Để cà phê Sơn La vươn xa - cơ hội và thách thức

Không chỉ cải thiện sinh kế, những năm gần đây, cây cà phê ở Sơn La đã, đang dần trở thành thương hiệu đặc sản, được nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới ưa chuộng. Nắm bắt những cơ hội và vượt qua các thách thức, Sơn La đang nỗ lực để từng bước đưa thương hiệu Arabica Sơn La – hương vị núi rừng Tây Bắc vươn xa hơn nữa.

Niềm vui trên nương cà phê

Những ngày tháng 11, nhiều nương đồi, sườn núi ở Sơn La rộn ràng không khí thu hoạch cà phê chính vụ. Niềm vui về với bà con khi sau những ngày tháng vun trồng, chăm sóc, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cà phê năm nay được mùa, được giá.

Ông Lường Văn Tiêng ở xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La chia sẻ: "Gia đình tôi trồng cà phê từ năm 1992. Rất mừng năm nay cà phê sai quả, giá cả cao hơn. Riêng gia đình tôi năm nay có trên 1 ha, sản lượng trên chục tấn, giá cả được như đầu mùa 10.000/kg chắc sẽ được trên 100 triệu/năm".

Niềm vui như nhân đôi khi nhà nông “bắt tay” thành lập HTX, liên kết sản xuất, đã nâng cao giá trị cho sản phẩm cà phê Sơn La.

Cây cà phê Sơn La từ sứ mệnh xóa đói nghèo đã trở thành thương hiệu được ưa chuộng

Bà Cầm Thị Mòn, Giám đốc HTX Aratay Coffee Sơn La cho biết, sau khi thành lập HTX vào tháng 3/2020, 14 thành viên và hơn 300 nông hộ liên kết đã tập trung sản xuất dòng cà phê đặc sản, chất lượng cao; tạo ra nhiều sản phẩm được thị trường đón nhận, đạt chứng nhận OCOP của tỉnh Sơn La.

"Trước kia khi chưa thành lập HTX, tôi trồng cà phê, thu hái, sơ chế theo cách thủ công... chất lượng cũng như giá cả không đáp ứng. Từ khi HTX trồng và chế biến cà phê đặc sản, quy mô sản xuất của HTX có 7 nhà màng, các hộ vệ tinh cung cấp quả tươi thì chúng tôi cho hái quả chín 100%, nâng giá cho các hộ" - bà Mòn cho biết.

Theo bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sơn La, nhờ đề án tái canh cây cà phê của tỉnh, cùng tác động của khoa học, kỹ thuật và sự thay đổi trong cách nghĩ, cách làm của người dân... vụ cà phê năm nay kỳ vọng sẽ bội thu.

"Cà phê năm nay sinh trưởng, phát triển tốt, mặc dù thời vụ có chậm hơn một chút, nhưng được đánh giá là một vụ cà phê được mùa, với sản lượng ước tính khoảng trên 32.000 tấn cà phê nhân. Trong những năm gần đây, giá cà phê đã được nâng lên, người dân có thu nhập ổn định từ cà phê" - bà Cầm Thị Phong chia sẻ.

Cơ hội và thách thức

Sau hơn 70 năm, với 20.000 ha cà phê arabica (cà phê chè), Sơn La vươn lên là tỉnh có diện tích cà phê Arabica lớn nhất cả nước, chiếm trên 41%; trong đó, có gần 18.000 ha được cấp chứng nhận bền vững và tương đương, sản lượng trên 200.000 tấn quả tươi, giá trị trên 2.000 tỷ đồng.

Địa phương đã được công nhận 2 vùng ứng dụng công nghệ cao cho cà phê; 4 sản phẩm cà phê là sản phẩm OCOP. Năm 2017, cà phê Sơn La được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Cà phê Arabica Sơn La được đánh giá là sản phẩm tiềm năng trên thị trường trong nước và quốc tế.

Ông Tạ Mạnh Cường, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương đánh giá: "Sản phẩm Aabica của Sơn La rất tiềm năng. Không phải tự nhiên mà trong gần chục tỉnh trồng và sản xuất cà phê của cả nước, nhưng cà phê Sơn La là 1 trong 3 chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trên toàn quốc. Đây là cơ hội để cà phê Sơn La khẳng định vị trí, thương hiệu của mình".

Tuy nhiên, theo các nhà quản lý và chuyên gia, sản xuất cà phê ở Sơn La vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, sản lượng cà phê còn bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết, biến đổi khí hậu, nắng hạn, sương muối, mưa đá...

Ông Bạch Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam cho biết: "Thách thức với Arabica, đặc biệt với Sơn La là sương muối, thì việc phát triển cây che bóng tầng cao sẽ góp phần giảm thiểu tác hại của sương muối, bù lại về mặt lâu dài có thể tạo được nguồn thu. Đặc biệt hiện nay sản xuất đang ở quy mô nông hộ, cần sắp xếp tạo nên các liên kết, mà ở đó chìa khóa của sự bền vững của cà phê Sơn La xuất phát từ cộng đồng".

Với tiềm năng, lợi thế của mình, Sơn La đến nay đã mời gọi, thu hút, đầu tư 9 cơ sở chế biến cà phê quy mô công nghiệp, 5 đơn vị tham gia chế biến sâu sản phẩm cà phê, cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất, chế biến. Tuy nhiên, còn nhiều cơ sở chế biến cà phê quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu.... ảnh hưởng tới chất lượng cà phê và môi trường.

