Đánh giá HP Elite X2 1012 G1: sát ngưỡng hoàn hảo!

Nằm trong series laptop dành cho doanh nghiệp, HP Elite X2 1012 G1 nổi bật với kiểu dáng siêu mỏng 8,1mm, tích hợp chân đế điều chỉnh góc mở, khả năng biến hình linh hoạt với bàn phím cover và bút cảm ứng Active Pen độc đáo.

Thiết kế

Là sản phẩm lai giữa tablet và laptop, HP Elite X2 1012 G1 (trong bài này gọi tắt là G1) có kiểu dáng hơi hầm hố so với một tablet 12 inch thông thường, nhưng lại nhỏ gọn, mỏng nhẹ và độc đáo trong vai trò một chiếc laptop.

G1 có cấu trúc khung kim loại chắc chắn, sang trọng và được thiết kế cách điệu ở một vài vị trí khá bắt mắt. Đó là dải kính đen ở mặt lưng - nơi bố trí camera sau, hay đường cắt kim cương chạy bao quanh thân máy trông khá phong cách và tinh tế. Điểm nhấn của G1 là chân đế nhẹ nhàng cùng phần lẫy mở được bố trí hợp lý với các đường cắt mềm mại. Tuy nhiên, kết cấu này chỉ thích hợp với những bề mặt phẳng chứ không thể giữ máy đứng vững vàng trên đùi.

Bên cạnh chân đế có một chi tiết nhỏ nhưng khác biệt so với các mẫu tablet thông thường là đầu đọc vân tay - mô-đun thường thấy trên các mẫu laptop cao cấp của HP. Công cụ này giúp tăng khả năng bảo mật cho máy và là tiện nghi xứng tầm đối với nhóm khách hàng doanh nhân.

G1 không được trang bị nhiều cổng kết nối. Cạnh phải của máy có ổ cắm tai nghe 3,5mm, cổng USB 3.0, khe cắm thẻ nhớ và cổng sạc Type-C. Cạnh trái có nút nguồn, cụm phím âm lượng và khe cắm Sim. Hai dải loa ngoài thương hiệu Bang & Olufsen được bố trí dọc theo mép trên thân máy. Cạnh còn lại có rãnh nam châm để kết nối với bàn phím cover. Từ lực của rãnh này đủ mạnh để giữ cả hai mô-đun gắn liền với nhau như một thể thống nhất, thậm chí có thể treo ngược.

G1 có kiểu dáng mạnh mẽ, nam tính với khả năng biến đổi linh hoạt nhờ bản lề được thiết kế đơn giản, chắc chắn, bàn phím cover kết nối dễ dàng.

Thiết kế phẳng giúp G1 thể hiện được phong độ mạnh mẽ và cứng cáp, thậm chí trông hơi thô, dù thực tế máy chỉ mỏng 0,85mm và nặng 0,82kg, dễ dàng cầm chắc và thoải mái ở mọi tư thế. Với cấu trúc bàn phím rời vật lý kiêm vỏ bảo vệ màn hình bằng nhôm, HP tuyên bố G1 đạt tiêu chuẩn độ bền quân đội Mỹ (MIL STD-810G).

Mô-đun bàn phím rời của G1 thuộc kiểu backlit quen thuộc với các phím chiclet to, khoảng cách rộng, độ đàn hồi tốt, chiếu nghỉ tay và touchpad lớn giúp thao tác dễ dàng với độ chính xác cao. Đèn nền LED rất hiệu quả khi phải làm việc trong môi trường tối.

G1 được trang bị Active Pen - bút cảm ứng sử dụng công nghệ Wacom có khả năng phân biệt được 1.024 lực nhấn khác nhau. Với kiểu dáng như một chiếc bút viết thường, Active Pen giúp người dùng ghi chú nhanh (nhấn nút ở đuôi bút để mở nhanh ứng dụng OneNote), vẽ hoặc chỉnh sửa hình ảnh tiện lợi. Đặc biệt, với trình duyệt Microsoft Edge tích hợp trên nền Windows 10, bút Active Pen thực sự hữu ích và khiến G1 trở nên đa năng hơn hẳn. HP đã đính kèm dây đeo và tap trên cover để người dùng gắn bút theo máy. Ngoài ra còn có tới 4 đầu bút để thay thế phù hợp với các mục đích viết, vẽ khác nhau.

