Dịch COVID-19: Thế giới ghi nhận 631 ca tử vong trong 24 giờ qua

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN

* Phát triển vắc xin phổ quát chống mọi loại biến thể của SARS-CoV-2

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ 30 ngày 30/1 (giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 373.006.035 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.676.020 ca tử vong. Số ca hồi phục là 294.605.332 ca.

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 95.905 ca nhiễm mới và 631 ca tử vong. Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh với 75.481.122 ca mắc, trong đó 906.861 ca tử vong.

Tiếp đó là Ấn Độ với 41.087.817 ca mắc, trong đó 494.110 ca tử vong; Brazil với 25.247.477 ca mắc, trong đó 626.643 ca tử vong.

Các quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 64.642 ca mắc COVID-19 và 236 ca tử vong trong ngày 29/1. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 16.517.152 ca, trong đó 313.617 người tử vong.

Ủy ban cấp cao về kiểm soát dịch COVID-19 của Ai Cập ngày 29/1 thông báo điều chỉnh phác đồ điều trị cho các bệnh nhân COVID-19, trong đó có quyết định đưa vào sử dụng một số loại thuốc mới đã được phê duyệt như Molnupiravir.

Thuốc Molnupiravir sẽ bắt đầu được sử dụng kể từ ngày 29/1 tại tất cả các bệnh viện cách ly. Đây là một phần của phác đồ điều trị mới và dành cho những người gặp vấn đề về suy giảm hệ miễn dịch, người già và bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính.

Hiện nay, Ai Cập có đủ nguyên liệu để sản xuất thuốc Molnupiravir, vốn được sử dụng cho các trường hợp mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ và trung bình.

Trước đó, Ủy ban cấp cao về kiểm soát dịch COVID-19 của Ai Cập đã 7 lần điều chỉnh phác đồ điều trị COVID-19. Phác đồ này sẽ được sửa đổi bất cứ khi nào cần thiết, như khi Ai Cập có loại thuốc điều trị mới hoặc xuất hiện biến thể mới.

Quốc gia Bắc Phi này cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho những tình huống xấu nhất liên quan đến tình trạng gia tăng số lượng ca bệnh mới, đặc biệt là khi virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục lây lan và đột biến.

Mặc dù số ca mắc COVID-19 ở Ai Cập đang có xu hướng tăng nhanh do biến thể mới, song những trường hợp phải nhập viện trong làn sóng lần này thấp hơn nhiều so với trước đây. Theo số liệu mới nhất, Ai Cập đến nay đã ghi nhận tổng cộng hơn 419.000 ca mắc COVID-19, trong đó có 22.522 người tử vong.

Tại Israel, dịch bệnh tiếp tục lây lan ở nước này. Số ca COVID-19 trong tình trạng nguy kịch tăng mạnh 946 ca, lên tổng số 1.010 người, mức cao nhất kể từ tháng 2/2021.

Bộ Y tế Israel ngày 29/1 cho biết nước này có 53.020 ca nhiễm mới trong một ngày, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 2.751.363 ca, trong đó 8.657 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 38 người không qua khỏi.

Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29/1 cũng ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này, với 94.783 ca, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 11.438.476 ca.

Nước này cũng có thêm 174 ca tử vong vì COVID-19 trong 24 giờ, đưa tổng số người không qua khỏi lên 87.045 người. Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng đại trà vắc xin ngừa COVID-19 từ tháng 1/2021 sau khi giới chức y tế nước này cho phép sử dụng khẩn cấp vắc xin của hãng Sinovac (Trung Quốc).

Hiện, hơn 57,4 triệu người dân nước này đã tiêm ít nhất 1 liều vắc xin, trong đó 52,36 triệu người đã tiêm 2 liều. Đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiêm được 141,7 triệu liều vắc xin, trong đó có tính cả liều tăng cường.

Ở châu Mỹ, Bộ Y tế Mexico ngày 29/1 cho biết nước này ghi nhận 522 ca tử vong vì COVID-19 và 42.582 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh và tử vong lên lần lượt là 4.916.143 ca và 305.762 ca.

Tại châu Âu, Ý ngày 29/1 ghi nhận 137.147 ca mắc mới nâng tổng số ca bệnh trên cả nước kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này hồi tháng 2/2020 lên 10,82 triệu ca nhiễm. Ý cũng có thêm 377 ca tử vong trong 24 giờ, đưa tổng số người không qua khỏi lên 145.914 ca. Đây là số ca tử vong vì COVID-19 cao thứ 2 ở châu Âu sau Anh (155.613 ca) và cao thứ 9 trên thế giới.

* Các nhà khoa học đang nghiên cứu phát triển một loại vắc xin có thể chống nhiều loại biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Giới chuyên gia cho rằng việc phát triển được loại vắc xin này có thể mở đường cho việc tạo ra một loại vắc xin phổ quát - có thể đánh bại chủng virus corona, không chỉ ngăn chặn sự tấn công của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, mà còn một số bệnh cảm lạnh thông thường.

Tuy nhiên, phát biểu với báo giới, tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế của Nhà Trắng và là chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ, cho rằng phải mất vài năm để phát triển các loại vắc xin như vậy.

Chủng virus corona được phát hiện lây nhiễm ở người lần đầu tiên vào giữa thập niên 60 của thế kỷ trước. Đến nay, giới khoa học ghi nhận có 7 chủng virus corona lây nhiễm ở người gồm 4 chủng gây bệnh cảm lạnh thông thường, Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng (SARS) và SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Tuy nhiên, kể từ tháng 9/2020, đã có 5 biến thể của virus SARS-CoV-2 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào danh sách các biến thể gây quan ngại gồm Alpha, Beta, Gamma, Delta và hiện là Omicron.

