'Cây sáng kiến' ở Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quân sự 1

Tâm huyết, trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo. Đây có lẽ là những từ khóa chính xác nhất để hình dung về 'cây sáng kiến' ở Khoa Vũ khí, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quân sự 1 (Tổng cục Kỹ thuật) - Trung tá, ThS Dương Văn Ký. 20 năm vừa giảng dạy vừa nghiên cứu khoa học, Trung tá Dương Văn Ký đã có nhiều sáng kiến, đề tài có tính ứng dụng, thực tiễn cao.

Đặc biệt, sáng kiến “Nghiên cứu xây dựng phần mềm mô phỏng súng chống tăng SPG-9 và đánh giá hiệu quả sử dụng phần mềm trong giảng dạy tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quân sự 1” do anh làm chủ nhiệm đã góp phần quan trọng mở ra một phương pháp mới trong giảng dạy môn vũ khí bộ binh tại Nhà trường.

Clip mô phỏng hoạt động của súng chống tăng SPG-9 trong sáng kiến do Trung tá Dương Văn Ký thực hiện.

Thành công từ sự tận tâm với nghề

Chia sẻ về sáng kiến này, Trung tá Dương Văn Ký cho biết, hiện nay quá trình giảng dạy, huấn luyện về súng chủ yếu theo phương pháp truyền thống: Sử dụng vật thật, kết hợp với tranh vẽ, tài liệu để truyền đạt. SPG-9 là loại súng có nhiều chi tiết nhỏ, cấu tạo phức tạp, phần lớn các chi tiết bị che khuất. Trong khi đó, số lượng vật thật phục vụ huấn luyện còn hạn chế, người học ít có điều kiện được thao tác thực tế trên súng.

Thực tế đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao chất lượng giảng dạy, huấn luyện và tự nghiên cứu của cả người dạy và người học. Vì vậy, đổi mới phương pháp dạy và học, nhất là việc ứng dụng công nghệ mô phỏng đã giúp giáo viên, học viên nắm bắt nội dung nhanh, thuận tiện, phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo hơn. Chất lượng giáo dục vì thế cũng được nâng lên rõ rệt, đáp ứng yêu cầu đào tạo ở Nhà trường và huấn luyện kỹ thuật tại các đơn vị.

“Quá trình xây dựng phần mềm mô phỏng súng chống tăng SPG-9 được tiến hành qua nhiều công đoạn khác nhau, từ xây dựng phần mềm mô phỏng với các mô hình 3D; dựng phim mô phỏng chuyển động, phim huấn luyện tháo lắp trực quan, sát thực tế, mô tả đầy đủ các nội dung cần thiết về cấu tạo, hoạt động các bộ phận của súng ở từng vị trí và thời điểm bất kỳ....”, Trung tá Dương Văn Ký nói.

Quan sát trên phần mềm mô phỏng có thể thấy, cấu tạo của súng, kể cả các chi tiết bị che khuất đều dễ dàng “bung ra” màn hình chỉ bằng một thao tác click chuột. Để có được điều đó, từng phần việc được nhóm nghiên cứu thực hiện khá công phu, tỉ mỉ, chính xác tuyệt đối. Các chi tiết của súng được vẽ thành hình ảnh 3D dựa trên kết quả đo đạc thực tế và các tài liệu kỹ thuật; chuyển động của các bộ phận, phát bắn được mô phỏng và xuất thành các video; từng động tác mẫu về tháo lắp súng được ghi hình, làm phim huấn luyện…

Hình vẽ bộ phận nòng súng chống tăng SPG-9 trong sáng kiến do Trung tá Dương Văn Ký thực hiện.

Ưu điểm của phần mềm này là giao diện bằng tiếng Việt, dễ sử dụng; hiển thị các nội dung video mô phỏng, phim huấn luyện (có thể tua nhanh/chậm, dừng tại thời điểm bất kỳ) và ảnh 3D có độ nét cao; hiển thị các nội dung văn bản, cho phép sao chép hoặc in văn bản trực tiếp. Đồng thời, phần mềm tạo môi trường hiển thị, tương tác trực tiếp với các chi tiết, cụm bộ phận, cả khẩu súng đã được 3D hóa, có thể quan sát ở mọi góc độ, giúp người học dễ quan sát, nắm bắt ngay được nội dung.

