Đằng sau thất bại chiến dịch phản công của Ukraine

Lý do khiến chiến dịch phản công của Ukraine không đạt kết quả như kỳ vọng được cho do Mỹ, Ukraine bất đồng sâu sắc về chiến thuật, phương tiện chiến đấu và chiến lược.

Trong hơn ba tháng, PV của tờ The Washington Post đã phỏng vấn hơn 30 quan chức cấp cao của Ukraine, Mỹ và Liên minh châu Âu để xem xét những nguyên nhân tại sao chiến dịch phản công của Ukraine chống lại Nga hồi mùa hè năm nay đã không đạt kết quả như kỳ vọng. Những cá nhân này tiết lộ việc Ukraine và các đồng minh phương Tây đã gặp nhiều thách thức trong quá trình lên kế hoạch và liên tục bất đồng về cách triển khai chiến dịch.

Ukraine, phương Tây không có tiếng nói chung

Trong những tháng đầu năm nay, các quan chức quân sự từ Anh, Ukraine và Mỹ đã tiến hành chuỗi tám trận đánh mô phỏng tại căn cứ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại TP Wiesbaden, Đức. Các lực lượng Ukraine trong mô phỏng phối hợp với các lực lượng và khí tài phương Tây hỗ trợ chiến dịch phản công của Kiev.

Kết quả của chuỗi tám trận đánh mô phỏng này được Mỹ và đồng minh dùng là nền tảng để vẽ ra kế hoạch chi tiết sắp tới và xác định những gì phương Tây cần cung cấp để Ukraine thành công.

Binh sĩ Ukraine tham gia một cuộc tập trận quân sự ở TP Chernihiv, Ukraine hôm 5-12. Ảnh: REUTERS

Giới chức quân sự Mỹ tin rằng với lực lượng và phương tiện sẵn có, Ukraine hoàn toàn có thể tiến hành cuộc tấn công trực diện bằng phương tiện cơ giới hóa để đột phá phòng tuyến Nga. Sau khi phá hủy phòng tuyến Nga, Ukraine có thể tiến tới biển Azov, cô lập lực lượng Nga ở phía nam trong vòng 60 đến 90 ngày. Kết quả mô phỏng đặt tỉ lệ thương vong của Ukraine lên tới 30%-40%.

Tuy nhiên, Washington được cho là đã tính toán sai khi cho rằng các lực lượng Ukraine có thể nhanh chóng trở thành quân đội kiểu phương Tây trong một thời gian ngắn. Đặc biệt, Mỹ và châu Âu ở thời điểm hiện tại đã không trang bị đầy đủ máy bay chiến đấu cho không quân Ukraine nhằm giành ưu thế trên không - vốn là một phần thiết yếu của học thuyết quân sự phương Tây.

Bên cạnh đó, các cố vấn Mỹ khuyến nghị Ukraine tập trung tấn công dọc theo trục phía Nam nhưng lãnh đạo Ukraine cho rằng các lực lượng nước này buộc phải tấn công vào ba điểm khác nhau dọc theo mặt trận dài gần 1.000 km: Ở phía Nam theo hướng các TP Melitopol, Berdyansk trên biển Azov và ở phía Đông tới TP Bakhmut nhằm tránh tổn thất nặng.

Kiev ban đầu yêu cầu hơn 1.000 xe bọc thép nhưng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói điều này là “gần như không thể”. Cuối cùng, Ukraine nhận được 1.500 chiếc nhưng trễ hơn dự kiến. Phía Ukraine phản hồi lại là một số phương tiện được viện trợ bị lỗi và không thể đem ra chiến trường.

Các chuyên gia Mỹ thì cho rằng việc công tác bảo dưỡng không đầy đủ được cho là lỗi của quân đội Ukraine.

Cuối cùng, nhiều quan chức của Ukraine và phương Tây dường như đã đánh giá thấp khả năng của Nga trong việc khôi phục lực lượng sau khi hứng chịu tổn thất lớn trên chiến trường và tận dụng các thế mạnh lâu dài của nước này như nhân lực, bom mìn.

