Đề nghị sớm sơ kết, tổng kết việc thực hiện cơ chế đặc thù tại một số địa phương

Chiều 6/9, tiếp tục Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV, lãnh đạo các địa phương và các đại biểu đã báo cáo và cho ý kiến về những kết quả đạt được trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Doãn TấnTTXVN

Bước đột phá trong việc tiếp cận nguồn vốn

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Ngô Minh Châu trình bày tham luận về kết quả chủ yếu và những bài học kinh nghiệm trong triển khai thực hiện quy định trong các nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh; công tác chuẩn bị triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.

Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14, Thành phố đã thông qua 32 dự án có chuyển mục đích sử dụng trên 10 ha đất trồng lúa với tổng diện tích hơn 1.843 ha; quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách Thành phố với tổng mức vốn đầu tư là hơn 12.954 tỷ đồng; điều chỉnh chủ trương đầu tư 1 dự án từ nhóm B lên nhóm A sử dụng vốn ngân sách Thành phố, tổng mức đầu tư tăng từ hơn 1.402 tỷ đồng lên thành hơn 4.849 tỷ đồng.

Việc thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp được thực hiện nghiêm túc với tổng số phí thu được khoảng 133 tỷ đồng đã có tác động đáng kể đến nhận thức, hành vi bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

Thành phố đã phát hành thành công trái phiếu chính quyền địa phương (các kỳ hạn 20 năm, 30 năm) góp phần đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu và cơ cấu danh mục trái phiếu theo hướng tăng kỳ hạn dài, giảm áp lực cho ngân sách Thành phố trong việc cân đối, bố trí nguồn vốn để trả nợ. Thành phố được cung cấp khoản vay theo hình thức cho vay hỗ trợ ngân sách chung cho Chương trình hỗ trợ chính sách phát triển (DPO). Đây là một bước đột phá của Thành phố trong việc tiếp cận nguồn vốn vay dài hạn của nhà tài trợ quốc tế, là khoản vay hỗ trợ ngân sách đầu tiên nhằm thực hiện cải cách chính sách và hỗ trợ ngân sách trực tiếp cho cấp địa phương, góp phần đa dạng hóa các phương thức huy động vốn, tiếp cận nguồn vốn vay quốc tế với thời gian dài và lãi suất phù hợp, đồng thời cải thiện và nâng cao năng lực quản lý, thực hiện các hành động cải cách chính sách và thể chế trong một số lĩnh vực của Thành phố. Đến nay, Thành phố vẫn đảm bảo mức dư nợ theo quy định.

Sau nhiều năm tỷ lệ điều tiết liên tục giảm dần qua các thời kỳ thì đây là thời kỳ ổn định ngân sách đầu tiên tỷ lệ điều tiết cho Thành phố đã tăng 3% (năm 2022, tương đương tăng khoảng 5.900 tỷ đồng), qua đó gia tăng thêm nguồn lực chi đầu tư phát triển. Thành phố được thưởng khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương là 1.000 tỷ đồng và đầu tư trở lại cho Thành phố theo quy định Luật Ngân sách, Nghị quyết của Quốc hội là 654 tỷ đồng.

Cơ chế chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức tối đa là 1,8 lần mức lương theo ngạch, bậc phù hợp với năng suất thực tế của người lao động Thành phố - gấp 2,7 lần bình quân chung cả nước. Dù mức tăng thêm chưa đạt được hệ số tối đa 1,8 như Nghị quyết số 54/2017/QH14 cho phép nhưng đã thúc đẩy cán bộ, công chức và người lao động làm việc tích cực hơn...

