Đêm cuối tiễn biệt 'Thạch Sanh' Vương Cảnh

Tối 18/2, giới nghệ sĩ cải lương và người mộ điệu đã đến viếng nghệ sĩ Vương Cảnh, người nổi tiếng với vai Thạch Sanh của cải lương Nam bộ. Linh cữu ông được hỏa táng tại Bình Dương lúc 7h sáng 19/2.

Tối 18/2, nhiều nghệ sĩ đã đến viếng cố nghệ sĩ Vương Cảnh, ai cũng tiếc thương cho chàng Thạch Sanh tài hoa của cải lương Nam bộ.

Nghệ sĩ ưu tú Phượng Loan xuất hiện khá sớm để thắp nén nhang cho người đồng nghiệp.

Với đôi mắt rưng buồn, chị cất lời ca tiễn đưa người đồng nghiệp.

“Vương Cảnh và Phượng Loan trước kia cùng hát ở đoàn cải lương Tinh Hoa (sau này đổi tên thành Vũng Tàu 1) một thời gian khá lâu. Khoảng 8 năm trước, anh bị tai nạn thì không còn hát chung nữa, chỉ hỏi thăm thôi. Với tôi, khi anh Vương Cảnh vào vai các vở tuồng truyền thuyết thì rất hợp”, NSƯT Phượng Loan nhớ lại.

NSƯT Cẩm Tiên bàng hoàng, chia buồn cùng bà Nguyễn Thị Kim Hương, vợ cố nghệ sĩ Vương Cảnh. “Thời điểm trước khi mất, anh không còn nói được, chỉ chớp mắt. Nhưng nhìn vào mắt anh, tôi thấy sự nhiệt huyết, nhớ nghề, nhớ đồng nghiệp”, bà Hương nghẹn lời.

"Khi hay anh ra đi, tôi đau lòng lắm. Trước kia, chúng tôi đi với nhau từ đoàn Thanh Nga, rồi sân khấu Tài năng của nhà hát cải lương Trần Hữu Trang… cho đến những chuyến lưu diễn ở miền Trung. Các vỡ diễn có cặp đôi Cẩm Tiên-Vương Cảnh rất ăn khách. Năm 1992, đóng tuồng xã hội, tôi không có phục trang vì chưa đủ tiền mua, anh Cảnh nói với bà xã cho Tiên mượn 5 bộ đồ hiệu. Câu chuyện này đã mãi gắn với sự nghiệp của Cẩm Tiên. Anh Cảnh có làn hơi không ngọt lắm, giọng kim pha đồng nhưng bù lại bởi ngoại hình điển trai", NSƯT Cẩm Tiên bồi hồi.

Bên linh cữu người bạn diễn, NSƯT Cẩm Tiên kể: "Khi anh bị tai nạn, trí nhớ anh giảm, không còn đi diễn nữa thì có lần anh gọi cho tôi kêu đi diễn. Tôi chủ động gọi lại cho vợ anh thì vợ anh xác nhận… không có. Lúc đó, tim tôi thắt lại, nước mắt như muốn tuôn trào vì tiếc thương cho một người anh, một nghệ sĩ tài đáng kính rực cháy lửa nghề. Anh gọi điện kêu đi diễn trong một trạng thái không minh mẫn, càng thương hơn, càng buồn hơn. Mong cho anh được an lạc”, NSƯT Cẩm Tiên nghẹn lời.

“Ngày xưa, một sân khấu thường 3 kép chánh. Tôi về chung đoàn Tiền Giang 1 với anh Cảnh. Trong nghề, anh em chúng tôi luôn nỗ lực, phấn đấu, có khi tranh đua với nhau để giữ thanh và sắc. Hai anh em muốn tập ca hơi dài phải chạy bộ thật nhanh rồi dừng, hát ngay, cực lắm. Anh Cảnh là người thẳng tính và chân thành, trong lòng luôn có đồng nghiệp, anh em. Có lần anh mời tôi hát đám tang, lúc đó tôi vừa hết bệnh. Anh tưởng tôi hát ‘nhép’, sợ bị lộ nên anh Cảnh vội kéo âm lượng micro xuống. Biết tôi hát thật, ảnh chỉ cười”, NSƯT Minh Minh Tâm rưng rưng.