Công tác quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại sản phẩm cà phê được đặc biệt quan tâm.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La thông tin: "Các nhà máy chế biến mới bây giờ tiêu chuẩn xử lý với chất thải nước thải đạt tiêu chuẩn cao nhất; các nhà máy còn lại cũng phải tiến hành từng bước đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Sơn La quyết tâm xây dựng cụm công nghiệp, khu công nghiệp để đưa các nhà máy chế biến cà phê vào cùng với một tổ hợp xử lý nước thải thì sẽ đảm bảo an toàn với môi trường. Và sẽ cương quyết giảm thiểu tối đa, cuối cùng đi đến triệt tiêu sản xuất cà phê ở cơ sở nhỏ lẻ, vì cà phê là chế biến ướt".

"Chìa khóa" để cà phê Sơn La vươn xa

Năm 2022, tỉnh Sơn La đã xuất khẩu trên 28.800 tấn cà phê nhân sang thị trường các nước như: EU, Bắc Mỹ, Hoa Kỳ, các nước Trung Đông, giá trị 82,3 triệu USD. Giá trị xuất khẩu của cà phê chiếm đến 72% tổng giá trị xuất khẩu của địa phương này, được kỳ vọng là ngành hàng xuất khẩu chủ lực, đem lại giá trị kinh tế cao.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, để tiếp tục chinh phục những thị trường khó tính, Sơn La đã và đang từng bước khắc phục khó khăn, nỗ lực đáp ứng những quy định, tiêu chuẩn, tạo ra sản phẩm chất lượng.

Sau hơn 70 năm trồng cà phê, Sơn La hiện là tỉnh có diện tích cà phê Arabica lớn nhất cả nước.

Theo ông Công: "Giải pháp thứ nhất là phát triển cà phê bền vững, xây dựng quy trình sản xuất cà phê sạch theo các tiêu chuẩn RA, 4C, UTZ, các quy định chống phá rừng của EU. Và đầu tiên phải là giống, phải tiếp tục nghiên cứu những bộ giống cà phê tốt nhất, phù hợp với điều kiện của vùng trồng Sơn La. Tái canh những vùng trồng cà phê già cỗi, chất lượng kém, sức chống chịu với bệnh và biến đổi thời tiết... để làm sao từng bước xây dựng vùng cà phê cây non trẻ để có sức khỏe tốt, để ra những sản phẩm cà phê tốt nhất".

Từ những hạt cà phê tốt nhất, qua bàn tay cần cù, sáng tạo của mỗi nhà nông và sự đồng hành của các đơn vị, doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến cà phê, những sản phẩm tốt nhất, giá trị cao, mang hương vị của núi rừng Tây Bắc sẽ được tạo nên.

Anh Nguyễn Xuân Tùng, HTX cà phê Bích Thao Sơn La - đơn vị sở hữu sản phẩm Cà phê bột nguyên chất đạt chứng nhận OCOP 5 sao cấp quốc gia và nhiều sản phẩm có mặt trên thị trường quốc tế, chia sẻ: "Trước đây, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, cà phê có những lúc tưởng như đổ bỏ, vì giá quá rẻ... Nhưng từ khi liên kết sản xuất, đến khi xây dựng được sản phẩm OCOP 5 sao thì đầu ra thuận lợi hơn. Chúng tôi muốn mở rộng thị trường nữa, muốn sản phẩm đi xa hơn, như các nước Châu âu thì yêu cầu cao hơn, nên HTX đang cố gắng cải thiện và nâng cao chất lượng cà phê tốt hơn".

Xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu cũng là “chìa khóa” quan trọng đưa hình ảnh cà phê Arabica Sơn La vươn xa trên thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, sau Lễ hội Cà phê tỉnh Sơn La lần thứ nhất năm 2023, nhiều hướng đi, cơ hội mới cũng được mở ra với địa phương này.

Đa dạng sản phẩm cà phê Sơn La chinh phục các thị trường khó tính.

Ông Tạ Mạnh Cường, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương thông tin: "Hiện nay, chúng tôi đang triển khai 3 chương trình liên quan trực tiếp đến xúc tiến thương mại, xây dựng phát triển thương hiệu, trong đó có sản phẩm cà phê, như Chương trình thương hiệu quốc gia; chương trình quốc gia về xúc tiến thương mại; chương trình thực hiện nghị quyết của Chính phủ về triển khai hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm xuất khẩu tiềm năng... Mà sản phẩm cà phê Arabica Sơn La là một sản phẩm xuất khẩu tiềm năng, hoàn toàn xứng đáng để đưa vào diện xem xét đăng ký bảo hộ, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài; cũng rất tiềm năng để trở thành sản phẩm thương hiệu quốc gia".

Sau hơn 70 năm bén rễ, từ sứ mệnh xóa đói, giảm nghèo, cây cà phê Sơn La hiện đang được kỳ vọng sẽ ngày một vươn xa hơn nữa, khẳng định vị trí, thương hiệu trên bản đồ cà phê Việt Nam và thế giới, tựa kỳ vọng của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan: “nghĩ cà phê là nghĩ tới Việt Nam, thưởng thức cà phê Sơn La là cảm nhận hương vị núi rừng Tây Bắc”.

Lê Hạnh/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/de-ca-phe-son-la-vuon-xa-co-hoi-va-thach-thuc-post1061035.vov