Do đó, Tiến sỹ Fauci cho rằng cần có những cách tiếp cận mang tính sáng tạo nhằm tạo ra sự bảo vệ rộng rãi và lâu dài chống các chủng virus corona đã được biết đến hoặc chưa được ghi nhận ở thời điểm hiện tại. Đây cũng là lý do tại sao thế giới cần đến một loại vắc xin có thể chống mọi loại biến thể.

Thực tế, trong đại dịch COVID-19, nhiều loại biến thể của virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện và một số loại vượt qua khả năng bảo vệ của các loại vắc xin hiện nay.

Chính vì vậy, các nước trên thế giới đã phải triển khai tiêm mũi tăng cường vắc xin nhằm tăng hiệu quả bảo vệ đối với các biến thể. Không chỉ tiêm mũi thứ 3 mà nhiều nước trên thế giới còn đang triển khai tiêm mũi thứ 4. Trong bối cảnh trên, giới chuyên gia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển một loại vắc xin phổ quát - hoặc thậm chí chỉ là vắc xin chống mọi loại biến thể của virus SARS-CoV-2.

NIAID, một bộ phận thuộc Viện Y tế quốc gia Mỹ, đã đầu tư ít nhất 1,2 sĩ USD để nghiên cứu phát triển vắc xin, trong đó có nhiều dự án phát triển phát triển các loại vắc xin có thể chống mọi loại biến thể.

Tháng 9/2021, NIAID đã trao giải thưởng trị giá khoảng 36,3 triệu USD cho ba tổ chức học thuật gồm Đại học Wisconsin, Bệnh viện Brigham và phụ nữ ở Boston và Đại học Duke - để nghiên cứu và phát triển vắc xin có thể chống nhiều chủng virus corona và biến thể.

Hiện, các nhà khoa học thuộc Đại học Duke đang nỗ lực tạo ra vắc xin chống mọi loại biến thể. Theo ông Kevin Saunders, Giám đốc nghiên cứu thuộc Viện vắc xin cho con người Duke, cho biết đội ngũ khoa học đang nỗ lực tìm ra và nhắm tới "gót chân Achilles" của virus.

Đây phải là một phần quan trọng của virus, luôn có mặt trong mọi loại biến thể để khi virus biến đổi, hiệu quả của vắc xin mục tiêu không thay đổi nhiều.

Theo ông Saunders, "gót chân Achilles" của virus thường là nơi virus liên kết với protein cụ thể trên tế bào chủ mà virus đang nhắm mục tiêu và nếu thay đổi vị trí, thì virus sẽ không còn khả năng lây nhiễm nữa. Khi xác định được "gót chân Achilles" của virus, vắc xin có thể hoạt động bằng cách tạo ra các phản ứng kháng thể chống lại virus.

Trong quá trình đi tìm "gót chân Achilles" của virus, các nhà khoa học thuộc Đại học Duke đã tìm ra manh mối là một loại kháng thể mang tên DH1047.

Các nhà khoa học xác định được kháng thể này sau khi phân tích máu của 1 bệnh nhân SARS năm 2003, đồng thời phát hiện kháng thể này có khả năng liên kết với cả SARS-CoV-1 gây bệnh SARS và SARS-CoV-2, gây COVID-19.

Hiện, các nhà khoa học đang thử nghiệm vắc xin trên động vật, kết quả cho thấy chúng đã tạo ra các kháng thể trông giống như DH1047. Cách tiếp cận của các nhà khoa học tại Đại học Duke, tập trung vào DH1047, chỉ là một trong nhiều cách thức mà các nhà khoa học đang nghiên cứu để phát triển vắc xin chống mọi loại biến thể.

Viện Nghiên cứu quân đội Walter Reed ở Silver Spring, Maryland, cũng đang phát triển một loại vắc xin có thể chống mọi loại biến thể trên người và dự kiến sẽ thử nghiệm giai đoạn 1 trên người vào tháng 4 tới.

Nhìn chung, nghiên cứu vắc xin trên động vật cho thấy có thể tạo ra kháng thể chống lại nhiều chủng virus corona. Đây không phải là lần đầu tiên các nhà khoa học nỗ lực phát triển vắc xin phổ quát có thể chống lại nhiều loại virus.

Các nhà khoa học thuộc chương trình nghiên cứu bệnh cúm NIAID của Viện Y tế quốc gia đang nỗ lực tạo ra một loại vắc xin cúm phổ quát, được cho là có thể cung cấp khả năng bảo vệ lâu dài, mạnh mẽ có thể chống nhiều loại cúm thay vì một số loại cúm phổ quát, chương trình này mô tả như một loại vắc xin cung cấp khả năng bảo vệ lâu dài, mạnh mẽ chống lại nhiều loại bệnh cúm phụ, thay vì một số loại bệnh được chọn lọc.

Giới chuyên gia cho rằng để có thể xác định tương lai của các loại vắc xin ngừa COVID-19, giới chức y tế Mỹ cần xác định mục tiêu đối với vắc xin như nhằm ngăn chặn bệnh diễn tiến nặng và nhập viện hay ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh nói chung.

Bên cạnh đó, cũng cần tính tới việc xuất hiện các biến thể mới, khả năng miễn dịch suy giảm và hiệu quả của vắc xin.

Tiến sĩ Amesh Adalja, học giả cao cấp tại Trung tâm An ninh y tế thuộc Đại học Johns Hopkins, cho rằng việc xác định được mục tiêu sẽ giúp cơ bản định hình ra một loại vắc xin phổ quát, vừa có thể bảo vệ con người trước sự tấn công của virus SARS-CoV-2 cũng như 4 chủng virus corona gây ra 25% các ca cảm lạnh thông thường.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/270438/dich-covid-19--the-gioi-ghi-nhan-631-ca-tu-vong-trong-24-gio-qua.html