Di sản kéo co trước nguy cơ mai một

Sau 8 năm được UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại, nghi lễ và trò chơi kéo co được cộng đồng bảo tồn. Tuy nhiên, trong sự phát triển của đời sống xã hội, di sản này đang đứng trước nguy cơ mai một.

Trình diễn nghi lễ “kéo co ngồi” tại lễ hội đền Trấn Vũ (phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội). Ảnh: Việt Trung.

Năm 2015, nghi lễ và trò chơi kéo co của Việt Nam, Hàn Quốc, Campuchia và Philippines đã được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ở Việt Nam hiện còn bảo tồn một số lễ hội kéo co: nghi lễ và trò chơi kéo co ở Hữu Chấp (phường Hòa Long, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh); nghi lễ “kéo co ngồi” diễn ra tại lễ hội đền Trấn (phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội); lễ hội kéo co của người Tày xã Khánh Yên Hạ (huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai); lễ hội kéo co của người Tày (thôn Trung Đô, xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai).

Theo PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, kéo co vừa là trò chơi hấp dẫn, lại như một sợi dây tượng trưng cho sự kết nối cộng đồng với những sắc thái riêng của mỗi quốc gia và các vùng miền. Đó là sự đa dạng văn hóa. “Kể từ khi được UNESCO vinh danh, kéo co không chỉ là của riêng một cộng đồng hay riêng Việt Nam mà còn là một phần của di sản thế giới. Do đó chúng ta cần gìn giữ, phát huy, liên kết các cộng đồng trong nước, từ đó kết nối với các nước khác cũng sở hữu di sản này” - ông Trụ nói.

Trình diễn nghi lễ “kéo co ngồi” tại lễ hội đền Trấn Vũ (phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội). Ảnh: Việt Trung.

Tuy nhiên, cũng giống như nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật, việc bảo tồn và phát huy các giá trị của kéo co đang bị tác động bởi nhiều yếu tố. Việc thay đổi cơ cấu tổ chức và cung cách quản lý thôn làng trước đây dẫn đến những khó khăn trong việc bảo vệ, giữ gìn di sản văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, sự xáo trộn về dân cư do người các nơi khác về mua đất tại làng làm suy giảm tính đồng nhất trong cộng đồng cư dân; ảnh hưởng đến việc bảo vệ, phát huy di sản.

ThS Lưu Ngọc Thành - Giảng viên khoa Di sản văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nhận xét, hiện nay các địa phương cùng có di sản được UNESCO vinh danh như Hà Nội, Bắc Ninh, Lào Cai, Vĩnh Phúc chưa có sự phối hợp để cùng bảo tồn. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản cũng đang vướng phải những khó khăn “muôn thuở” - đó là thiếu kinh phí cho công tác bảo vệ và trao truyền. Chưa kể là sự mai một về những giá trị văn hóa và tâm linh chưa được kịp thời nhận diện, phục hồi.

Ông Thành cho biết, ngày nay lễ hội không còn tổ chức kéo dài như xưa, nhiều trò vui dân gian và nghi thức tế lễ đã lược giảm. Ở làng Hữu Chấp những người còn nhớ về nghi lễ này không nhiều. Việc đi chọn những cây tre đủ tiêu chuẩn dùng làm dây kéo cũng gặp không ít khó khăn. Trong làng không còn tre nên mỗi lần tổ chức phải đi khắp nơi, sang các tỉnh khác mới tìm được những cây đủ tiêu chuẩn. Việc tổ chức tốn kém nên nhân dân chỉ tổ chức trò chơi kéo co vào những năm chẵn, không gian lễ hội cũng phải chuyển qua vùng đất rộng trước đình chứ không còn tổ chức trong sân đình như trước.

Để kéo co xứng danh với danh hiệu di sản, theo các chuyên gia văn hóa, Bộ VHTTDL cần có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương xây dựng chương trình kế hoạch bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và đầu tư hỗ trợ nguồn kinh phí cho địa phương để tổ chức phổ biến, thực hành di sản để di sản có sức sống lâu dài, bền vững. Bên cạnh đó, cần ban hành chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân tiêu biểu tham gia vào quá trình bảo vệ, trao truyền di sản; tăng cường hơn nữa các chương trình hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nghi lễ và trò chơi kéo co từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia.

Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/di-san-keo-co-truoc-nguy-co-mai-mot-10267331.html