Dấu ấn an sinh

Hà Nội đồng loạt khởi công xây, sửa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc 15 huyện, thị xã trên địa bàn TP...

Đây là một trong số nhiều hoạt động ý nghĩa, rất thiết thực hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), đồng thời cũng tiếp tục thúc đẩy hơn nữa các chính sách an sinh xã hội, tạo thêm những dấu ấn đặc biệt trong việc nâng chất lượng sống của người dân.

Cùng với những bước đột phá trong phát triển hạ tầng đô thị, duy trì tốt tăng trưởng kinh tế, nâng cao vị thế Thủ đô trong quá trình hội nhập, sự vươn lên không ngừng và khẳng định bản lĩnh của Thủ đô Hà Nội còn thể hiện ở chính sự phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống Nhân dân. Đây là vấn đề được TP đặc biệt quan tâm, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong từng giai đoạn phát triển.

Cùng với những chính sách chung, nhiều chính sách, cơ chế đặc thù của TP đã được ban hành, đi vào thực tiễn cuộc sống, đạt kết quả tích cực. Các cuộc vận động, phong trào thi đua được triển khai hiệu quả, huy động được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng tham gia.

Sự quan tâm của TP trong công tác chăm lo đời sống Nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội đã góp phần tạo nên cuộc sống hạnh phúc, no ấm, tiến bộ của mỗi gia đình, góp phần tạo ra một xã hội hạnh phúc, hài hòa và công bằng.

Trong mỗi nhiệm kỳ, TP đều có các chương trình về thúc đẩy an sinh xã hội, đặc biệt nhiệm kỳ khóa XVII này, Chương trình số 08-CTr/TU về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025” đã tạo thêm những đột phá trong phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững, giảm chênh lệch mức sống giữa khu vực thành thị - nông thôn, nâng cao thu nhập của người dân...

Chỉ tính riêng năm 2023, toàn TP đã giảm được 1.456 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,03% (690 hộ); tỷ lệ hộ cận nghèo còn 0,7% (15.835 hộ). Đến nay, TP Hà Nội có 18/30 quận, huyện không còn hộ nghèo, 5 quận không còn hộ cận nghèo.

Thực hiện chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo mới và hộ có mức sống trung bình tiếp cận đa chiều, Hà Nội đang tiếp tục triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo như xây mới, sửa chữa nhà ở, tạo việc làm, ưu đãi về tín dụng… với sự vào cuộc của cả chính quyền và người dân.

Trong đó, từ năm 2021 - 2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp TP đã vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” được trên trên 193 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, các cấp TP trích trên 177 tỷ đồng để hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn xây dựng, sửa chữa 2.037 nhà đại đoàn kết…

Qua rà soát, trên địa bàn 15 huyện, thị xã có 725 hộ nghèo khó khăn về nhà ở không có điều kiện xây mới và sửa chữa nhà, TP đã quyết định hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho toàn bộ các hộ trên (hỗ trợ 462 hộ xây mới và 263 hộ sửa chữa với tổng kinh phí 61,980 tỷ đồng).

Có thể nói, với những phương pháp, cách làm đổi mới và sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn của TP Hà Nội đã tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng xã hội, thúc đẩy thêm những mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững của Thủ đô.

Với những ngôi nhà đại đoàn kết, nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được khánh thành hoặc khởi công trong dịp Hà Nội đang hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô đã tạo nhiều dấu ấn an sinh sâu sắc hơn, từ đó thu hút sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, đơn vị, người dân, để cùng góp phần mang lại chất lượng sống tốt hơn cho mọi người, đúng với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Hà Bình

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dau-an-an-sinh-763888.html