Đan Phượng: Mỗi làng một món ăn ngon…

Đan Phượng - vùng đất xứ Đoài địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Nơi đây còn nổi tiếng với ẩm thực đậm nét văn hóa, như: Nem Phùng, rượu đậu Hồng Hà, bánh tẻ Liên Hà, bánh gio Liên Hồng, cháo se Hạ Mỗ…

Người dân làng Thọ Vực (xã Đồng Tháp) chọn cá để chế biến món cá kho đặc trưng của làng.

Đặc sắc từ món ăn dân dã

Ở huyện Đan Phượng, mỗi làng đều có món ăn đặc trưng gắn với nét đẹp văn hóa.

Vốn là làng chài lưới ven sông Đáy, người dân thôn Thọ Vực, xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng có kỹ thuật kho cá rất đặc biệt. Việc kho cá ở làng do đàn ông đảm nhiệm và làm rất công phu: Cá rửa sạch, mổ bỏ ruột, để cả vẩy và nguyên con. Do kho những con cá to nguyên con nên nồi kho cũng khá to.

Người Thọ Vực kho cá cùng mía chẻ, giềng thái lát mỏng, tương, bỗng rượu, nước hàng, hạt tiêu và nước trắng vừa đủ. Để cá không bị dính vào nhau và khi lấy ra không bị vỡ nát, cứ mỗi lớp cá người dân để một lớp phên tre cùng lớp mía thái lát mỏng.

“Cá phải kho hai lửa mới ngon. Thông thường, chúng tôi kho lần 1 khoảng 4 tiếng rồi để nguội. Lần kho thứ 2, chúng tôi nhấc tất cả lớp cá ra đảo lớp trên xuống lớp dưới và ngược lại rồi tiếp tục đun khoảng 3 tiếng. Làm như vậy cá mới chín đều và ngấm gia vị, mềm rục xương”, ông Lưu Văn Vinh làng Thọ Vực nói.

Cùng với kho cá, người Thọ vực chọn gạo ngon nấu thành cơm. Cơm được đóng thành khuôn có chiều ngang chừng 8cm, chiều dọc chừng 15cm. Cá kho bày cùng cơm khuôn phải bảo đảm nguyên con, không được tróc vẩy, đủ vây, đuôi có màu vàng sậm, rất đẹp mắt.

Món cá kho của làng Thọ Vực (xã Đồng Tháp).

Cùng với “cá kho, cơm khuôn” làng Thọ Vực, bánh gio là món ăn được người dân Đan Phượng chế biến rất ngon. Chị Nguyễn Thị Thanh Huệ ở ngõ Quý Đình, thôn Thượng Trì, xã Liên Hồng cho biết, nguyên liệu để làm bánh gio gồm gạo nếp, nước gio, lá dong, dây lạt… Trong đó, nước gio là một trong những bí quyết quan trọng quyết định đến chất lượng bánh.

Ở mỗi địa phương, người dân lại có bí quyết riêng để tạo ra nước gio. Trong đó, người dân Thượng Trì thường làm nước gio từ các loại cây, cỏ tự nhiên như cây dền gai, cây vừng, đậu tương… Các cây này được phơi khô, đốt lấy tro rồi ngâm trong nước cùng chút vôi trong khoảng 30 ngày. Nước gio lắng xuống, người làm bánh lọc lấy nước trong ngâm gạo nếp để gói. Bánh gio ăn nguội cùng mật mía vàng óng, thơm phức. Đó là thứ bánh không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người dân xã Liên Hồng nói riêng và cũng là món ăn được yêu thích của mỗi người dân Đan Phượng.

Gói bánh gio làng Thượng Trì, xã Liên Hồng.

Chiếc bánh gio vuông ở làng Thượng Trì.

Ở xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng còn có món cháo se thơm ngon với cách ăn lạ, gây thương nhớ. Ở nhiều nơi, cháo được ăn bằng thìa nhưng đến làng Hạ Mỗ, mọi người sẽ phải dùng đũa để thưởng thức món cháo se.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Việt, công chức văn hóa xã Hạ Mỗ, nguyên liệu để nấu cháo se khá đơn giản, thường chỉ là gạo tẻ và xương lợn. Thế nhưng, để chế biến món cháo se, người đầu bếp phải chuẩn bị khá nhiều công đoạn tỉ mỉ. Gạo tẻ loại ngon sau khi vo kỹ được ngâm nước khoảng 12 giờ cho mềm rồi xay thành bột nước. Bột này tiếp tục cho vào túi vải lọc nước để thu được bột dẻo mềm nhuyễn và trắng.

