'Dị nhân' chạy 230km trong 24h, chuyên gia y học thể thao nói gì?

Theo góc nhìn của chuyên gia thể thao đầu ngành, việc chạy bộ trong thời gian dài ẩn chứa nhiều nguy cơ rủi ro về sức khỏe.

Nguyễn Đăng Hiếu, sinh năm 1983, sinh sống và làm việc tại TP HCM vừa đạt thành tích chạy trong 24 giờ tốt nhất Đông Nam Á với thông số 230,4km tại Hà Nội.

Thành tích này của anh Hiếu đã nhận được nhiều sự ngưỡng mộ của công chúng. Tuy nhiên, việc chạy trong thời gian dài có tốt hay không?

Việc chạy liên tục trong thời gian dài ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe?

Đưa ra nhận định về sự việc anh Hiếu đã đạt kỷ lục chạy bộ hơn 230km trong vòng 24h không nghỉ, PGS.TS.BS. Võ Tường Kha - Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam cảnh báo nếu người bình thường nhìn thấy và làm theo anh Hiếu chắc chắn sẽ nguy hại đến sức khỏe.

- Đầu tiên có thể là cạn kiệt năng lượng dẫn tới ngất xỉu tại chỗ do hạ đường huyết.

- Sốc nhiệt, nhiệt độ cơ thể tăng cao có thể dẫn tới hôn mê co giật.

- Gây rối loạn nước và điện giải, rối loạn thăng bằng kiềm toan. Điều này cũng có thể dẫn tới chuột rút hoặc nặng hơn là hôn mê.

PGS.TS.BS. Võ Tường Kha - Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam.

Trong trường hợp của anh Hiếu, sau khi chạy 24h liên tục, cơ thể sẽ cạn kiệt năng lượng, chức năng hoạt động các cơ quan như thần kinh, não bộ, tim mạch, cơ bắp… sẽ giảm đáp ứng vận động. Tiếp đến, cơ thể sẽ bị rối loạn phản ứng sinh hóa, rối loạn huyết động, dẫn đến rối loạn tuần hoàn, rối loạn cung cấp máu của các cơ quan tổ chức. Thậm chí quá trình dị hóa có thể tăng cường dẫn tới hiện tượng tiêu cơ, gây tiểu tiện ra protein và hồng cầu (tiểu tiện ra máu), có những trường hợp suy thận cấp và hôn mê.

BS Kha đưa ra cảnh báo những người tham gia bộ môn chạy tuyệt đối không nên làm theo hiện tượng như anh Hiếu. Để vận động trong thời gian dài, vận động viên cần phải lường trước thể chất thể lực của bản thân có thể đáp ứng lượng vận động mức nào, xem xét chức năng tuần hoàn, hô hấp, hệ vận động, thận tiết niệu, khả năng điều hòa nhiệt, khả năng cân bằng nước và điện giải, … có đủ đáp ứng không?

Vì sao có thể gọi anh Hiếu là "dị nhân"?

Theo PGS.TS.BS. Võ Tường Kha, việc chạy hơn 230km trong vòng 24 giờ liên tục được xem là điều phi thường. Trước hết, phải hiểu rõ cơ chế hoạt động của cơ thể khi tập luyện thể thao để thấy được sự phi thường.

Trong các môn thể thao, ban đầu cơ thể sẽ sử dụng nguồn năng lượng phosphagen từ liên kết giàu năng lượng. Loại năng lượng này tồn tại trong cơ thể từ 3-5 giây. Sau đó, cơ thể dùng đến nguồn năng lượng đường phân glucophage. Tiếp đến, khi vào các môn sức bền, cơ thể sẽ sử dụng nguồn năng lượng oxi hóa khử. Nguồn năng lượng này được lấy từ việc đốt cháy các chất sinh năng lượng (carbohydrate, lipit, protit).

Trong đó gluxit được dự trữ ở gan và cơ, lượng gluxit chỉ chiếm 300-450gram trong cơ thể, 1gram gluxit đốt cháy sản sinh ra khoảng 4,1kcal. Tuy nhiên, cơ thể không đốt cháy hết toàn bộ lượng gluxit này. Khi cơ thể còn khoảng 100-150gram gluxit, cơ thể chuyển sang đốt cháy mỡ (dưới dạng axit béo). Nếu chạy đường dài, chắc chắn cơ thể sẽ phải dùng năng lượng từ việc đốt cháy axit béo. Khi lượng gluxit và axit béo không còn đủ để cung cấp năng lượng cho cơ thể, việc đốt cháy đạm sẽ diễn ra.

Anh Nguyễn Đăng Hiếu (phải) đã lập một kỷ lục mới với cộng đồng chạy phong trào Việt Nam.

PGS Kha nhận định: "Để đạt được kết quả như vậy cần có sự tập luyện thường xuyên để tạo sự thích nghi cho cơ thể. Đây là điều người bình thường không thể làm được, ngay cả vận động viên chuyên nghiệp cũng khó làm được nếu không có sự chuẩn bị.