Về một số tồn tại, hạn chế, ông Ngô Minh Châu cho biết, nhiều nội dung triển khai Nghị quyết số 54/2017/QH14 còn chậm so với kế hoạch, như các cơ chế điều chỉnh chính sách thu, thực hiện cổ phần hóa, thu từ sắp xếp nhà đất của các cơ quan Trung ương, chi ứng vốn cho các dự án Trung ương trên địa bàn. Một số cơ chế tuy đã được thực hiện, nhưng hiệu quả còn thấp, như chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt chưa áp dụng được nhiều; cơ chế tài chính đặc thù nhằm giúp Thành phố có điều kiện huy động thêm nguồn lực để giải quyết các bức xúc về cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường, cải thiện môi trường đầu tư,...

Đề nghị sớm sơ kết, tổng kết việc thực hiện cơ chế đặc thù

Cũng về cơ chế thí điểm, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Lê Thị Thanh Xuân cho biết, Quốc hội khóa XV đã ban hành 2 nghị quyết quan trọng đó là Nghị quyết số 58/2022/QH15 về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 và Nghị quyết số 72/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Hiện nay, tỉnh đang tập trung các nguồn lực triển khai thực hiện, bước đầu mang lại hiệu quả quan trọng.

Ngay sau khi nghị quyết được ban hành có hiệu lực, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, thành phố Buôn Ma Thuột đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện. Với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, nỗ lực phát huy hiệu quả và dư địa của chính sách đến doanh nghiệp tham gia, tỉnh đã chỉ đạo thành phố xây dựng chuyên mục thu hút, kêu gọi đầu tư trên Cổng Thông tin điện tử của thành phố để doanh nghiệp và nhân dân biết tiếp cận, xúc tiến đầu tư. Đến nay, một số doanh nghiệp đang quan tâm tìm hiểu, xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực ngành nghề như công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng và quản lý đô thị. Đồng thời, hoàn thiện phê duyệt đề cương, đề án và tiến đến trình Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành phố cà phê của thế giới.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 72/2022/QH15 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như nhiều dự án trọng điểm chưa được đề xuất phê duyệt chủ trương và nguồn vốn triển khai; tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội còn tiềm ẩn yếu tố gây mất ổn định; nguồn lực ngân sách địa phương cần đối ứng cùng với nguồn vốn vay ODA để thực hiện dự án cần sự hỗ trợ nguồn lực từ Trung ương…

Từ những phân tích trên, bà Lê Thị Thanh Xuân đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm hỗ trợ nguồn lực để tỉnh Đắk Lắk sớm đầu tư hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, nhất là các tuyến đường cao tốc, trong đó có đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma thuột, hệ thống giao thông trục dọc, trục ngang kết nối giữa các tỉnh, các khu vực để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế phát triển của tỉnh. Đồng thời, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ (Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045), tạo điều kiện để thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk sớm trở thành đô thị trung tâm vùng.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng bày tỏ thống nhất cao với các báo cáo tại hội nghị. Việc tổ chức hội nghị là sự quan tâm của Quốc hội nhằm triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội; sau hội nghị này, các địa phương sẽ tiếp tục triển khai các hội nghị tương tự để các luật, nghị quyết của Quốc hội sớm đi vào cuộc sống. Về phân cấp cho các địa phương, hiện nay Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm vấn đề này nhưng còn một số nội dung phân cấp chưa đồng bộ, dẫn tới trình tự thủ tục chưa được rút ngắn.

Về cơ chế, chính sách đặc thù cho một số địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, giai đoạn đầu nhiệm kỳ, Quốc hội có ban hành một số cơ chế đặc thù cho một số địa phương, trong đó có thành phố Hải Phòng.

Ông Nguyễn Văn Tùng đánh giá, việc các địa phương áp dụng cơ chế đặc thù cho thấy những hiệu quả tích cực, từ đó đề nghị Quốc hội sớm sơ kết, tổng kết các nghị quyết để áp dụng cho các địa phương khác; đồng thời nghiên cứu một số cơ chế đặc thù mới để một số địa phương phát triển đột phá.

Xuân Tùng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/de-nghi-som-so-ket-tong-ket-viec-thuc-hien-co-che-dac-thu-tai-mot-so-dia-phuong-20230906174642760.htm