NSƯT Minh Minh Tâm chia sẻ mất mát cùng gia quyến nghệ sĩ Vương Cảnh.

Nghệ sĩ Ngân Tuấn sau khi thắp nén nhang cho cố nghệ sĩ cũng bùi ngùi: “Hồi xưa anh Cảnh hát chung Tuấn ở đoàn Sông Bé 2. Lúc đó, Tuấn kép nhì, anh Cảnh kép chính. Hai anh em trải qua nhiều vỡ kinh điển như: Mùa thu trên Bạch Mã Sơn, Máu nhuộm sân chùa… Anh Cảnh là kép “doanh thu” của đoàn. Những năm 80, anh là nghệ sĩ đầu tiên đi diễn tỉnh bằng ô tô. Anh Cảnh rất thương Tuấn, hay rủ đi cùng. Anh Cảnh là kép điển trai, đánh được, bay được… đa tài và rất tập trung với nghề. Đánh võ xong hát bình thường. Có thể nói, dù anh Cảnh chết trên sân khấu cũng vẫn hát”.

Diễn viên Dũng Nhí đến lúc tối muộn, thắp nén hương cho người chú họ đã từng giúp đỡ gia đình khi cải lương không còn thịnh. “Khi cải lương thoái trào những năm 90, chính chú Vương Cảnh đã kêu ba mẹ của Dũng về hoạt động ở câu lạc bộ hát với nhau. May mắn, khán giả vẫn đến để nghe và ủng hộ”, diễn viên Dũng Nhí (con trai nghệ sĩ Quốc Trầm-Phương Dung) nói đoạn rồi quay đi.

“Với tôi, anh Vương Cảnh là bậc tiền bối, chỉ dạy rất nhiều cho Long. Với tôi, anh Cảnh không chỉ là tiền bối mà còn là thần tượng. Với vai Thạch Sanh, anh Cảnh chỉ cần vác cây búa ra thôi, chưa diễn thì khán giả đã cảm nhận được vai rồi. Tôi nghĩ, vai Thạch Sanh tạo ra dành riêng cho nghệ sĩ Vương Cảnh, không lẫn vào đâu được”, nghệ sĩ Chung Tử Long nói về bậc tiền bối.

Theo chia sẻ của người thân, nghệ sĩ Vương Cảnh bị nhồi máu não và mất tại nhà riêng ở TPHCM vào sáng 17/2, hưởng thọ 63 tuổi. Nhiều năm qua, ông bị tiểu đường nặng và sức khỏe thường xuyên có dấu hiệu giảm sút. Năm 2012, Vương Cảnh còn không may bị tai nạn giao thông khiến cho trí nhớ bị ảnh hưởng nhiều.

Trong sự nghiệp, ông vài lần đổi nghệ danh như: Sơn Hùng, Giang Hùng, Vương Hùng. Đến khi làm việc tại Đoàn cải lương Tiền Giang 1, ông lấy luôn nghệ danh Vương Cảnh.

Nghệ sĩ Vương Cảnh tên thật là Nguyễn Sơn Hùng, sinh năm 1960 tại Vĩnh Long và theo nghề hát từ khi 17 tuổi. Từ một diễn viên học việc, ông đã chịu khó theo đuổi và tập luyện cùng với những nghệ sỹ gạo cội để dần được các ông bầu để mắt. Về sau, ông trở thành kép chính của nhiều đoàn hát như: Sông Bé 2, Trần Hữu Trang 2, Trung Hiếu, Thanh Nga, Sài Gòn 3…

Phạm Nguyễn

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dem-cuoi-tien-biet-thach-sanh-vuong-canh-post1417323.tpo