Đầu tư hạ tầng dành cho xe điện cần khoảng 12,3 tỷ USD trong giai đoạn 2024-2040

Quá trình phát triển hạ tầng sạc và công suất phát điện tái tạo để đáp ứng nhu cầu của lượng xe điện mới trong giai đoạn 2024-2040, các chuyên gia ước tính sẽ cần đầu tư khoảng 12,3 tỷ USD và sử dụng tổng cộng 14tWh năng lượng tái tạo.

Việt Nam đang đối mặt với thách thức ô nhiễm không khí bởi lượng khí thải rất lớn từ các phương tiện giao thông. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự đầu tư đồng bộ và quy mô lớn vào hạ tầng cho xe điện.

Hiện nay, thị trường xe điện của Việt Nam lớn nhất trong khối ASEAN và xếp thứ hai trên toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc. Trong tương lai, thị trường xe điện của Việt Nam được đánh giá là còn nhiều tiềm năng phát triển.

Theo ước tính của HSBC, tổng doanh số bán xe máy và ô tô điện hàng năm của Việt Nam có thể tăng từ dưới 1 triệu vào năm 2024 lên trên 2,5 triệu vào năm 2036.

Báo cáo cho biết, xe máy điện sẽ đóng vai trò tiên phong trong quá trình phát triển xe điện ở Việt Nam. Điểm mạnh của xe máy điện so với ô tô điện là giá thành phải chăng, sự tương đồng cao hơn trong linh kiện và tỷ lệ sản xuất nội địa cao.

Theo Cục Quản lý Thương mại Quốc tế, Bộ Thương mại Hoa Kỳ, thị trường ô tô điện của Việt Nam có tiềm năng lớn nhưng chưa được khai thác, khi gần 73% dân số sở hữu xe máy vào năm 2023, nhưng chỉ có khoảng 5,5% sở hữu ô tô.

Cũng theo HSBC, sự phát triển của các phương tiện điện đang góp phần vào mục tiêu cân bằng phát thải carbon và thúc đẩy nguồn lực phát triển kinh tế bền vững dài hạn cho Việt Nam. Các nhà sản xuất trong nước đã bước đầu thành công với việc phát triển xe điện.

Đầu tư hạ tầng dành cho xe điện tại Việt Nam cần khoảng 12,3 tỷ USD.

Để mở rộng mô hình thành công của xe máy điện sang lĩnh vực ô tô điện, cần giải quyết một số trở ngại qua chính sách hỗ trợ của chính phủ như miễn lệ phí trước bạ đối với ô tô điện sử dụng pin, giảm thuế nhập khẩu ô tô điện sử dụng pin và miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án đầu tư vào ô tô điện.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể nâng cấp hệ sinh thái xe điện trong nước bằng cách tận dụng trữ lượng đất hiếm phong phú. Mặc dù không phổ biến như lithium, loại đất hiếm này vẫn đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng pin xe điện, đặc biệt là neodymium và samarium thường được sử dụng trong nam châm động cơ.

Đầu tư vào hạ tầng xe điện là một bước quan trọng để giảm thiểu tác động của phương tiện giao thông đối với môi trường, đây còn là cơ hội để thúc đẩy sự phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng.

Việc đầu tư vào hạ tầng xe điện không chỉ bao gồm việc xây dựng các trạm sạc và mạng lưới điện phân phối hiệu quả, mà còn cần có các biện pháp khuyến khích sử dụng xe điện, bao gồm cả các chính sách thuế và khuyến mãi hấp dẫn cho người tiêu dùng. Ngoài ra, việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực liên quan cũng là một yếu tố không thể thiếu.

Việt Nam, với tốc độ đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, giới chuyên môn nhận định, cần phải đảm bảo rằng hạ tầng giao thông đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của dân số, đồng thời hướng tới mục tiêu ‘xanh hóa’ môi trường sống. Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam dự đoán, đến năm 2040, Việt Nam sẽ có 3,5 triệu ô tô điện trên đường.

Lê Hồng

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//xe-hoi/dau-tu-ha-tang-danh-cho-xe-dien-can-khoang-12-3-ty-usd-trong-giai-doan-2024-2040-1099709.html