Đào tạo nhân lực cho phát triển văn hóa

Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành văn hóa là vấn đề then chốt để đánh thức và khơi thông những mạch nguồn văn hóa; biến văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển. Chỉ khi giải được bài toán về nhân lực ngành văn hóa thì việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa mới đạt được hiệu quả mong muốn.

Lớp học nhạc cụ dân tộc, Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai. Ảnh: My Ny

Đây cũng là vấn đề mà Đồng Nai cần quan tâm và nhận được nhiều chia sẻ từ các chuyên gia văn hóa, nhà nghiên cứu khoa học cũng như lãnh đạo các sở, ngành…

Trao truyền các giá trị văn hóa

Sau năm 1975, có một thời gian dài lễ hội Sayangva (lễ mừng lúa mới) của cộng đồng người Chơro ở TP.Long Khánh đã không tổ chức. Cho đến năm 1990, lễ hội này được tổ chức trở lại, với sự hỗ trợ về mọi mặt của chính quyền địa phương. Từ đó đến nay, lễ hội Sayangva được tổ chức thường niên, trở thành một sinh hoạt văn hóa quan trọng trên địa bàn, thu hút nhiều đoàn nghiên cứu văn hóa của các trường đại học đến tham gia. Điều quan trọng là nét sinh hoạt văn hóa truyền thống, độc đáo của đồng bào Chơro đã được duy trì và phát huy giá trị trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây.

Đàn tính, hát then là loại hình nghệ thuật, văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái - những dân tộc sinh sống ở vùng núi Tây Bắc. Nhưng từ 30 năm trước, tiếng đàn tính và những điệu hát then đã vang lên ở những ấp ở vùng rừng núi H.Định Quán, H.Tân Phú của Đồng Nai. Khi rời xa quê hương đi lập nghiệp, những người con của núi rừng Tây Bắc đã không quên đem theo “linh hồn” của quê hương mình đến vùng đất mới Đồng Nai. Từ đó đến nay, nhiều CLB hát then được thành lập và duy trì hoạt động.

Theo PGS-TS NGUYỄN THẾ KỶ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Đồng Nai cần xây dựng chính sách sử dụng cán bộ văn hóa khoa học, phù hợp với chuyên môn, trình độ ở tất cả các cấp, các lĩnh vực. Hoàn thiện chế độ, chính sách đãi ngộ đặc thù đối với trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân như chế độ lương, nhuận bút, bồi dưỡng lao động nghề nghiệp, các chế độ đãi ngộ khác…

Vì vậy, dẫu sống xa quê hương nhưng thế hệ trẻ người Tày, Nùng ở Đồng Nai vẫn duy trì được loại hình sinh hoạt hát then. Đặc biệt, kể từ khi hát then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì sinh hoạt của các CLB hát then ở Tân Phú, Định Quán càng sôi động hơn. Những nghệ nhân lớn tuổi nỗ lực truyền dạy các điệu then cổ cho lớp trẻ. Cùng với đó, họ còn tìm tòi, sáng tạo lời mới để then gần và phù hợp hơn với đời sống hiện tại.

Những hoạt động thực hành, duy trì lễ Sayangva hay truyền dạy thực hành then kể trên có thể được xem là ví dụ tiêu biểu cho việc trao truyền các giá trị văn hóa giữa các thế hệ. Ở đó, các nghệ nhân, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc đóng vai trò quan trọng. Chính sự nỗ lực không ngừng nghỉ của họ trong việc truyền dạy các thực hành văn hóa đã góp phần quan trọng trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa; làm cho bản sắc văn hóa lan tỏa mạnh mẽ trong mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư. Điều quan trọng là khi thế hệ trẻ tiếp thu được các giá trị văn hóa đó và có ý thức giữ gìn thì những bản sắc văn hóa này sẽ không bị mai một.

