Xem xét giảm lệ phí trước bạ với ô tô lắp ráp trong nước để kích cầu tiêu dùng

Các đại lý ô tô đều kỳ vọng, chính sách giảm lệ phí trước bạ nếu được áp dụng sẽ giúp kích cầu tiêu dùng ô tô trong nước trong nửa cuối năm 2024.

Nhiều đại lý ô tô cho biết, sự trợ giúp của Chính phủ lúc này là niềm hy vọng để thị trường sớm sôi động trở lại trong nửa cuối năm 2024. Ảnh: Tuệ Minh.

Nhiều đại lý ô tô cho biết, sự trợ giúp của Chính phủ lúc này là niềm hy vọng để thị trường sớm sôi động trở lại trong nửa cuối năm 2024. Ảnh: Tuệ Minh.

Một trong số những nội dung được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 21/4/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đó là giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2024 việc gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Thông tin này khiến thị trường dấy lên tâm lý đợi chờ một đợt ưu đãi lệ phí trước bạ thứ tư, tác động không nhỏ đến hoạt động mua bán ô tô mới. Nhiều đại lý xe cho biết, hàng loạt khách hàng đã nảy sinh tâm lý phân vân, cân nhắc việc trì hoãn mua ô tô để chờ ưu đãi.

Trước đó, thị trường ô tô Việt Nam từng được Chính phủ thúc đẩy 3 lần bởi chính sách ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ đối với mặt hàng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Lần đầu tiên có hiệu lực trong khoảng thời gian 6 tháng cuối năm 2020; lần thứ hai áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2022 và gần đây nhất là nửa cuối năm 2023.

Trong cả 3 lần áp dụng, chính sách ưu đãi kể trên đều tạo kết quả bùng nổ về mặt doanh số. Ghi nhận lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước - đối tượng được hưởng ưu đãi - đã tăng trung bình tới 200% lượt đăng ký mới phương tiện.

Đặc biệt, tính tổng dung lượng thị trường ô tô trong năm 2022, Việt Nam đã đạt sản lượng tiêu thụ lên tới hơn 500.000 xe - lập mức doanh số kỷ lục từ trước tới nay. Trong khi đó quý I/2024 đã kết thúc, với kết quả kinh doanh của hầu hết các thương hiệu ô tô lớn nhỏ đều không đạt được như kỳ vọng.

Theo số liệu từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, doanh số bán hàng toàn thị trường trong tháng 4 đạt 24.350 xe, giảm 11% so với tháng trước. Kéo theo 4 tháng đầu năm, doanh số bán hàng toàn thị trường cũng giảm 11% so với cùng kỳ năm trước.

Trung bình, mỗi lần áp dụng chính sách này, thu ngân sách bị giảm khoảng từ 8.000 - 9.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế, đây là công cụ hiệu quả giúp kích cầu tiêu dùng ô tô trong nước.

Nhiều đại lý ô tô cho biết, sự trợ giúp của Chính phủ lúc này là niềm hy vọng để thị trường sớm sôi động trở lại trong nửa cuối năm 2024. Doanh nghiệp sẽ bán được nhiều hàng hơn, còn người mua xe cũng vui mừng vì sẽ tiết kiệm từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng chi phí lăn bánh.

Nguyễn Đăng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/xem-xet-giam-le-phi-truoc-ba-voi-o-to-lap-rap-trong-nuoc-de-kich-cau-tieu-dung-381002.html