Dấu ấn Nhật Bản trên vùng đất xứ Thanh

Tỉnh Thanh Hóa đang rất khẩn trương chuẩn bị cho nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Không phải ngẫu nhiên mà địa phương này được chọn tổ chức các sự kiện liên quan đến công tác đối ngoại của đất nước.

Tôi bắt đầu "lần giở" trong "bộ nhớ" của mình mấy chục năm về trước về sự xuất hiện của những tổ chức nước ngoài lần đầu đặt chân đến Thanh Hóa, một trong những địa phương còn nhiều khó khăn vất vả nhưng rất đỗi tự hào không chỉ của người Thanh mà của cả nước với bề dầy truyền thống văn hóa lịch sử, anh hùng, cách mạng. Vùng đất "địa linh nhân kiệt" với nhiều vương triều khai sáng đất Việt.

Tôi nhớ, vào khoảng những năm 90 của thế kỷ trước, Tổ chức Japan International Cooperation Agency, gọi tắt là JICA (Nhật Bản) đã đến Thanh Hóa tìm hiểu, khảo sát chủ yếu ở vùng biển xứ Thanh rồi họ dừng lại ở vùng đất khô cằn bỏng rát ven biển huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) khá nhiều ngày.

Năm 1996, JICA đưa ra nhận định: "Nằm ở cuối phía Nam bờ biển tỉnh Thanh Hóa, Nghi Sơn có tiềm năng về xây dựng một cảng biển nước sâu từ 15-18m. Sau khi xây dựng một nhà máy xi măng lớn, một cảng chuyên dụng và tuyến kỹ thuật hạ tầng vào khu công nghiệp, đồng thời với sự đầu tư tổng hợp cho phép vùng Nghi Sơn trở thành một trong các trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Bắc Trung bộ và cả nước, sẽ là cửa ngõ chính của tam giác kinh tế phía Bắc".

Không chỉ tìm hiểu, khảo sát, đánh giá rồi đưa ra nhận định mà sau đó một thời gian ngắn, năm 1997, Nhật Bản đã đầu tư Dự án xây dựng Nhà máy xi măng Nghi Sơn công suất 4 triệu tấn/năm (622 triệu USD). Đây là dự án có vốn nước ngoài và là dự đầu tiên được ví như "cánh chim đầu đàn" về "làm tổ" ở vùng gió cát bỏng rát Nghi Sơn.

Nhà máy xi măng Nghi Sơn (1997) dự án đầu tư đầu tiên tại Khu kinh tế Nghi Sơn của nhà đầu tư Nhật Bản. Ảnh: Công ty Xi măng Nghi Sơn

Nhớ lại, ngày khởi công Nhà máy xi măng Nghi Sơn, gặp gỡ những người làm báo ở Thanh Hóa ngay tại buổi lễ, vốn là người vui tính, hoạt bát, gần dân, mê bóng đá và rất thân tình với cánh báo chí, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Minh dí dỏm nói: "Bóng đến chân tiền đạo thì bằng mọi cách phải ghi bàn! Hôm nay là ngày vui, ngày đáng nhớ của Thanh Hóa, ngày đánh dấu sự mở đầu đi đến ấm no, hạnh phúc hơn đối với Thanh hóa, đặc biệt với vùng đất Tĩnh Gia. Vì thế, chúng ta phải chớp lấy thời cơ, tạo mọi điều kiện để khu vực Nghi Sơn trong tương lai phải trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài".

Từ dự án đầu tiên Nhật bản đầu tư xây dựng năm 1997 tại Nghi Sơn đến nay thời gian trải qua một phần tư thế kỷ, chính xác là 26 năm, trên địa bàn Thanh Hóa đã có 141 dự án đầu tư trực tiếp với số vốn đăng ký 14,415 tỷ USD. Trong đó Nhật Bản có 17 dự án đầu tư trực tiếp hoặc liên danh, tổng vốn đăng ký 12,532 tỷ USD, chiếm 86% tổng vốn đầu tư FDI toàn tỉnh Thanh Hóa.

Một số dự án FDI của nhà đầu tư Nhật Bản có quy mô lớn (nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn 9 tỷ USD, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2, tổng vốn đầu tư 2,73 tỷ USD, Nhà máy xi măng Nghi Sơn tổng vốn 622 triệu USD…) có vai trò rất quan trọng không chỉ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thanh Hóa mà còn đối với phát triển chung của cả nước.

Phải nói rằng những dự án đầu tư của Nhật Bản tại Thanh Hóa là đầu tàu "kéo" các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với xứ Thanh đã để lại dấu ấn vô cùng đậm nét trong hợp tác thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản ngày càng "đơm hoa kết trái".

Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Ảnh: Lê Hoàng

Ngày 28/4, trong cuộc họp báo thông tin về các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản sắp diễn ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi cho biết: "Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đã thành lập bộ phận Hỗ trợ Nhật Bản tại Thanh Hóa (Japan Desk Thanh Hóa), kiện toàn bộ máy Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản tỉnh Thanh Hóa, nhằm tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật bản đến tìm hiểu đầu tư, kinh doanh tại tỉnh Thanh Hóa và thúc đẩy các hoạt động trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân.

Tỉnh Thanh Hóa luôn dành sự ưu tiên đặc biệt để nghiên cứu, triển khai các hoạt động hiệu quả, nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa tỉnh Thanh Hóa với các đối tác Nhật Bản…"

Với những kết quả rất đáng trân trọng từ việc thu hút đầu từ Nhật Bản, hoàn toàn có thể hy vọng làn sóng đầu tư vào Thanh Hóa của các nhà đầu tư nói chung nhà đầu tư nước ngoài nói riêng sẽ ngày càng nhiều hơn.

Vũ Anh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/dau-an-nhat-ban-tren-vung-dat-xu-thanh-179230430121020717.htm