Đánh giá thực chất kết quả đạt được

Cảm nhận chung trong ngày làm việc đầu tiên tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Hà Tĩnh Khóa XVIII là tinh thần thẳng thắn, trực diện, đánh giá đúng thực chất kết quả phát triển kinh tế - xã hội đạt được và chỉ rõ những tồn tại, hạn chế... Nhiều giải pháp khơi thông 'điểm nghẽn' đã được đại biểu HĐND tỉnh gợi mở nhằm phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm.

Rà soát, đánh giá toàn diện

Báo cáo tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết: 6 tháng đầu năm 2023, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phục hồi và phát triển. Tăng trưởng kinh tế ước 5,02%; lĩnh vực công nghiệp lấy lại đà tăng trưởng; hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch phục hồi nhanh. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực, năng suất lúa bình quân đạt hơn 58,96 tạ/ha (mức cao nhất từ trước đến nay). Tỉnh đã tổ chức tốt hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư với nhiều điểm nhấn và sự lan tỏa...

Chủ tọa điều hành kỳ họp. Ảnh: Hải Phong

Dù đạt được nhiều kết quả khả quan, song như nhận định của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng, tỉnh cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Cụ thể, nguồn lực huy động thực hiện Đề án tỉnh đạt chuẩn NTM còn nhiều khó khăn; giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kế hoạch. Số lượng doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng, kéo theo cắt giảm việc làm, ảnh hưởng đến đời sống người lao động, thu ngân sách. Tiến độ triển khai một số dự án còn chậm… “Bên cạnh đó, tình trạng thiếu thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm trong các bệnh viện công vẫn còn nhiều vướng mắc; một số vụ việc tồn đọng chưa được xử lý dứt điểm…”, ông Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh.

Về giải pháp cần tập trung thực hiện thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các Kết luận của Ban Thường vụ, Nghị quyết của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023… Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, công trình lớn của tỉnh. Chủ động bám sát diễn biến thời tiết, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh; quyết liệt triển khai các cơ chế, chính sách đã ban hành, nhất là đề án tập trung, tích tụ ruộng đất, thúc đẩy cơ cấu lại sản xuất, xây dựng cánh đồng lớn…

Theo Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thúy Nga, UBND tỉnh cần theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế trong nước và sự điều hành của Chính phủ để có giải pháp, chính sách kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguốn vốn; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt giá đất cụ thể để nhà đầu tư đóng nộp ngân sách, phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu ngân sách năm 2023; bảo đảm cân đối ngân sách thực hiện các nhiệm vụ chi theo dự toán, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh... Cùng với đó, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch vùng liên huyện, vùng huyện, quy hoạch chung, quy hoạch đô thị bảo đảm phù hợp với Quy hoạch tỉnh và các quy hoạch ngành có liên quan. Tiếp tục quan tâm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể bảo đảm có hiệu quả, phù hợp với thực tiễn…

Tăng cường đối thoại, tạo đồng thuận của người dân

Liên quan đến lĩnh vực văn hóa - xã hội, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Đào Thị Anh Nga kiến nghị, UBND tỉnh quan tâm bố trí kinh phí để triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách liên quan đã được HĐND tỉnh ban hành. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động trên lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là chất lượng dạy học, hoạt động dạy thêm, học thêm... Đồng thời, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, bố trí đội ngũ giáo viên văn hóa hợp lý cho các trung tâm giáo dục thường xuyên và cơ sở nghề; đẩy mạnh thu hút đầu tư, thực hiện đào tạo nghề gắn với nhu cầu việc làm của các doanh nghiệp; thu hút giữ chân lao động làm việc tại quê hương.

Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cũng nhấn mạnh, cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, doanh nghiệp và người lao động về chấp hành các quy định liên quan đến BHXH, BHYT; có giải pháp giải quyết tình trạng nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN; tăng cường công tác truyền thông, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, kỹ năng cho người dân về ý thức tự bảo vệ, ngăn ngừa, phòng chống tình trạng trẻ em bị đuối nước, bị bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích và các tệ nạn xã hội.

Đối với lĩnh vực pháp chế, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần đề nghị, UBND tỉnh tiếp tục chủ động thực hiện các giải pháp về phòng ngừa tội phạm, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ, thực hiện quyết liệt các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhằm hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn giao thông… Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân; đổi mới công tác tiếp dân theo hướng coi trọng đối thoại công khai, dân chủ, giải quyết có lý, có tình, dứt điểm ngay từ cơ sở...

Bên cạnh đó, lực lượng công an cần tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Viện KSND tỉnh tăng cường các biện pháp nghiệp vụ nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. TAND tỉnh chú trọng thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng xét xử, nhằm giảm tỷ lệ án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan; hạn chế thấp nhất việc sửa chữa, bổ sung các bản án, quyết định. Cục Thi hành án dân sự tỉnh tập trung giải quyết các loại án có giá trị lớn, án liên quan đến các tổ chức tín dụng - ngân hàng, giảm lượng án tồn chuyển kỳ sau và nâng cao tỷ lệ giải quyết đối với loại án này…

Diệp Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/danh-gia-thuc-chat-ket-qua-dat-duoc-i336002/