 tiến sĩ, 430 thạc sĩ, hơn 20.960 cán bộ, giáo viên có trình độ đại học, cao đẳng, còn lại là trung cấp và trình độ khác. Đội ngũ viên chức quản lý và giáo viên nhiệt huyết, yêu nghề, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Trong các năm học, các nhà giáo tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học vào giảng dạy và quản lý; ứng dụng giải pháp về phát triển giáo dục stem, steam; các giải pháp thực hiện chuyển đổi số trong ngành giáo dục. Riêng năm học 2022-2023, ngành có 320 sáng kiến khoa học của cán bộ, giáo viên được công nhận cấp cơ sở; 20 sáng kiến được đề nghị Hội đồng sáng kiến cấp tỉnh xem xét, thẩm định. Các sáng kiến này đã được áp dụng vào thực tế quản lý và giảng dạy tại các trường học. Hội thi giáo viên dạy giỏi THCS cấp tỉnh lần thứ 11 năm học 2022-2023, đã có 186 giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi. Hội thi giáo viên THPT dạy giỏi cấp tỉnh lần thứ 11 năm 2023, có 99 giáo viên được công nhận đạt danh hiệu giáo viên THPT dạy giỏi cấp tỉnh.

Các trường học thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”; “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”, “Hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn”. Cán bộ quản lý, giáo viên, đoàn viên có trình độ, chuyên môn nghiệp vụ tốt đã xung phong, tự nguyện tham gia giảng dạy củng cố, bổ sung kiến thức, phụ đạo miễn phí cho học sinh yếu kém, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo trao đổi với cán bộ, giáo viên, học sinh Trường THPT Chiềng Khương, huyện Sông Mã. Ảnh: Trường Sơn

Phong trào thi đua: “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”; “Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn”; “Dạy tốt, học tốt”, “Thực hiện hiệu quả việc cải tiến chất lượng giáo dục một cách thực chất và bền vững”; xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”… được các trường học triển khai với nhiều giải pháp. Trong đó, nâng cao chất lượng dạy và học đảm bảo thực chất, đánh giá đúng năng lực của học sinh. Đồng thời, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động chuyên môn bàn giao chất lượng các cấp học, đảm bảo học sinh đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng theo quy định. Năm học 2022-2023, có 905 em đoạt giải kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp THCS; 1.181 học sinh đoạt giải kỳ thi học sinh giỏi THPT cấp tỉnh; 1 dự án đoạt giải triển vọng, 1 dự án đoạt giải ba tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia. Đặc biệt, học sinh Bùi Anh Đức tham gia Cuộc thi đường lên đỉnh Olympia đã đạt giải ba chung cuộc.

Đến nay, tỉnh đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và THCS mức độ 2; xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố và 5/14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2. Là tỉnh thứ 45/63 tỉnh, thành đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Hệ thống quản lý chất lượng IMS (QMS ISO 9001:2015 và EOMS ISO 21001:2018) của Sở GD&ĐT được tổ chức chứng nhận quốc tế French Cert của Vương quốc Anh kiểm định và cấp chứng chỉ đạt tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc tế ngày 22/1/2022. Sở GD&ĐT là đơn vị đầu tiên trong cả nước và khu vực Đông Nam Á, đơn vị thứ 23 khu vực Châu Á và đơn vị thứ 50 trên thế giới đạt đồng thời 2 chứng chỉ QMS ISO 9001:2015 và EOMS ISO 21001:2018.

Phát huy những kết quả đã đạt được, ngành GD&ĐT tỉnh tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Nghiên cứu xây dựng chính sách thu hút, tạo nguồn tuyển dụng giáo viên và hỗ trợ, tạo điều kiện để giáo viên yên tâm công tác. Tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá tích cực theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho GD&ĐT. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, tập trung cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực xã hội hóa đầu tư lĩnh vực GD&ĐT. Chú trọng thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong GD&ĐT. Tiếp tục xây dựng hạ tầng học tập quốc gia, kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành, gồm bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho các môn học; triển khai nền tảng cung cấp các khóa học trực tuyến. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, ngành Giáo dục Sơn La tiếp tục đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, trang bị nền tảng tri thức cho các thế hệ học sinh, góp phần xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao cho tỉnh.

Lê Tiến Quân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/khoa-giao/doan-ket-doi-moi-sang-tao-nang-cao-chat-luong-giao-duc-toan-dien-cZSlMPSSR.html