Thứ nhất, anh Hiếu sở hữu khả năng điều tiết và chuyển hóa năng lượng cực tốt. Cơ thể có sự tích lũy và điều hòa chuyển hóa năng lượng từ gluxit, axit béo đủ để chạy trong vòng 24h.

Thứ hai, khi cơ thể vận động sẽ sản sinh ra năng lượng và nhiệt lượng (qua hơi thở, mồ hôi, nước tiểu…), nếu quá trình thải nhiệt không đuổi kịp quá trình sinh nhiệt sẽ khiến cơ thể sốt. Nếu nhiệt độ cơ thể chạm đến ngưỡng 39- 42 độ C. Rõ ràng, cơ chế kiểm soát cân bằng nhiệt của anh Hiếu rất tốt.

Thứ ba, cơ chế cân bằng kiềm toan (cân bằng độ pH trong cơ thể), thông qua hoạt động của hệ thống thăng băng kiềm toan của anh Hiếu rất tốt.

Cũng có thể, trong quá trình chạy, anh Hiếu đã có những biện pháp bổ sung năng lượng tức thì như dung dịch đường cacbohydrate, đồ ăn, dung dịch nước và điện giải… đồng thời áp dụng những biện pháp làm giảm nhiệt nhanh cho cơ thể. Trong quá trình chạy, có thể anh Hiếu sẽ áp dụng những khoảng thời gian nghỉ bằng cách giảm tốc độ chuyển sang đi bộ.

Một yếu tố quan trọng để anh Hiếu có thể đạt được kỷ lục đó là ý chí, động lực và quyết tâm phi thường. Anh Hiếu sở hữu một tố chất đặc biệt, có thể là do bẩm sinh hoặc do tập luyện. Bên cạnh đó trong quá trình chạy đã có những phương pháp bổ sung năng lượng cho cơ thể thích hợp" - PGS Kha nhận định.

Người chạy nên lưu ý theo dõi nhịp tim và huyết áp trong lúc chạy.

Lời khuyên của bác sĩ khi lựa chọn môn thể thao sức bền

Các môn thể thao được chia làm 3 loại chính bao gồm: môn sức mạnh (cử tạ, ném lao, ném đĩa…), môn sức bền (chạy việt dã, marthon, đi bộ đường dài…), môn sức nhanh (chạy 100m, đạp xe 1km…). Trong các môn sức bền, cường độ vận độ trung bình thấp nhưng thời gian kéo dài, lượng vận động trung bình. Đối với các môn sức bền, cơ thể không nợ ôxi và không xảy ra rối loạn chuyển hóa trong cơ thể.

Theo PGS Kha, ai cũng có thể lựa chọn các môn thể thao sức bền, tuy nhiên trước hết cần phải xem xét về cường độ, thời gian và lượng vận động có phù hợp với cơ thể không. Để biết được điều này, bắt buộc phải thông qua đánh giá thể lực của cơ thể bao gồm các kiểm tra tổng thể. Đặc biệt trong đó cần lưu ý các cơ quan cung cấp oxi và năng lượng cho cơ thể hoạt động như: nghiệm pháp gắng sức tim-phổi, holter huyết áp, holer điện tim…; Kiểm tra chức năng thận; kiểm tra chức năng hô hấp; kiểm tra các bệnh lý ở mạch máu đặc biệt là các dị dạng bẩm sinh mạch máu não; kiểm tra các bệnh lý cấp-mạn tính về cơ xương khớp.

Sau khi đánh giá các chức năng có thể đáp ứng được, người tập cần lưu ý theo dõi nhịp tim và huyết áp trong khi tập. Nhịp tim không được vượt quá 80% nhịp tim tối đa của cơ thể. Trong quá trình tập cần chuẩn bị nước uống, nước bù điện giải, đồ ăn nhẹ giàu carbohydrate bổ sung năng lượng, khăn lạnh làm mát cơ thể, dụng cụ bảo hộ xương khớp, chọn trang phục phù hợp với thời tiết.

Trước đó vào 17h ngày 11/3/2023 tại khu vực Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội), anh Nguyễn Đăng Hiếu kết thúc thử thách chạy 24 giờ liên tục và chạm mốc 230,4km. Đây tạm được coi là "kỷ lục chạy 24 giờ dài nhất của Việt Nam". Trước đó vào tháng 9/2022, huyền thoại siêu đường trường Aleksandr Sorokin của Cộng hòa Litva tiếp tục tạo ra một kỷ lục thế giới vô tiền khoáng hậu khi chạy liên tục trong 24 giờ và đạt tổng quãng đường gần 320km.

Kim Dung

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/di-nhan-chay-230km-trong-24h-chuyen-gia-y-hoc-the-thao-noi-gi-169230316204558413.htm