Đề xuất bỏ yêu cầu phải xác nhận đối tượng 'không phải nộp thuế thu nhập cá nhân'

Tại Hội thảo góp ý về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức chiều 10/8, các đại biểu đề xuất bỏ yêu cầu phải xác nhận đối tượng 'không phải nộp thuế thu nhập cá nhân' nhằm giảm tối đa các yêu cầu về giấy tờ, thủ tục hành chính.

Theo các đại biểu, quy định về đối tượng hưởng chính sách về nhà ở xã hội cần sửa đổi theo hướng "mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội (được thuê, thuê mua, mua) với tiêu chí đơn giản, giảm tối đa các yêu cầu về giấy tờ, thủ tục hành chính như tình trạng chỗ ở, mức thu nhập...". Cần có những chính sách hỗ trợ về tín dụng hiệu quả hơn nữa để có thể tăng khả năng thanh khoản cho phân khúc nhà ở mang tính chiến lược quốc gia này.

Đề xuất bỏ yêu cầu phải xác nhận đối tượng "không phải nộp thuế thu nhập cá nhân" khi mua nhà ở xã hội

Đặc biệt, chính sách ưu đãi tín dụng cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội nên được duy trì ở mức vay với lãi suất thấp 4,8 - 5%/năm và được vay dài hạn tối đa 25 - 30 năm. Để đảm bảo tính hiệu quả và cạnh tranh trong việc bán nhà ở xã hội cần xem xét điều chỉnh tăng biên độ lợi nhuận định mức lên mức phù hợp hơn đối với nhà ở xã hội để thu hút cộng đồng doanh nghiệp tham gia. Đây cũng là yếu tố quan trọng để đạt mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội.

TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiến nghị: "Chúng ta có xem xét để mở rộng đối tượng được thụ hưởng nhà ở xã hội, đặc biệt đối tượng thu nhập trung bình thấp khá là nhiều. Thứ hai, nên bỏ yêu cầu thuộc đối tượng "không phải nộp thuế thu nhập cá nhân". Bởi vì hiện nay yêu cầu này rất phức tạp trong thực tế. Mỗi người muốn mua nhà xã hội lại phải đi xin bên Tổng cục Thuế xác nhận "tôi không phải nộp thuế" thì chúng ta nên đơn giản hóa thủ tục chỗ này, nên quy định rằng "những người này là những người có mức thu nhập dưới mức phải nộp thuế".

Liên quan đến vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phân tích: "Quy định "chưa đến ngưỡng nộp thuế" cho đơn giản bớt thủ tục đi xác nhận không nộp thuế đơn giản hơn, nhưng thuế thu nhập của mình không phải thuế thu nhập cao, cho nên người không phải đóng thuế thu nhập, kể cả người đóng thuế thu nhập ở bậc thấp thì có khi vẫn là đối tượng khó khăn, vẫn là đối tượng mà không phải là thu nhập cao. Nên chăng loại trừ đối tượng thu nhập cao thì cũng là mở rộng đối tượng".

Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) có nhiều quy định liên quan đến hoạt động lựa chọn chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên, một số quy định tại Dự thảo chưa cụ thể và ít có sự liên kết với pháp luật về đầu tư. Đồng thời chưa phân định rõ những quy định nào sẽ áp dụng theo Luật Đầu tư, những quy định nào sẽ áp dụng theo quy định pháp luật nhà ở.

Theo bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Ban Pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, quy định như vậy có thể khiến cho hệ thống pháp luật trở nên chưa tương thích và khiến cho nhà đầu tư gặp vướng trong quá trình áp dụng thực hiện.

"Đối chiếu với Luật Đầu tư và Luật Nhà ở, nếu một quy trình đầu tư phải chấp thuận chủ trương đầu tư sau đấy sẽ lựa chọn nhà đầu tư. Nhưng chúng tôi nhìn thấy Luật Nhà ở gần như không thấy liên quan gì đến quy trình chấp thuận chủ trương đầu tư đâu cả. Điều này nếu như vẫn thực hiện như vậy, thì trên thực tế chủ đầu tư hay là chính quyền địa phương sẽ rất khó để xác định, thực tế để thực hiện mục dự án đầu tư thì sẽ phải thực hiện những quy trình, thủ tục nào. Theo quyết định của Điều 29 của Luật Đầu tư, đối với những dự án phải đấu giá hoặc đấu thầu thuộc trường hợp phải chấp thuận chủ trương đầu tư thì phải thực hiện các thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư trước rồi sau mới xác định phương thức lựa chọn nhà đầu tư là đấu giá hay là đấu thầu".

Lại Hoa/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/de-xuat-bo-yeu-cau-phai-xac-nhan-doi-tuong-khong-phai-nop-thue-thu-nhap-ca-nhan-post1038485.vov