Điện ảnh là cánh cửa tuyệt vời để hiểu về một nền văn hóa

Tối 10/1, Tuần lễ phim Iran chính thức khai mạc tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia, Hà Nội, với bộ phim mở màn từng đoạt giải Crystal Simorgh cho hạng mục Phim hay nhất tại Liên hoan phim Fajr lần thứ 23 năm 2005.

Diễn ra từ ngày 10-14/1 tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia, Tuần lễ phim Iran là sự kiện kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Iran và Việt Nam (1973-2023). (Ảnh: Báo điện tử Tổ quốc)

Đến dự sự kiện có: Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông; Đại sứ Iran tại Việt Nam Ali Akbar Nazar; các đại diện từ đại sứ quán một số nước, các đơn vị thông tấn, báo chí và đông đảo người dân Thủ đô.

Diễn ra từ ngày 10-14/1 tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia, Tuần lễ phim Iran là sự kiện kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Iran và Việt Nam (1973-2023).

Phát biểu khai mạc, Đại sứ Ali Akbar Nazari cho biết, phim ảnh là ngôn ngữ chung của thế giới, không phân biệt nguồn gốc dân tộc, văn hóa hay xã hội. Phim ảnh là cánh cửa tuyệt vời để hiểu biết về một nền văn hóa. Vì thế, xem phim là cách tiếp cận thú vị, đầy tính nghệ thuật để tìm hiểu đất nước, con người và cuộc sống hàng ngày của người dân Iran. Là một trong những nền điện ảnh lâu đời nhất thế giới, phim Iran luôn nhận được sự chú ý tại các liên hoan phim quốc tế danh tiếng như Oscar, Cannes, Berlin.

Nền điện ảnh Iran đã đạt được nhiều thành công dù cho kinh phí hạn hẹp và luật kiểm duyệt chặt chẽ. Số lượng phim sản xuất hàng năm không nhiều, nhưng với những đạo diễn tài năng, cách làm nghệ thuật đầy sáng tạo, các bộ phim của Iran đều được thế giới ghi nhận và đánh giá cao, giành nhiều giải thưởng quốc tế.

Theo Đại sứ Iran tại Việt Nam Ali Akbar Nazar, phim ảnh là ngôn ngữ chung của thế giới, không phân biệt nguồn gốc dân tộc, văn hóa hay xã hội. (Ảnh: Báo điện tử Tổ quốc)

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam-Iran luôn phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực trong đó có văn hóa, thể thao và du lịch. Năm 2023, nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Iran, đánh dấu mốc son mới quan trọng trong quan hệ hai nước.

Thời gian qua, Việt Nam và Iran có sự kết nối tích cực trong lĩnh vực điện ảnh. Bên cạnh những tuần phim tại 2 nước, Iran đều đặn gửi nhiều phim chất lượng cao tham gia các kỳ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội và từng giành nhiều giải thưởng quan trọng. Các nhà làm phim Việt Nam coi thành công của nền điện ảnh Iran là hình mẫu để tham khảo, học hỏi những kinh nghiệm giá trị.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông khẳng định, các nhà làm phim Việt Nam coi thành công của nền điện ảnh Iran là hình mẫu để tham khảo, học hỏi những kinh nghiệm giá trị. (Ảnh: Báo điện tử Tổ quốc)

Bộ phim mở màn của Tuần lễ phim năm nay là tác phẩm Rất gần, rất xa của đạo diễn Reza Mirkarimi, kể về bác sĩ chuyên khoa não và thần kinh nổi tiếng Iran Mahmoud Alam có một cậu con trai yêu thích thiên văn học. Tình cờ ông phát hiện con mình bị u não và quyết định thực hiện chuyến đi xuyên sa mạc đến chỗ con trai. Chuyến đi này đã dạy ông nhiều điều ý nghĩa về cuộc sống và niềm tin.

Phim được chọn là đại diện của Iran tranh giải Oscar 2005 hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất; từng đoạt giải Crystal Simorgh cho Phim hay nhất tại Liên hoan phim Fajr lần thứ 23 năm 2005.

Ngoài ra, Tuần lễ phim còn giới thiệu các bộ phim truyện: Con xe điên loạn (đạo diễn Abolhassan Davoudi, chiếu ngày 11/1); Giầy của tôi đâu? (đạo diễn Kiumars Pourahmad, 12/1), cùng 2 phim hoạt hình Loopetoo (đạo diễn Abbas Askari, 13/1) và Mobarak (đạo diễn Mohammadreza Najafi, 14/1).

Xuân Sơn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dien-anh-la-canh-cua-tuyet-voi-de-hieu-ve-mot-nen-van-hoa-256909.html