Đề thi Toán vào lớp 10 chuyên tại Hà Nội có sự phân hóa rõ nét

Đề thi Toán chuyên vào lớp 10 THPT tại Hà Nội cấu trúc đề ổn định so với những năm trước, phù hợp với định hướng ôn luyện của học sinh. Phổ điểm rơi nhiều vào khoảng 5 - 6 điểm.

Sáng nay (14/6), các thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT chuyên năm học 2021 - 2022 tại Hà Nội đã bước vào thi các môn chuyên sau khi dự thi các môn tại kỳ thi hệ không chuyên (12 và 13/6). Đối với môn Toán, thí sinh làm bài trong thời gian 150 phút.

Theo nhận định của một số giáo viên Trung học, đề thi môn Toán chuyên Hà Nội năm 2021 có cấu trúc, thang điểm tương tự năm 2020, đề bài gồm 5 bài toán chủ yếu thuộc chương trình lớp 9. Một số phần số học thì cần vận dụng các kiến thức đã được học trong lớp 6 - 8 để giải. Chủ yếu các bài toán ở dạng vận dụng và vận dụng cao.

Đề thi có độ phân hóa tốt, có khả năng lựa chọn được những học sinh xuất sắc để học chuyên toán. Một số bài toán nâng cao và có sự phân hóa tốt như câu 3.2 và 4.3 và bài 5.

Đề thi Toán chuyên tại Hà Nội ngày 14/6.

Theo thầy Nguyễn Mạnh Cường, giáo viên Toán, Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, cấu trúc đề ổn định so với những năm trước, phù hợp với định hướng ôn luyện của học sinh. Phổ điểm rơi nhiều vào khoảng 5 - 6 điểm.

Cụ thể, Bài 1 về phần Đại số. Ý 1 là phương trình vô tỷ khá dễ, học sinh chỉ cần đưa về tổng bình phương là xong. Ý 2 về biểu thức, chỉ cần thế giả thiết vào là ra kết quả.

Bài 2 về Số học. Ý 1 là phương trình nghiệm nguyên cơ bản, đưa về dạng tích. Ý 2 là câu chia hết, sử dụng tính chất của số chính phương. 2 bài đầu sẽ là 2 bài mà học sinh làm tốt nhất.

Bài 3 với ý 1 về biểu thức hữu tỷ. Thí sinh biến đổi tốt là có thể xử lý. Ý 2 rắc rối hơn, do là bài bất đẳng thức không đối xứng. Tuy nhiên, nếu phán đoán được dấu bằng, và có sự ôn luyện tốt, là các e có thể biến đổi và giải được.

Bài 4 về phần Hình học, với ý 1 quen thuộc và đa phần học sinh sẽ làm được. Ý 2 đòi hỏi quan sát tốt mối liên hệ giữa các góc, phát hiện các tứ giác nội tiếp. Ý 3 là ý khó hơn, sẽ không nhiều em làm được ý này. Nó đòi hỏi các thí sinh thấy được các quan hệ song song, biến đổi các tổng góc hợp lý, mới ra được kết quả.

Bài 5 về Tổ hợp, có ý 1 đơn giản khi dùng nguyên lý Dirichlet, còn ý 2 đòi hỏi sự suy luận phức tạp hơn, kết hợp cả phản chứng. Đây sẽ là ý mang tính phân loại, đòi hỏi học sinh nắm rõ các nguyên lý suy luận.

Q.Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/de-thi-toan-vao-lop-10-chuyen-tai-ha-noi-co-su-phan-hoa-ro-net-20210614143316301.htm