Nước dùng nấu cháo có thể được ninh từ bất kỳ phần xương nào, nhưng ngon nhất vẫn là xương đuôi. Xương sau khi được ninh nhừ sẽ có nước dùng ngọt thanh mà không bị ngấy. Khi đã có nước xương hầm, người làm sẽ cho từng phần bột nhỏ vào lòng bàn tay và se lại thành sợi to bằng đầu đũa rồi thả vào nồi nước dùng đang sôi. Công đoạn này khá mất thời gian nên thường có 2 đến 3 người cùng làm. Những sợi bột được se khéo léo thả trong nước đã sôi già nên chín nhanh mà không dính vào nhau. Thi thoảng, người nấu sẽ dùng đôi đũa dài, khuấy nhẹ để các sợi bột ngắt ra thành những đoạn ngắn, vừa miệng.

Ngoài ra, người Đan Phượng còn rất nhiều món ăn ngon. Đó là, bánh tẻ ở các xã: Liên Hà, Đan Phượng; nem Phùng; đậu Hồng Hà; kẹo lạc Song Phượng... Nhiều món ẩm thực đã đi vào ca dao: Giò Chèm, rượu Bá, nem Phùng/Ai chưa thưởng thức xin đừng khoe sang...

Nấu cháo se ở Hạ Mỗ.

Cháo se ăn bằng đũa thay vì thìa...

Tôn vinh ẩm thực địa phương

Theo ông Lưu Văn Vinh, người dân làng Thọ Vực, xã Đồng Tháp, món cá kho, cơm khuôn ở làng xuất phát từ Lễ Kỳ Phúc ở làng chài Thọ Vực.

Theo các cụ cao niên, làng Thọ Vực thờ 2 vị thành hoàng làng đó là Mộc Lạc Long Vương và Hà Bá Thủy quan. Hằng năm, làng có 2 ngày lễ hội là ngày 10 tháng Ba âm lịch và ngày Lễ Kỳ Phúc hay còn gọi là tiệc cơm cá diễn ra vào các ngày 19, 20 tháng Tám âm lịch. Lễ Kỳ Phúc được gọi là tiệc cơm cá bởi lễ vật chính được dâng lên thành hoàng làng vào ngày lễ là cá kho, cơm khuôn. Người dân Thọ Vực vốn làm chài lưới nên nghi lễ này là để cầu cho sông nhiều tôm cá, mùa màng tốt tươi, dân làng yên vui khỏe mạnh.

Để chuẩn bị cho ngày lễ, trước lễ khoảng 10 ngày, nhân dân thôn Thọ Vực đã đi đánh những con cá chép to. “Tiệc cơm cá” ở làng Thọ Vực là nét đẹp văn hóa tâm linh độc đáo. Lễ vật được dâng lên thành hoàng làng là sản vật quý của nông nghiệp và thủy sản. Đây là nét độc đáo được người dân làng Thọ Vực duy trì từ hàng trăm năm nay.

Còn tại xã Liên Hồng, bánh gio gắn liền với phiên chợ rất đặc biệt tại thôn Thượng Trì. Hằng năm, cứ vào ngày 27 tháng Chạp là ngày chợ phiên cuối cùng của năm, những người con gái làng Thượng Trì đi lấy chồng đều về chợ làng để mua cháo se và bánh gio biếu bố mẹ. Đây cũng là món ăn truyền thống trong ngày Tết và là quà Tết người Thượng Trì biếu người thân nơi xa...

Mỗi món ăn ngon ở Đan Phượng đều gắn với những câu chuyện văn hóa rất độc đáo. Trước đây, những món ăn ngon này chỉ những người dân làng làm để phục vụ bữa ăn của gia đình hoặc dịp lễ, Tết... nhưng hiện nay, nhiều hộ phát triển thành sản phẩm hàng hóa.

Tôn vinh văn hóa ẩm thực của địa phương, từ ngày 17 đến ngày 19-11-2023, tại khuôn viên miếu Hàm Rồng, đền Văn Hiến (xã Hạ Mỗ) và miếu Châu Trần (xã Hồng Hà), huyện Đan Phượng phối hợp Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội tổ chức Festival nông sản - văn hóa - ẩm thực - du lịch năm 2023.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng, Đan Phượng là vùng đất cổ chứa rất nhiều nét đẹp lịch sử, văn hóa. Festival là dịp để huyện quảng bá nét đặc sắc trong văn hóa - ẩm thực; trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, sinh vật cảnh, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - làng nghề tiêu biểu của huyện. Đặc biệt, với ẩm thực, đây là cơ hội để huyện Đan Phượng quảng bá món ăn ngon phục vụ người dân trên địa bàn và du khách tham quan, trải nghiệm...

Chỉ còn ít ngày nữa Festival sẽ diễn ra, người dân ở 16/16 xã, thị trấn của Đan Phượng vốn cần cù, khéo léo đang chuẩn bị rất nhiều món ăn đặc sắc để đưa tới lễ hội phục vụ người dân và du khách.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dan-phuong-moi-lang-mot-mon-an-ngon-647946.html