'Đang có cả một 'công trường' sản xuất giấy phép'

Tại Hội thảo rà soát các điều kiện kinh doanh diễn ra mới đây, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã phải thốt lên rằng đang có một “công trường” sản xuất giấy phép đầu tư cho doang nghiệp.

Trước những kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp về các điều kiện kinh doanh gây cản trở doanh nghiệp, ông Lê Mạnh Hà cho rằng thực tế việc cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp rất đơn giản, nhưng việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư lại vô cùng phức tạp và phải nói là đang có một “công trường” sản xuất giấy phép. Tuy nhiên, không vì tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mà trở nên dễ dãi trong cấp phép đầu tư dẫn đến những trường hợp như Formosa.

“Tôi đã từng phụ trách lĩnh vực này và thấy anh em đã phải làm việc rất vất vả và rất kỹ, nhưng càng làm kỹ càng thấy vướng cho doanh nghiệp, nên rất mong muốn làm sao việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư trở nên đơn giản hơn. Tuy nhiên trong một số lĩnh vực, nếu làm đơn giản lại thành có tội. Ví dụ như trong việc đánh giá tác động đến môi trường, nếu chúng ta làm đơn giản sẽ dẫn đến những trường hợp như Formosa. Nhiều hoạt động không cần thiết phải đánh giá tác động đến môi trường, nhưng theo quy định vẫn phải đánh giá, như vậy là nhũng nhiễu, làm khó cho doanh nghiệp,” ông Lê Mạnh Hà nói.

Tại Hội thảo, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phải thốt lên rằng: “Doanh nghiệp bỏ tiền ra để đầu tư, tạo công ăn việc làm cho xã hội, tạo nguồn thuế cho đất nước, mà sao vẫn phải qua nhiều cửa ải như thế?” Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhắc lại một câu nói của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi nghe báo cáo về sự nhũng nhiễu của cán bộ thuế: “Mang tiền mà nộp cho nhà nước mà còn 'dã man' như thế thì còn việc gì dễ hơn nữa hay không?”. Ông Lộc nói với giọng đầy cay đắng: “Doan nghiệp mang tiền đi đầu tư để tạo công ăn việc làm cho xã hội, tạo nguồn thu cho ngân sách mà cơ quan nhà nước lại “dã man” như thế thì đúng là tội của chính quyền và công chức”.

“Theo rà soát của VCCI tại 37 Luật đã có trên 100 điều cần phải điều chỉnh sửa, sự ổn định trong hệ thống pháp luật về kinh doanh – đầu tư là tốt nhưng thay đổi theo chiều hướng an toàn hơn cho người dân và doanh nghiệp thì sẽ tốt hơn, phải sửa đổi ngay chứ không thể cứ mãi xếp hàng chờ đến lượt sửa đổi,” ông Vũ Tiến Lộc nói tiếp.

Trong khi đó, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng lợi ích của doanh nghiệp cũng chính là lợi ích của quốc gia, nhưng nếu đặt ra một doanh nghiệp cụ thể thì lợi ích của doanh nghiệp cụ thể hoặc nhóm doanh nghiệp cụ thể chưa chắc đã đi cùng với lợi chung của đất nước, của xã hội. Lợi ích chung của quốc gia không nhất thiết lúc nào cũng đồng hành với lợi ích của từng doanh nghiệp.

“Có thể có hiện tượng cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước viết luật ra rồi cố gò luật đó sao cho có lợi cho phía mình, nếu nói là hiện tượng thì tôi đồng ý, nhưng nếu nói đó là chủ chương của Chính phủ hay chỉ đạo của các Bộ thì tôi khẳng định là không có. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã khẳng định nghiêm cấm cài cắm lợi ích nhóm vào trong luật,” Thứ trưởng Đặng Huy Đông nói.

Một trong những vấn đề nổi cộm hiện nay là điều kiện cấp phép đối với doanh nghiệp nhập khẩu ô tô. Đại diện một doanh nghiệp phân phối xe, ông Nguyễn Đình Quyết, Giám đốc Công ty Hưng Hà, khẳng định, doanh nghiệp của ông là nạn nhân của Thông tư 20/2011/TT-BTC, trong khi quy định này không phù hợp với tinh thần của Luật Đầu tư 2014. Theo quy định tại Thông tư 20/2011/TT-BCT, thương nhân khi làm thủ tục nhập khẩu phải nộp bổ sung 2 chứng từ: Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền của nhà nhập khẩu, nhà phân phối chính hãng sản xuất kinh doanh loại ô tô đó và Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông vận tải cấp.

“Luật Đầu tư 2014 hướng tới môi trường kinh doanh lành mạnh, trong đó có sự phát triển của mọi loại hình doanh nghiệp, đảm bảo sự công bằng cho doanh nghiệp, nhưng tôi là một nạn nhân của Thông tư 20. Để có một Trường Hải, họ cũng phải xuất phát từ một doanh nghiệp rất nhỏ, tôi mong muốn các doanh nghiệp nhỏ cũng có điều kiện để phát triển như thế,” ông Quyết nói.

Trong khi đó, ông Lâm Chí Quang, đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) lại ủng hộ quan điểm duy trì Thông tư 20 khi cho rằng ô tô là mặt hàng ảnh hưởng đến môi trường và sự an toàn của con người, nếu cấp phép tràn lan cho doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến môi trường, tính mạng của người tham gia giao thông.

Tuy nhiên, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, phản bác lại quan điểm của đại diện VAMA khi cho rằng còn có nhiều thứ ảnh hưởng đến con người chứ không riêng gì ô tô. Không thể bắt tất cả mọi người vào siêu thị để mua thực phẩm cho sạch hơn, vẫn cần phải có cửa hàng nhỏ, chợ cóc trong điều kiện nhất định. Cho nên quy định phải nhập khẩu qua đại lý thì chỉ những ông lớn mới có thể đáp ứng được.

“Bảo vệ người tiêu dùng tốt nhất là bằng cách thức thúc đẩy cạnh tranh. Cần nghiêm khắc trừng trị những doanh nghiệp làm ăn gian dối, nhưng không vì một số doanh nghiệp làm ăn gian dối mà dành hẳn cuộc chơi này cho các ông lớn,” ông Đậu Anh Tuấn nói.

Quan điểm trên nhận được sự ủng hộ của Thứ trưởng Đặng Huy Đông khi ông cho rằng nếu hạn chế sự gia nhập của những doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, vô hình trung chúng ta sẽ triệt tiêu tính cạnh tranh của thị trường, mua xe như thế nào đó phải là quyền lựa chọn của người mua, quyền lựa chọn của thị trường chứ nhà nước không nên can thiệp.

“Chính sách của nhà nước hướng vào dân, còn doanh nghiệp lại nói tiền ở túi của tôi, nếu thuận lợi thì tôi đầu tư, nếu chính sách không thuận lợi thì tôi không đầu tư nữa, như vậy đồng nghĩa với việc không tạo được công ăn việc làm. Bảo vệ người lao động trước hết là để họ có công ăn việc làm,” Thứ trưởng Đặng Huy Đông nói.

Nguyễn Tuân

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/dang-co-ca-mot-cong-truong-san-xuat-giay-phep-post204488.info