Làm cho văn hóa thấm sâu, tỏa sáng

Bàn về việc phát triển nguồn nhân lực về văn hóa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cho rằng, cần nhận thức nguồn nhân lực văn hóa không chỉ là đội ngũ gồm những người đang hoạt động trong ngành văn hóa. Nguồn nhân lực này là tổng thể tiềm năng đang có và cần có ở con người hướng về mục tiêu xác định, trong đó bao gồm cả cán bộ lãnh đạo, quản lý (cả quản lý nhà nước và quản lý của cộng đồng), giám định, thẩm định và nghệ nhân. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh, cần đưa nội dung văn hóa cơ sở vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp phù hợp đối tượng, làm cho hàm lượng văn hóa thấm sâu, tỏa sáng trong các cấp lãnh đạo, quản lý ở mọi lĩnh vực; chú trọng các hoạt động đào tạo trường lớp, bồi dưỡng chuyên môn và truyền dạy nghề nghiệp của nghệ nhân.

Từ góc độ của người từng làm công tác Đoàn, ThS Trịnh Thị Tình, Trường Chính trị tỉnh cho rằng, Đoàn TNCSHCM cần tăng cường truyền bá, phổ biến các giá trị văn hóa truyền thống, giáo dục tri thức về văn hóa dân tộc trong xã hội, bắt đầu từ thiếu nhi. Việc truyền bá, phổ biến các giá trị văn hóa này có thể thông qua nhiều hoạt động, hình thức như: hoạt động giáo dục trải nghiệm trong nhà trường, hoạt động Đội; phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội…

Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn cần làm tốt công tác chủ động theo dõi để kịp thời nắm bắt, định hướng và xử lý các biểu hiện lệch lạc trong việc tham gia sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của thanh thiếu nhi. Kịp thời có các biện pháp, cách thức đấu tranh kiên quyết với các hiện tượng phản văn hóa, phi văn hóa, “xâm lăng văn hóa”…

Theo TS Trương Đức Cường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Mỹ thuật và trang trí Đồng Nai, việc giáo dục thẩm mỹ cho giới trẻ là điều rất quan trọng ở tất cả các trường học. Trong đó, trước hết cần làm cho giới trẻ hiểu và khẳng định những giá trị đúng, tiếp đến là hiểu về cái đẹp rồi mới đến xây dựng những giá trị về mặt nghệ thuật. Điều này giúp các bạn trẻ hướng đến những giá trị chân - thiện - mỹ.

Trong việc xây dựng nguồn nhân lực văn hóa, theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, cần nâng cao chất lượng đội ngũ sáng tác văn học, nghệ thuật để có được đội ngũ văn nghệ sĩ tâm huyết, sáng tạo những tác phẩn văn học, nghệ thuật xứng tầm, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Cùng với đó, tỉnh cũng cần xây dựng đội ngũ nhân sự hoạt động các thiết chế văn hóa xã hội, giúp cho người dân tổ chức những hoạt động văn hóa cấp cơ sở ngày càng hiệu quả hơn. Đồng thời kết nối, tiếp cận với văn hóa nước ngoài để hấp thu, chắt lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại, làm phong phú hơn các giá trị văn hóa của dân tộc.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh, cần chú trọng cả văn hóa đại chúng và phát triển nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp. Trong đó, văn hóa đại chúng muốn phát triển thì phải củng cố và đầu tư các thiết chế văn hóa cơ sở sao cho từng xã, từng ấp đều có những điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Thông qua đó, từng dân tộc, từng cụm dân cư có nơi để thực hành và truyền bá văn hóa của cộng đồng mình.

“Văn hóa tinh hoa, nghệ thuật đỉnh cao, biểu diễn sân khấu chuyên nghiệp cũng cần được chú trọng. Chúng ta cần có cơ sở đào tạo những hạt nhân về văn hóa nghệ thuật để có những nghệ sĩ, những người am hiểu về văn hóa để biểu diễn, tổ chức những hoạt động văn hóa nghệ thuật phục vụ nhân dân, truyền bá những nghệ thuật đẳng cấp đến với người dân. Do đó, từng trường học, từng địa phương cần khơi gợi đam mê nghệ thuật trong học sinh, tạo điều kiện để các bạn trẻ theo đuổi đam mê. Có như vậy, chúng ta mới giữ gìn và tạo nên những giá trị văn hóa nghệ thuật cao” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho hay.

Hải An

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202312/dao-tao-nhan-luc-cho-phat-trien-van-hoa-06925b1/