Đề xuất 6 chính sách mới về quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Sáng 10/01, tại Hà Nội, Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia về sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13).

Quang cảnh Tọa đàm.

Phát biểu Khai mạc, ông Lê Quang Mạnh - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội cho biết, Tọa đàm được tổ chức nhằm mục tiêu cung cấp thông tin về sự cần thiết sửa đổi Luật số 69/2014/QH13, tham vấn ý kiến các chuyên gia và một số đối tượng chịu tác động của Luật về các nôi dung chính sách quan trọng của Luật sửa đổi.

Trình bày tham luận về sự cần thiết phải sửa đổi Luật và dự kiến một số chính sách mới của dự thảo Luật tại Tọa đàm, ông Bùi Tuấn Minh - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, Luật số 69/2014/QH13 được ban hành đã tạo hành lang pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đã được hoàn thiện phù hợp với yêu cầu đổi mới, hội nhập, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, đồng bộ, ổn định hơn cho hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.

Theo ông Bùi Tuấn Minh, cơ chế, chính sách đã tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp cùng việc tăng cường sự kiểm tra, giám sát của nhà nước trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản.

Tuy nhiên, qua tổng kết sau hơn 09 năm thực hiện Luật số 69/2014/QH13 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2015) cho thấy cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi Luật này cho phù hợp với các chủ trương mới của Đảng, Nhà nước về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, kịp thời khắc phục một số hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai thời gian qua.

Đồng thời, Cục trưởng Bùi Tuấn Minh cho biết, Bộ Tài chính dự kiến đề xuất sửa đổi căn bản các nội dung của Luật số 69/2014/QH13 thông qua 6 nhóm chính sách.

Chính sách thứ nhất là về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Theo đó, xác định rõ nguyên tắc quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đảm bảo nguyên tắc “lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ”, bảo toàn, hiệu quả, công bằng, thị trường, linh hoạt và công khai, minh bạch.

Tăng cường phân công, phân cấp ủy quyền cho hội đồng thành viên, hội đồng quản trị doanh nghiệp gắn với trách nhiệm giải trình của người đứng đầu, của lãnh đạo doanh nghiệp; trách nhiệm giám sát, kiểm tra của cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn. Vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp phải được quản lý thống nhất, không phân biệt cấp quyết định thành lập.

Ông Bùi Tuấn Minh - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) trình bày tham luận tại Tọa đàm.

Chính sách thứ hai là về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp sẽ quy định rõ vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp để thực hiện nghĩa vụ góp vốn chủ sở hữu nhà nước được xác định là tài sản/vốn của pháp nhân doanh nghiệp theo quy định của Bộ luật Dân sự, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, tự chủ trong hoạt động của pháp nhân là doanh nghiệp. Nhà nước thực hiện quản lý doanh nghiệp theo pháp nhân doanh nghiệp đầu tư vốn, không quản lý doanh nghiệp theo từng tài sản mà chủ sở hữu góp vốn điều lệ (đã chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp).

Chính sách thứ ba là về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Quy định cụ thể, phân cấp rõ trong Luật để đảm bảo chủ động và xác định rõ thẩm quyền trình tự, thủ tục, rõ trách nhiệm của doanh nghiệp và các cơ quan trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp.

Chính sách thứ tư là về sắp xếp, cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Với nội dung này, Bộ Tài chính dự kiến đề xuất hướng dẫn cụ thể các nguyên tắc về sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước đã đầu tư tại doanh nghiệp (các quy định tại nghị định đã được thực hiện ổn định trong thời gian qua) và quy định rõ hình thức chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Chính sách thứ năm là về cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn. Theo đó, tách bạch rõ nội dung chức năng quản lý, đầu tư vốn của đại diện chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản trị, điều hành của doanh nghiệp nhà nước cần phải quy định rõ quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện, người đại diện chủ sở vốn theo chức năng…

Chính sách thứ sáu là về quản trị doanh nghiệp. Chính sách này xác định một số nội dung trong công tác quản trị doanh nghiệp để quy định rõ quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp (không quy định các nội dung mang tính quản trị điều hành của doanh nghiệp), đảm bảo tính tự chủ trong hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

Các đại biểu thảo luận tại Tọa đàm đều nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật số 69/2014/QH13 để khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập , thực hiện các chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Đa số các đại biểu đánh giá cao tinh thần đổi mới, cải cách trong những nội dung chính sách đề xuất sửa đổi.

Bảo Thương

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/de-xuat-6-chinh-sach-moi-ve-quan-ly-su-dung-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep.html