Ngoài sáng kiến trên,Trung tá Dương Văn Ký cùng tập thể bộ môn, khoa nghiên thực hiện nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật khác đoạt giải cao trong các hội thi cấp Bộ và Tổng cục Kỹ thuật. Chỉ tính riêng 5 năm (2019-2024) anh đã làm chủ nhiệm 4 sáng kiến cấp ngành, tham gia 4 đề tài cấp cơ sở, 3 sáng kiến cấp ngành; chủ biên 1 giáo trình điện tử, 1 giáo trình in và 55 chương trình đào tạo, chương trình chi tiết môn học cho các đối tượng. Trong đó, sáng kiến Xây dựng phần mềm súng phóng lựu 30mm AGS-17 đạt giải nhì Hội thi Sáng kiến đề tài Công đoàn Quốc phòng năm 2022. Sáng kiến Xây dựng phần mô phỏng pháo mặt đất 122mm D74 đạt giải ba Hội thi Sáng kiến đề tài Tổng cục Kỹ thuật và giải ba của Bộ Quốc phòng năm 2022. Năm 2021, Trung tá Dương Văn Ký được cử làm huấn luyện viên cho đội thợ quân khí giỏi toàn quân tham gia Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games).

Để làm nên được những thành công đó, theo anh trước hết và điều quan trọng nhất, đó chính là sự tâm huyết, yêu ngành, tận tâm với nghề và có trách nhiệm trước mọi công việc được giao; tinh thần chủ động, không ngại khó, ngại khổ, không đùn đẩy trách nhiệm cho người khác.

Đại tá Nguyễn Phú Anh, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quân sự 1 cho biết, bám sát nhiệm vụ của Nhà trường và thực tiễn đơn vị, bằng tác phong làm việc khoa học, tỉ mỉ, tận tâm với nghề, nhiều sáng kiến, đề tài do Trung tá Dương Văn Ký làm chủ nhiệm được các cấp đánh giá xuất sắc, góp phần quan trọng đổi mới phương pháp dạy học và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo tại Nhà trường.

Mở ra một phương pháp mới trong giảng dạy môn vũ khí bộ binh

Theo Trung tá Dương Văn Ký, sáng kiến “Nghiên cứu xây dựng phần mềm mô phỏng súng chống tăng SPG-9 và đánh giá hiệu quả sử dụng phần mềm trong giảng dạy tại Trường cao đẳng Kỹ thuật Quân sự 1” đã thông qua cấp cơ sở tháng 12-2023, được áp dụng vào giảng dạy, học tập và nghiên cứu ở Nhà trường, đồng thời có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho các nhà trường Quân đội và các đơn vị súng bộ binh trong toàn quân. Đề tài cho phép nghiên cứu chuyên sâu về các chuyển động cơ khí, dòng khí, đặc biệt có thể mô tả trực quan các va chạm trong quá trình truyền chuyển động giữa các mặt làm việc, lý giải rõ ràng các vấn đề mà từ trước tới nay chúng ta vẫn chỉ giải đáp bằng lời mà từ tài liệu và các phương pháp khác khó có thể diễn tả được, đồng thời mở ra một phương pháp mới trong giảng dạy để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác giáo dục.

