Đảm bảo quyền lợi cho người dân bị ảnh hưởng Tuyến đường bộ ven biển

Ngày 12/3, tại xã An Hòa Hải (huyện Tuy An), Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Tuyến đường bộ ven biển tỉnh Phú Yên, đoạn kết nối huyện Tuy An - TP Tuy Hòa (giai đoạn 1).

Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: THÚY HẰNG

Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh và Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phạm Thị Ngọc Tuyết chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có Chủ tịch UBND huyện Tuy An Huỳnh Gia Hoàng; Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Tuy An Đinh Hồng Nga; các chuyên gia, chủ đầu tư dự án và gần 300 đại biểu đại diện cho hơn 520 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án trên địa bàn xã An Hòa Hải.

An Hòa Hải là xã có nhiều hộ dân bị ảnh hưởng nhất bởi Tuyến đường bộ ven biển tỉnh Phú Yên, đoạn kết nối huyện Tuy An - TP Tuy Hòa (giai đoạn 1) có điểm đầu từ đường dẫn phía bắc cầu An Hải (xã An Ninh Đông, huyện Tuy An) và điểm cuối tại Trung tâm An điều dưỡng tàu ngầm (xã An Phú, TP Tuy Hòa), với hơn 520 hộ, gần 700 thửa, 45ha đất bị thu hồi.

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn đã thông tin đến người dân về sự cần thiết của dự án cũng như những tác động của dự án đến đời sống bà con. Vì sự phát triển chung của tỉnh và để bảo đảm cho quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dự án, đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đã định hướng những nội dung phản biện xã hội và mong nhận được sự hợp tác kịp thời, có trách nhiệm của người dân để dự án được triển khai thuận lợi.

Hội nghị ghi nhận 16 ý kiến tham gia phản biện xã hội, trong đó nhấn mạnh cần xem xét việc giải tỏa, bồi thường, tái định cư, nghề nghiệp cho những hộ dân bị giải tỏa nhà, mất đất sản xuất; việc phối hợp với địa phương nhằm bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông trong quá trình thi công dự án; quan tâm tính toán, xử lý thực trạng nền đường, hệ thống dẫn nước… Đặc biệt, cần nắm bắt, tâm tư nguyện vọng của các hộ dân có ảnh hưởng trực tiếp đến dự án, bởi đặc thù đời sống người dân của xã là đa dạng ngành nghề.

Cụ thể, đối với các hộ dân đã quen mưu sinh, kiếm sống bằng nghề kinh doanh, buôn bán thì khi di dời đến nơi ở mới cần bố trí ở những khu vực thuận lợi về giao thông, đông dân cư để họ tiếp tục kinh doanh, buôn bán. Tương tự, người dân sinh sống bằng các nghề có tính truyền thống gia đình (mưu sinh ven đầm, nuôi trồng thủy hải sản) hay chăn nuôi, trồng trọt cũng cần bố trí tái định cư phù hợp, tránh tình trạng bố trí không hợp lý, theo kiểu người ở vùng chăn nuôi, trồng trọt sang tái định cư vùng ven biển thì không thể duy trì sinh kế.

Người dân xã An Hòa Hải cũng đề nghị chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan cần khảo sát, xây dựng, phê duyệt giá cụ thể để làm cơ sở bồi thường về đất, cây trồng phù hợp, sát với giá thị trường tại thời điểm thu hồi đất... đảm bảo quyền lợi cho người dân cũng như tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân.

THÚY HẰNG

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/314160/dam-bao-quyen-loi-cho-nguoi-dan-bi-anh-huong-tuyen-duong-bo-ven-bien.html