Để tết trồng cây thực sự hiệu quả và ý nghĩa

Ngay sau lễ phát động tết trồng cây Xuân Giáp Thìn 2024 của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại xã Kim Phú (TP. Tuyên Quang) vào sáng ngày 15-2, tức mùng 6 tháng Giêng, nhiều địa phương trên cả nước đồng loạt tổ chức Tết trồng cây. Đây là nét đẹp truyền thống trong chuỗi hoạt động dịp tết cổ truyền, mang lại nhiều ý nghĩa, hiệu quả cả về mặt kinh tế, xã hội và góp phần tích cực vào công tác phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, bảo vệ môi trường.

Tại Bình Phước, do đặc thù khu vực Đông Nam Bộ thường nắng nóng cao điểm vào dịp tết Nguyên đán nên Tết trồng cây được chuyển thành phong trào trồng cây xanh vào đầu mùa mưa và được toàn thể cán bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang trong tỉnh hưởng ứng. Như đợt phát động trồng cây năm 2023, toàn tỉnh đã trồng được hơn 6.500 cây xanh, trong đó có những loại cây gỗ quý như: Sao đen, dầu rái, giáng hương, gõ đỏ… tại các khu vực công cộng, khuôn viên văn phòng, trường học, công trình giao thông… Kể từ sau tết Nguyên đán Canh Tý 1960 - cái tết đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi “Tết trồng cây”, phong trào trồng cây vào mỗi đầu mùa xuân đã được duy trì và ngày càng lan tỏa không chỉ ở mỗi công dân Việt Nam mà nhiều du khách, người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam cũng hào hứng tham gia. Không ai có thể phủ nhận vai trò của cây xanh trong điều tiết môi trường sinh thái và môi trường sống, nhất là trong bối cảnh đất nước ta đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.

Ý nghĩa tích cực của Tết trồng cây và phong trào trồng cây “Nhớ ơn Bác Hồ” đã quá rõ, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng gay gắt. Tuy nhiên, vẫn có những điều đáng lưu ý từ việc tổ chức Tết trồng cây và phong trào trồng cây nhớ ơn Bác Hồ hằng năm tại các địa phương. Đó là tình trạng một số cơ quan, đơn vị tổ chức nặng tính hình thức, phô trương. Nhiều buổi lễ phát động trồng cây rất hoành tráng với số lượng người tham gia đông, nhưng số cây được trồng lại ít; tỷ lệ cây trồng sống càng ít hơn. Việc lựa chọn cây trồng chưa phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu và dân cư từng vùng. Lại có nơi (nhất là tại các khu lưu niệm, công viên), người ta thường trồng cây to, có cả cây cổ thụ. Những cây cổ thụ rất đẹp được đào lên, cắt rễ, cưa bớt cành rồi di chuyển cả một đoạn đường dài tới nơi cần đến. Cây được trồng xuống, có khi không sống được đến mùa phát động năm sau, dù phải tốn rất nhiều công sức chăm sóc. Lại có cây quý hiếm đến mức, đơn vị được tặng cây phải bố trí người trông coi vì sợ bị đào trộm. Nhiều địa phương thiếu quy hoạch tổng thể trồng cây xanh, nên trồng cây được một thời gian lại phải chặt bỏ để thực hiện dự án khác… Tất cả những việc làm, hiện tượng nói trên đã làm giảm đáng kể đi ý nghĩa tốt đẹp của Tết trồng cây và phong trào trồng cây xanh hằng năm, làm méo mó tầm nhìn sâu xa của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người phát động Tết trồng cây, cũng như phong trào trồng cây nhớ ơn Bác sau này.

64 mùa xuân đã đi qua kể từ ngày Bác Hồ kính yêu phát động Tết trồng cây. Những lời căn dặn của Người như vẫn còn văng vẳng đâu đây: “Phải liên hệ chặt chẽ Tết trồng cây với kế hoạch trồng cây gây rừng”, “Trồng cây nào, chắc cây ấy”. Nếu mỗi địa phương, đơn vị chỉ chú trọng tổ chức những buổi lễ phát động Tết trồng cây rầm rộ, hoành tráng mà không có chiến lược quy hoạch trồng cây xanh tổng thể, dài hạn, bài bản; dẹp bỏ tính phô trương, hình thức thì Tết trồng cây cũng chỉ là những cuộc “ra quân” theo mùa vụ mà thôi!

Thảo Linh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/154725/de-tet-trong-cay-thuc-su-hieu-qua-va-y-nghia