Khi thời điểm tiến hành cuộc phản công đến gần, giới chức Ukraine lo ngại họ sẽ phải gánh chịu tổn thất nặng nề, tuy nhiên các quan chức Mỹ cho rằng số thương vong sẽ còn cao hơn nếu Kiev không tiến hành cuộc phản công quyết định và dứt khoát. Cuộc tấn công dự kiến diễn ra vào giữa tháng 4 cuối cùng tới đầu tháng 6 mới bắt đầu. Quân đội Ukraine ngay lập tức mắc kẹt trong các bãi mìn và hứng chịu hỏa lực dữ dội của pháo binh Nga.

Chỉ sau bốn ngày bước vào chiến dịch, Tổng Tham mưu trưởng Ukraine Valery Zaluzhn đã gạt học thuyết và kế hoạch của Mỹ sang một bên để chuyển sang tấn công bằng bộ binh ở quy mô nhỏ hơn theo cách tác chiến lâu nay của lực lượng Ukraine.

Theo đài RT, hôm 5-12, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng Moscow sẵn sàng giải quyết cuộc xung đột với Kiev thông qua các biện pháp ngoại giao bất cứ lúc nào.

Ukraine và tương lai bất định phía trước

The Washington Post nhận định ở giai đoạn đầu cuộc phản công, các lực lượng Ukraine rất tự tin, bản thân Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng kỳ vọng đây sẽ là một chiến thắng quyết định cuộc chiến. Tuy nhiên, lúc này mùa đông đã tới, các mặt trận phải bước vào giai đoạn phòng thủ chờ mùa xuân tới, phía Ukraine đang phải đối mặt với sự thiếu chắc chắn với tương lai phía trước.

Cộng đồng quốc tế đang chuyển sự chú ý sang tình hình ở Trung Đông còn những nước ủng hộ Ukraine ngày càng lo ngại khi phải đóng góp nhiều hơn trong khi chiến sự không có đột phá nào mới. Kết quả không mấy thuyết phục sau sáu tháng diễn ra cuộc phản công đã khiến các nước phương Tây đặt câu hỏi liệu họ có đủ khả năng hỗ trợ lâu dài cho Ukraine hay không.

The Washington Post cho biết ở hầu hết mọi điểm trên mặt trận, kỳ vọng và kết quả của binh sĩ đều rất tiêu cực. Tinh thần ở Ukraine đang “đi xuống”. Một quan chức Anh giấu tên chia sẻ là xung đột sẽ diễn ra trong nhiều năm và hai bên sẽ phải đổ nhiều máu. Ukraine phải đảm bảo có đủ nhân lực và kinh tế để trụ vững trong một cuộc chiến tiêu hao kéo dài với Nga. Ông lo ngại khối đồng minh phương Tây không đủ quyết tâm để tiếp tục viện trợ cho Ukraine.•

Ukraine cảnh báo nguy cơ thua trận nếu Mỹ ngừng viện trợ

Phát biểu tại Viện Nghiên cứu hòa bình nhân chuyến thăm Mỹ hôm 5-12 (giờ địa phương), Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak cảnh báo nếu Quốc hội Mỹ không phê chuẩn viện trợ quân sự thêm cho Ukraine, nước này sẽ khó giành lại thêm lãnh thổ từ Nga và có nguy cơ thua trận, theo hãng tin Reuters.

Ông cho biết đã gặp gỡ các nghị sĩ Mỹ cũng như các quan chức Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao Mỹ để kêu gọi Washington tiếp tục viện trợ cho Ukraine. Trong các cuộc tiếp xúc này, ông cũng khẳng định đất nước và người dân Ukraine sẽ chiến đấu đến cùng.

Hồi tháng 10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề nghị Quốc hội thông qua gói ngân sách trị giá khoảng 106 tỉ USD, trong đó dành hơn 60 tỉ USD để viện trợ cho Kiev. Tuy nhiên, đề xuất này gặp trở ngại do sự phản đối của một nhóm nghị sĩ Cộng hòa tại Hạ viện.

VĨ CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/dang-sau-that-bai-chien-dich-phan-cong-cua-ukraine-post765384.html