Đề xuất mở sản phẩm du lịch đêm: Cách nào kiểm soát?

Đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm đề xuất về việc mở cửa du lịch kinh tế 'cả đêm' thay vì nửa ngày. Song song với việc tạo điều kiện phát triển ngành Du lịch, đề xuất cũng đặt ra nhiều thách thức liên quan đến việc kiểm soát, quản lý đối với cơ quan chức năng.

Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm của Bộ VHTT&DL mới đây đã góp phần mở hành lang pháp lý cho dịch vụ du lịch đêm tại nhiều địa phương. Ảnh: An Nguyễn.

Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm của Bộ VHTT&DL mới đây đã góp phần mở hành lang pháp lý cho dịch vụ du lịch đêm tại 12 địa phương. Đặc biệt, đề án còn đưa ra nhiều giải pháp thực hiện, trong đó có đề xuất về giờ giấc.

Cụ thể, căn cứ các quy định của pháp luật, chủ trương phát triển kinh tế đêm và điều kiện thực tế, nghiên cứu, xem xét đề xuất điều chỉnh quy định thời gian cung cấp dịch vụ, cho phép tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6h sáng hôm sau (quy định hiện nay là 2h sáng).

Tiềm ẩn rủi ro

Bên cạnh những lợi ích mà kinh tế ban đêm mang lại, đề xuất thời gian mở cửa kinh tế cả đêm cũng tồn tại nhiều rủi ro khác cần nhận diện, đó là: tiêu tốn một khoản chi phí xã hội không mong muốn, như: chi phí chăm sóc sức khỏe, chi phí bảo vệ môi trường, chi phí lắp đặt hệ thống chiếu sáng, hệ thống camera giám sát…

Bên cạnh đó, du lịch đêm diễn ra kéo theo tiếng ồn khiến cho một bộ phận cư dân ở trung tâm thành phố, đô thị không ngủ được, dẫn đến ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần và trong nhiều trường hợp đã ảnh hưởng đến năng suất lao động.

Các doanh nghiệp ở trung tâm thành phố có thể cũng phải chịu các chi phí liên quan đến sửa chữa các thiệt hại nhỏ do hành vi phá hoại của những người tham gia hoạt động ban đêm. Bên cạnh đó là sự xuất hiện chênh lệch điều kiện kinh tế - xã hội, lai căng văn hóa, chiếm dụng trái phép không gian công cộng, rủi ro về cháy nổ, quá tải về dịch vụ công, ô nhiễm môi trường…

Thế nhưng, bên cạnh thuận lợi, đề xuất mở cửa kinh tế cả đêm cũng đặt ra thách thức cho cơ quan chức năng. Ảnh: Quang Anh.

Sự phát triển của kinh tế ban đêm còn vô tình có thể trở thành môi trường thuận lợi làm gia tăng các loại tội phạm và kéo theo những tệ nạn xã hội phổ biến, như: mại dâm, ma túy, cờ bạc,… gây khó khăn cho các nhà quản lý xã hội. Chẳng hạn, lượng tiêu thụ đồ uống chứa cồn có xu hướng gia tăng khi phát triển kinh tế ban đêm. Các vụ việc vi phạm về an toàn giao thông và gây rối trật tự công cộng cũng có nguy cơ diễn ra như một hệ lụy của việc lạm dụng rượu bia và sử dụng các đồ uống có cồn. Những hiện tượng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ, gây phức tạp về tình hình an ninh trật tự và ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.

PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ, việc mở cửa du lịch đêm đến 6h có thể là một bài toán khó đối với cơ quan chức năng. Bởi, sẽ có nhiều tệ nạn diễn ra trong khoảng thời gian này.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng: “Mở cửa đến 6h có thể yêu cầu các điều chỉnh và sửa đổi chính sách, quy định và pháp luật liên quan đến du lịch và hoạt động liên quan vào buổi tối".

Cần thiết xây dựng hành lang pháp lý

PGS. TS Bùi Hoài Sơn nêu: “Khi mở cửa du lịch cả đêm, cần tăng cường các biện pháp an ninh và trật tự để đảm bảo an toàn cho du khách và cộng đồng địa phương. Điều này đòi hỏi sự hợp tác giữa các cơ quan chức năng và lực lượng bảo vệ để đảm bảo không có rủi ro an ninh và tai nạn xảy ra vào ban đêm.

Mở cửa đến 6h đòi hỏi các khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ du lịch khác phải hoạt động 24/24 hoặc kéo dài giờ làm việc, vì vậy đòi hỏi các doanh nghiệp tăng cường đội ngũ nhân viên và quản lý lao động phức tạp để đảm bảo chất lượng dịch vụ.

Bên cạnh đó, hoạt động du lịch vào ban đêm có thể gây ra tiếng ồn và ô nhiễm ánh sáng, ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân địa phương. Cơ quan chức năng cần đưa ra các biện pháp kiểm soát và giám sát để giảm thiểu tác động tiêu cực này. Cuối cùng, mở cửa đến 6h sáng có thể tăng cường lưu lượng giao thông và yêu cầu các biện pháp quản lý giao thông để giảm tắc nghẽn và đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông vào ban đêm”.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm du lịch, ông Mai Hoàng, Giám đốc Vietking Travel cho rằng, Việt Nam đã từng được biết đến là một đất nước có nền du lịch phát triển mạnh mẽ với những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, văn hóa độc đáo và người dân thân thiện. Tuy nhiên, du lịch đêm vẫn là một điểm yếu khi chúng ta chưa có những mô hình tốt, sản phẩm phù hợp để phát huy lợi thế của du lịch đêm. Trong những năm gần đây, du lịch đêm đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ phía các nhà quản lý du lịch, doanh nghiệp du lịch, du khách và người dân.

Với ý tưởng tận dụng tối đa thời gian và tài nguyên, mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm được triển khai thử nghiệm sẽ giúp thu hút du khách vào ban đêm và đồng thời mang lại lợi ích kinh tế cho các địa phương, điểm du lịch. Tuy nhiên, mô hình này vẫn chưa có hành lang pháp lý đầy đủ, điều này đồng nghĩa với việc triển khai các dự án du lịch đêm vẫn còn gặp nhiều khó khăn và rủi ro”.

Giám đốc Vietking Travel nhận định, bên cạnh mặt thuận lợi, đề xuất mở cửa kinh tế cả đêm cũng tạo ra thách thức cho cơ quan quản lý và các công ty du lịch lữ hành. Vì vậy, việc dẫn tour ra sao, như thế nào cần thiết phải xây dựng hành lang pháp lý và có sự thống nhất sau khi được hướng dẫn từ cơ quan chức năng, để các công ty du lịch có thể hoạt động một cách hiệu quả hơn.

Hoàng Vân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/de-xuat-mo-san-pham-du-lich-dem-cach-nao-kiem-soat-5724379.html