Đến thời giá vàng lại nhảy nhót?

Trước tình hình giá vàng nhảy nhót sôi động hơn, nhu cầu lướt sóng kim loại quý này có vẻ đang quay trở lại, khi không ít nhà đầu tư mạnh tay mua vàng miếng SJC với dự đoán giá vàng này sẽ tăng mạnh hơn theo diễn biến của thị trường quốc tế trong thời gian tới.

Nhạy cảm với căng thẳng địa chính trị

Phiên giao dịch cuối tuần trước (14-10-2023, giờ Việt Nam), giá vàng thế giới tăng vọt hơn 62 đô la Mỹ/ounce, tương đương tăng 3,3%, đánh dấu ngày tăng mạnh nhất trong ba tháng qua. Tính chung trong tuần trước, giá vàng thế giới đã tăng gần 6,2%, lên mức 1.932 đô la/ounce. Giá kim loại quý này có vẻ đang quay lại thời kỳ biến động dữ dội, trong bối cảnh địa chính trị căng thẳng lan rộng khắp nơi.

Khi xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine vẫn kéo dài và chưa biết khi nào mới tìm được lối ra, xung đột quân sự bất ngờ nổ ra mới đây tại dải Gaza giữa lực lượng Hamas và Israel cho thấy rủi ro chiến tranh có thể diễn ra ở bất kỳ điểm nóng nào. Thế giới cũng đối mặt với nguy cơ cuộc chiến lan rộng khi Israel luôn là đồng minh thân cận của Mỹ và phương Tây, trong khi Hamas có thể nhận được sự ủng hộ từ một bộ phận thế giới Hồi giáo, đặc biệt là một số nước có nhiều mâu thuẫn với phương Tây.

Đáng chú ý, trước đó, cuộc đảo chính quân sự tại Niger vào giữa tháng 8 không chỉ đẩy nước này rơi vào bất ổn, mà còn có nguy cơ thúc đẩy xu hướng đảo chính quay trở lại các nước lân cận, khiến an ninh khu vực trở nên khó lường với các cuộc xung đột quân sự có thể diễn ra bất kỳ lúc nào, khi các phe phái đều nhận được sự ủng hộ riêng rẽ của những nước khác nhau tại châu Âu.

Nỗi lo sợ khủng hoảng chiến tranh lan rộng đang lớn dần. Và thị trường vàng lại nổi sóng vì nhà đầu tư luôn nhanh chóng trú ẩn vào tài sản này mỗi khi chiến tranh nổ ra. Còn nhớ vào tháng 2 năm ngoái, sau khi Nga tấn công Ukraine, giá vàng đã tăng một mạch 250 đô la/ounce chỉ trong vòng hai tháng sau đó, lên mức cao nhất mọi thời đại ở 2.080 đô la/ounce.

Lần này, ngoài rủi ro từ các cuộc xung đột quân sự, giá vàng cũng đang được hỗ trợ bởi triển vọng tăng mua vàng mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương (NHTƯ), mà có thể đẩy giá kim loại này sớm trở lại mức đỉnh cao gần 2.100 đô la/ounce. Theo khảo sát của Hội đồng Vàng thế giới năm 2023 được công bố gần đây, khoảng 24% NHTƯ có ý định tăng dự trữ vàng trong 12 tháng tới.

Theo các chuyên gia phân tích, quan điểm của các NHTƯ muốn tăng nắm giữ vàng thể hiện tương lai của đô la Mỹ – có thể giảm trong các năm tới. Ngoài việc giá vàng được định giá chủ yếu bởi đô la Mỹ khiến xu hướng của hai loại tài sản này ngược chiều nhau, việc đô la Mỹ được dự báo có thể quay đầu giảm trở lại trong thời gian tới sau khi đã trải qua chuỗi tăng mạnh gần đây có thể kích thích các NHTƯ chuyển dịch một phần tài sản dự trữ từ đô la Mỹ sang vàng, nhất là khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến có thể bắt đầu lộ trình giảm lãi suất trở lại từ năm 2024.

Áp lực lên tỷ giá và lãi suất?

Trước đó, báo cáo vào cuối năm 2022 của Hội đồng Vàng thế giới cho thấy trong năm 2022 các NHTƯ đã mua vàng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1967, với số lượng lên đến 1.136 tấn, riêng giai đoạn nửa cuối năm 2022 mua đến 862 tấn. Ngoài ra, Hội đồng Vàng thế giới cho biết khoảng hai phần ba lượng vàng mà các NHTƯ mua trong năm 2022 đã không được báo cáo công khai. Còn theo báo cáo của State Street Global Advisors – công ty quản lý tài sản lớn thứ 4 thế giới, các NHTƯ đã mua ròng 387 tấn vàng trong nửa đầu năm 2023.

