Điểm danh những loại nấm 'sang chảnh' siêu đắt đỏ chỉ dành cho giới đại gia

Trên thế giới có nhiều loại nấm mà giá trị của chúng còn được ví như vàng. Bởi lẽ không chỉ có hàm lượng dinh dưỡng cao, mùi vị đặc biệt mà chúng còn thực sự hiếm hoi, khó nhân giống, nuôi trồng đại trà như những loại nấm thông thường khác. 'Viên kim cương' Truffle, nấm Masutake hay nấm Hầu Thủ,... là những loại nấm siêu đắt đỏ, có tiền cũng phải 'xếp hàng' mới mua được.

Vào thế kỷ 18, nhà ẩm thực nổi tiếng Brillat Savarin đến từ Pháp đã ưu ái gọi nấm cục Truffle là "viên kim cương trong bếp". Đây được cho là một trong những nguyên liệu xa xỉ, đắt đỏ trong nền ẩm thực thế giới, nổi bật ở các quốc gia như Pháp, Italy, Hy Lạp, Tây Ban Nha...

Truffle thường được thái mỏng hoặc bào sợi và sử dụng với lượng nhỏ, tối đa 10g, khi chế biến món ăn. Vị ngọt và mùi thơm đặc biệt đã khiến nguyên liệu này có giá thành đắt đỏ hàng đầu thế giới, từ 3.000-4.000 USD/kg đối với Truffle đen. Giá của Truffle trắng cao hơn, thường khoảng 7.000 USD/kg. Giới siêu giàu mới đủ tiền để chi trả cho món ăn xa xỉ này

Không mọc trên mặt đất như các loài nấm thông thường, Truffle sinh sôi và phát triển dưới lòng đất và thường ký sinh trong rễ cây sồi, hạt dẻ, thông, hồ đào... Khi thu hoạch, con người phải nhờ đến chó huấn luyện. Khứu giác nhạy bén của chúng có thể đánh hơi mùi của loại nấm nằm sâu dưới lòng đất

Thưởng thức hương vị của loài nấm này từng là đặc quyền của giới thượng lưu và hoàng tộc từ thời Ai Cập cổ đại. Những người Roman giàu có thường dùng Truffle đen và trắng với salad như món khai vị

Nấm Tùng Nhung (Matsutake) thường mọc ở những rừng cây Tùng có độ ẩm cao và mây mù quanh năm. Đây là một loại "gia vị" quý trong nền ẩm thực Nhật Bản và Trung Quốc

Từ thời xa xưa, loại nấm đế vương này chỉ dành cho vua chúa. Ngoài tác dụng bồi bổ sức khỏe, nó còn được cho rằng có thể tăng cường sinh lực cho nam giới. Đặc biệt, nấm Tùng Nhung góp phần giúp bệnh nhân ung thư và người bệnh tiểu đường bớt đau nhức

Số lượng nấm Tùng Nhung trên thị trường rất ít vì loại nấm này không thể trồng nhân tạo mà phải nhờ cậy hoàn toàn đến tự nhiên, do đó, giá thành của thực phẩm này khá cao

Được biết, khi nhập khẩu vào Nhật Bản loại nấm này đã có giá khoảng 90 USD/ kg và sau khi trải qua quá trình chế biến mức giá bán ra lên tới 2.000 USD/ kg (khoảng 46 triệu VNĐ)

Nấm khăn xếp có tên khoa học là Phallus Indusiatus. Sở dĩ loại nấm này có cái tên độc đáo như vậy là vì chúng có hình thù giống như chiếc khăn che mặt của phụ nữ. Nấm khăn xếp thường sống ở khu vực phía nam châu Á, châu Phi, châu Mỹ và Australia

Loại nấm này thường được sử dụng trong các món ăn ở Trung Quốc, Scandinavia, Đông Âu và khu vực Great Lakes ở Bắc Mỹ. Thành phần dinh dưỡng của nấm giàu chất xơ, protein và cacbonhydrate

Nấm khăn xếp đã được nuôi trồng thương mại hóa và bán chủ yếu ở thị trường Châu Á. Giá của chúng khá cao. 500g nấm khăn xếp khô có giá gần 3 triệu đồng trên thị trường