Trải nghiệm

G1 được trang bị màn hình cảm ứng 12 inch độ phân giải 1.920 x 1.280 pixels, mật độ điểm ảnh đạt 192ppi cung cấp hình ảnh đủ nét và chi tiết, màu sắc trung thực, độ tương phản cao. Màn hình có độ sáng cao lên đến 340 nit kết hợp lớp chống chói trên bề mặt cho phép G1 hiển thị nội dung khá tốt ở ngoài trời (vẫn còn đôi chút hiện tượng bóng).

Đối với nhu cầu lướt web, xem phim hay xử lý đồ họa... khả năng hiển thị của G1 khá tốt. Tuy nhiên, nếu như độ phân giải màn hình cao hơn chút nữa (2.736 x 1.824 pixels như của Surface Pro 4) thì G1 sẽ hiển thị hoàn hảo hơn. Màn hình G1 còn trang bị chipset điều khiển cảm ứng cho tốc độ phản hồi cao, mượt mà dù dùng tay hay bút.

G1 được trang bị cấu hình gồm vi xử lý Intel Core m5-6Y57 Skylake, card đồ họa HD Graphics 515, bộ nhớ RAM 8GB LPDDR3, ổ lưu trữ SSD Samsung M.2 256GB và được cài sẵn Windows 10 bản quyền. Với cấu hình này G1 nhận được 3.548 điểm trong phép thử 3Dmark, 5.739 điểm đa lõi với Geekbench trong khi PCMark 8 đánh giá là 2.447 điểm. Đó không phải là những thành tích quá ấn tượng mà chỉ nhỉnh hơn đôi chút so với XPS 12. Tuy nhiên, hiệu năng này đã là dư thừa đối với nhu cầu sử dụng văn phòng, giải trí đa phương tiện của nhóm người dùng doanh nhân. Trải nghiệm thực tế cho thấy G1 hoạt động mượt mà, độ lag, trễ ít dù chạy đồng thời khá nhiều ứng dụng (vừa lướt web với nhiều tab, xem phim, chụp ảnh).

Về thời lượng pin, PCMark 8 Battery Test đánh giá G1 xem video được 5 giờ (độ sáng, âm lượng ở mức 50%). Thực tế, Elite X2 có thể hoạt động liên tục gần 6 giờ với độ sáng màn hình dưới 50%. Một thời lượng khá so với Surface Pro 4 (chỉ được tầm 4 giờ với các thiết lập tương tự) và tương đương với XPS 12. Tuy nhiên, khi để màn hình sáng tối đa và chỉ xem video qua YouTube, dung lượng pin của G1 giảm khá nhanh từ 82% xuống 69% sau gần 30 phút. Có thể thấy thời lượng pin của G1 chưa thực sự tương xứng với kiểu dáng dù không quá kém so với các đối thủ.

Đánh giá chung

G1 hiện được FPT Trading phân phối với giá 41 triệu đồng bản Core M7 và 34 triệu cho bản Core M5. Mức giá này hơi cao hơn so với các đối thủ, nhưng với số tiền đó G1 đã được trang bị đầy đủ phụ kiện từ cover bàn phím đến bút cảm ứng Active Pen. Với thiết kế đẹp, chắc chắn, được hoàn thiện tốt, bàn phím cover sử dụng thoải mái kết nối dễ dàng, bản lề độc đáo, bút Active Pen tiện dụng... G1 phù hợp cho cả công việc lẫn giải trí. Mẫu tablet lai laptop này sẽ hấp dẫn hơn nhiều nếu được trang bị màn hình độ phân giải lớn hơn và thời lượng pin được cải thiện.

Gia Phong

Nguồn Nghe Nhìn VN: http://nghenhinvietnam.vn/thu-may/danh-gia-hp-elite-x2-1012-g1-sat-nguong-hoan-hao-23320.html