Giới phân tích cho rằng Trung Quốc và Nga là những nước mua lớn và là dấu hiệu cho thấy một số nước muốn đa dạng hóa dự trữ, tránh phụ thuộc quá mức vào đô la Mỹ, sau khi chứng kiến Mỹ dùng đô la như là một vũ khí trong chính sách cấm vận các nước.

Cụ thể, tổng dự trữ vàng cập nhật gần nhất (đến cuối tháng 8) của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã leo lên mức 2.165 tấn, tăng khoảng 217 tấn kể từ khi Trung Quốc liên tục mua thêm vàng từ tháng 11 năm ngoái.

Ảnh hưởng từ thị trường vàng thế giới đi lên trở lại cùng với diễn biến tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng tăng mạnh trong thời gian gần đây, giá vàng trong nước cũng liên tục đi lên trong ba tháng qua. So với mức 66,7 triệu đồng/lượng tại thời điểm giữa tháng 7, giá vàng SJC trong nước hiện đã leo lên mức cao nhất kể từ tháng 1 năm ngoái ở mốc 70 triệu đồng/lượng. Trước tình hình giá vàng nhảy nhót sôi động hơn, nhu cầu lướt sóng kim loại quý này có vẻ đang quay trở lại, khi không ít nhà đầu tư mạnh tay mua vàng miếng SJC với dự đoán giá vàng này sẽ tăng mạnh hơn theo diễn biến của thị trường quốc tế trong thời gian tới.

Nhiều người lo sợ xung đột quân sự giữa lực lượng Hamas và Israel có thể chuyển thành xung đột giữa cả Iran với Israel, hay rộng hơn nữa là giữa một số nước Hồi giáo và một số nước phương Tây như đã nói. Khi đó, các thị trường tài chính toàn cầu có thể chứng kiến bất ổn lớn hơn, và dòng tiền càng có lý do để chạy vào trú ẩn ở những tài sản an toàn như vàng.

Chẳng những vậy, cuộc xung đột này cùng với cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine tiếp tục kéo dài sẽ càng tạo ra tác động sâu rộng tới thị trường năng lượng và thực phẩm, thương mại toàn cầu cũng như quan hệ địa chính trị.

Hãng Bloomberg Economics ước tính trong kịch bản Iran tham chiến, giá dầu có thể tăng vọt lên 150 đô la Mỹ/thùng và tăng trưởng toàn cầu giảm 1 điểm phần trăm xuống còn 1,7% trong năm 2023, gây thiệt hại khoảng 1.000 tỉ đô la Mỹ.

Hệ quả kế tiếp từ việc giá năng lượng và thực phẩm leo cao là lạm phát có thể trở lại thành nỗi ám ảnh của nhiều nước, vốn vẫn đang chật vật tìm cách kéo lạm phát xuống bằng cách liên tục tăng lãi suất trong hơn một năm qua. Nhiều nền kinh tế phụ thuộc vào nhập khẩu dầu cũng có thể đối mặt với nguy cơ đình lạm. Tình hình lạm phát cao và tăng trưởng kinh tế yếu nếu diễn ra lại càng ủng hộ cho giá vàng leo cao, đồng thời kích thích dòng tiền chuyển sang đầu tư vào vàng. Để kiểm soát lạm phát, ngăn chặn giá vàng và dòng tiền tiết kiệm chuyển sang đầu tư vào vàng, các NHTƯ có thể lại phải lựa chọn tiếp tục tăng lãi suất.

Tại Việt Nam, quá khứ cho thấy mỗi khi giá vàng nóng sốt và mở rộng chênh lệch (giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới) thường kéo theo những áp lực lên tỷ giá sau đó, khi kích thích nhu cầu đô la Mỹ để nhập lậu vàng nhằm ăn chênh lệch giá. Với đà tăng của tỷ giá trong những tháng gần đây do chênh lệch lãi suất tiền đồng và đô la Mỹ trong nước mở rộng, nếu thời gian tới phải chịu thêm áp lực từ diễn biến của thị trường vàng, việc kiểm soát và điều hành tỷ giá có thể đối mặt thêm những thách thức mới.

Tuệ Nhiên

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/den-thoi-gia-vang-lai-nhay-nhot/