Nấm trứng phân bố rộng khắp các châu lục, thường có kích thước tương đối nhỏ với đường kính chỉ khoảng 2,5cm và được bao quanh bởi các gai li ti

Loại nấm này rất được người Hy Lạp và La Mã cổ đại ưa chuộng nhờ giá trị dinh dưỡng cao

Theo tìm hiểu, nấm trứng có thể ngăn chặn sự lây lan và phát triển của các vi khuẩn gây hại trong cơ thể con người

Nấm Vân Chi có tên khoa học là Trametes Versicolor, phân bố rộng khắp trên thế giới. Nấm Vân Chi có màu sắc sặc sỡ và mọc lộ thiên nên dễ dàng được phát hiện

Đây là một loại thảo dược vô cùng quý hiếm đã được sử dụng làm thuốc chữa bệnh từ xa xưa ở Trung Quốc và Nhật Bản. Nó có thể ngăn ngừa các bệnh ung thư như: ung thư gan, phổi , cổ tử cung, vú... Ngoài ra, loại nấm này còn có tác dụng kháng virus gây bệnh viêm gan B

Nấm Vân Chi thường mọc trên những thân cây khô đã chết, theo dạng hình tròn đồng tâm. Chúng mọc thành cụm, bề mặt nấm được phủ một lớp lông mịn. Giá thành của loại nấm này rơi vào khoảng 3,2 triệu VNĐ/kg

Nấm linh chi trường thọ Taisui cực kỳ quý giá vì được cho là thần dược trường thọ

Loại nấm này thậm chí cả đời bạn cũng khó có cơ hội được nhìn thấy vì nó quá hiếm có và ít gặp

Mỗi cân nấm linh chi trường thọ Taisui được bán với giá trên 2000 USD

Cũng như nấm khăn xếp, tên gọi của Nấm Hầu Thủ xuất phát từ hình dạng bên ngoài của nó. Nấm Hầu Thủ còn có một số tên gọi dân gian khác như: nấm bờm sư tử, nấm lông nhím. Nấm có tên khoa học là Hericium Erinaceus

Trong tự nhiên, Nấm Hầu Thủ được tìm thấy nhiều ở khu vực Bắc Mỹ, Châu Âu và một số quốc gia Châu Á. Dược tính của nấm giúp cải thiện bệnh Alzheimer, hỗ trợ tiêu hóa, ngăn chặn sự phát triển của các khối u trong cơ thể, tăng cường hệ thống miễn dịch. Ngoài ra, nấm còn giúp nam giới tăng cường sinh lực và làm cho cơ thể cường tráng

Cách dùng nấm Hầu Thủ phổ biến là để nguyên ngâm rượu hoặc xay thành bột và chứa trong các túi lọc để pha trà. Hiện nay, loại nấm này đã được nuôi trồng thành công ở Việt Nam, tuy nhiên giá vẫn rất cao. Một ký nấm hầu thủ khô có giá gần 2 triệu đồng

Tên khoa học của nấm Thượng Hoàng là Phellinus Linteus. Ở Nhật Bản, nấm được gọi là Meshimakobu, ở Hàn Quốc là Sanghwang, ở Trung Quốc là Song gen

Nấm Thượng Hoàng có dược tính cao, đã được dùng làm dược liệu ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc trong nhiều thế kỷ. Loại nấm này hỗ trợ chữa trị các bệnh như: Rối loạn chức năng dạ dày, tiêu chảy, xuất huyết và ung thư

Nấm có vị đắng, trong tự nhiên thường sinh trưởng trên thân cây dâu tằm. Trong y học cổ truyền Hàn Quốc, nấm Thượng Hoàng thường được kết hợp với trà nóng để bồi bổ sức khỏe. Hiện tại trên thị trường Việt Nam, 500g nấm Thượng Hoàng khô xuất xứ Hàn Quốc có giá gần 3 triệu đồng

Kiều Phương (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/anh-diem-danh-nhung-loai-nam-sang-chanh-sieu-dat-do-chi-danh-cho-gioi-dai-gia/830322.antd