Trung tá Dương Văn Ký thị phạm cách tháo lắp súng chống tăng SPG-9 trong giờ thực hành.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hoạt động dạy và học các môn kỹ thuật chuyên ngành tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quân sự 1, cho thấy, phương pháp giảng dạy truyền thống dần được thay thế bằng các phương pháp giảng dạy tích cực, hiện đại lấy người học làm trung tâm, trong quá trình giảng dạy có sự hỗ trợ của máy tính, công nghệ. Các phần mềm mô phỏng đã đáp ứng tốt mục tiêu, yêu cầu đào tạo trong Nhà trường. Khi sáng kiến được áp dụng vào giảng dạy, số tiết lý thuyết của môn học giảm từ 30 tiết đã xuống còn 24 tiết, thời gian còn lại chuyển sang thực hành hoặc thảo luận. Kết quả đó cho thấy hiệu quả của các phần mềm mô phỏng là rõ rệt và áp dụng tốt trong giảng dạy các môn học cấu tạo, huấn luyện binh khí, huấn luyện chuyên môn nghiệp vụ ngành.

Tuy nhiên, cấu tạo vũ khí bộ binh là môn học chuyên ngành có khối lượng kiến thức lớn, nhiều nội dung lý thuyết phức tạp. Để khắc phục những bất cập, trìu tượng khi giảng dạy bằng hình vẽ, việc mô phỏng cấu tạo các chi tiết, bộ phận, mô phỏng nguyên lý làm việc các cơ cấu của súng là cần thiết. Khi sử dụng phần mềm mô phỏng vào giảng dạy sẽ rút ngắn được thời gian nghiên cứu so với nghiên cứu bằng tranh vẽ.

Mặt khác, đối với học viên, vũ khí bộ binh là một trong những ngành học đặc thù, đòi hỏi sự khéo léo, đặc biệt trong quá trình tháo, lắp, sử dụng súng. Quá trình nghiên cứu, học tập tại trường, học viên cơ bản được các thầy giảng dạy về lý thuyết tại các phòng học chuyên dùng và học thực hành ở xưởng. Để nghiên cứu lý thuyết trên tranh vẽ, hiểu được nội dung cấu tạo chi tiết, bộ phận cấu tạo của súng, đòi hỏi người học phải có kiến thức về vẽ kỹ thuật, có khả năng đọc bản vẽ tốt, có tư duy phân tích. Hơn nữa, nghiên cứu lý thuyết cấu tạo súng trên vật thật là rất khó, vì đây là súng có cấu tạo phức tạp. Việc áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại nói chung và công nghệ mô phỏng nói riêng đã tạo hứng thú hơn cho người học.

Vì vậy, sáng kiến đã góp phần tích cực vào việc đổi mới phương pháp giảng dạy, giúp học viên có cách nhìn trực quan các chi tiết, bộ phận cũng như chuyển động đơn, chuyển động tổng hợp của súng qua đó tiếp thu bài dễ dàng hơn; khắc phục được hiện tượng thiếu súng, thiếu tài liệu. Trong trường hợp không có vật thật vẫn tổ chức giảng dạy được. Trên cơ sở sản phẩm của sáng kiến, giáo viên có thể biên soạn các bài giảng điện tử, giáo trình điện tử, đồng thời có thể dùng để huấn luyện ở đơn vị.

Chia sẻ về kế hoạch trong thời gian tới, Trung tá Dương Văn Ký mong muốn được cấp trên tiếp tục quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học các phòng học chuyên dùng, các phòng học phổ thông để đáp ứng việc ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm mô phỏng vào đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nói chung và bộ môn Vũ khí bộ binh tại Nhà trường nói riêng.

“Đặc biệt, việc có thể sử dụng các dữ liệu của phần mềm mô phỏng vào việc lập cổng thông tin điện tử về vũ khí trong các đơn vị và Quân đội, góp phần vào việc số hóa các dữ liệu về vũ khí và trang thiết bị trong ngành và Quân đội, là điều tôi và nhóm nghiên cứu kỳ vọng sau khi thực hiện đề tài này”, Trung tá Dương Văn Ký nói.

NGUYỄN MẠNH HÙNG (Trợ lý Tổ chức, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quân sự 1)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cuoc-thi-viet-nganh-ky-thuat-quan-doi-hanh-trinh-tien-len-hien-dai/cay-sang-kien-o-truong-cao-dang-ky-thuat-quan-su-1-776684