Đảm bảo an toàn thực phẩm ở bếp ăn trường học

Cuối năm 2022, trên địa bàn TP. Nha Trang đã xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học khiến hơn 600 học sinh phải nhập viện, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Sau sự việc này, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại các bếp ăn trường học được các cấp, ngành tăng cường quản lý.

Tuân thủ quy trình, quy định

Những năm qua, Trường Mầm non 3-2 (Nha Trang) luôn xác định ATVSTP là khâu then chốt để thực hiện tốt công tác bán trú. Hiện nay, bếp ăn của trường có 5 nhân viên. Khi làm việc trong bếp, các nhân viên được trang bị đầy đủ đồng phục (quần áo, mũ, găng tay, khẩu trang), tuân thủ quy trình chế biến đảm bảo vệ sinh… Khuôn viên bếp được vệ sinh sạch sẽ, sắp xếp gọn gàng, đảm bảo quy tắc một chiều. Cùng với việc đảm bảo nguồn thực phẩm đầu vào tươi sống, có hóa đơn, xuất xứ, thời hạn sử dụng, đơn vị cung cấp rõ ràng, ở khâu kiểm thực 3 bước (sơ chế, trong quá trình chế biến, trước khi ăn) đều có sự giám sát của ban giám hiệu, ban thanh tra, y tế nhà trường và bếp ăn. Ngoài ra, nhà trường thường xuyên mời ban đại diện cha mẹ học sinh cùng tham gia giám sát. Cô Cao Thị Thanh Hà - Hiệu trưởng Trường Mầm non 3-2 cho biết: “Khi ngành tổ chức các lớp tập huấn về đảm bảo ATVSTP, nhà trường đều cử cán bộ và đại diện bếp ăn nhà trường tham gia, sau đó về tập huấn lại cho các thành viên có liên quan. Hàng tháng, nhà trường còn tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn về ATVSTP, xây dựng thực đơn mới… Trong đó, trường luôn nhắc lại các khâu, các quy định đảm bảo về ATVSTP”.

Nhân viên Trường Mầm non 3-2 vệ sinh bếp ăn của trường.

Ngay từ đầu năm học, Ban Giám hiệu Trường Mầm non Hương Sen (Nha Trang) đã thành lập Ban Quản lý bán trú để triển khai chỉ đạo, giám sát việc thực hiện ATVSTP xuyên suốt trong năm học. Nhờ đó, công tác đảm bảo ATVSTP được triển khai đúng quy định. Theo lãnh đạo nhà trường, nguồn thực phẩm được nhà bếp nhập hàng ngày đảm bảo tươi sống, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nhà trường luôn chú trọng và triển khai hàng ngày công tác kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thực phẩm. Cô Nguyễn Thị Hồng My - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Sen chia sẻ: “Hàng ngày, Ban Quản lý bán trú đều thực hiện kiểm tra, giám sát nguồn thực phẩm đầu vào. Nhà trường không sử dụng nguồn thực phẩm đông lạnh; tất cả thịt heo, bò, gia cầm phải có giấy kiểm nghiệm của thú y”.

Bữa ăn của trẻ tại Trường Mầm non 3-2.

Tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát

Thời gian qua, công tác bảo đảm ATVSTP trong trường học luôn được liên ngành Y tế - Giáo dục và đào tạo tỉnh quan tâm. Năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có hơn 600 trường mầm non, tiểu học, cơ sở giáo dục tổ chức bán trú. Để đảm bảo tốt công tác này, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường, bếp ăn bán trú thực hiện nghiêm túc các quy định về ATVSTP. Đồng thời, ngành Giáo dục và Đào tạo tăng cường phối hợp với Chi cục ATVSTP tỉnh, các trung tâm y tế kiểm tra các bếp ăn về việc chấp hành những quy định về ATVSTP. Từ đầu năm đến nay, chi cục đã thành lập 8 đoàn kiểm tra, giám sát tại 69 cơ sở về thực hiện các quy định về ATVSTP. Qua đó, đã phát hiện và xử phạt một số cơ sở vi phạm. Cùng với việc kiểm tra, giám sát, chi cục đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn về ATVSTP cho gần 810 người phục vụ bếp ăn ở các trường học. Ông Nguyễn Đinh Hùng- Trưởng phòng Nghiệp vụ - Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: “Triển khai công tác đảm bảo ATVSTP của ngành năm 2023, chi cục đã chỉ đạo phòng y tế chủ trì, phối hợp với trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra những cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý; đồng thời chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh truyền thông về ATVSTP. Song song đó, các đơn vị có liên quan tổ chức tập huấn kiến thức ATVSTP cho bếp ăn bán trú ở các trường học”.

Để làm tốt công tác ATVSTP trong thời gian tới, ngoài triển khai công tác tuyên truyền, cơ quan quản lý và các doanh nghiệp, đơn vị có bếp ăn tập thể cần có sự phối hợp chặt chẽ. Đồng thời, cơ quan quản lý cần có các chế tài xử lý đủ sức răn đe để việc đảm bảo ATVSTP trở thành văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Nhằm chủ động ứng phó, cấp cứu, điều tra và xử lý kịp thời, giảm thiểu thiệt hại, hậu quả tác động sức khỏe do ngộ độc thực phẩm gây ra trên nguyên tắc cơ động, phối hợp, thống nhất trong chỉ đạo, UBND tỉnh đã ban hành phương án “Ứng phó với ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa”. Phương án xây dựng 3 tình huống với các phương án xử lý cụ thể, gồm: Tình huống vụ ngộ độc thực phẩm có số người mắc dưới 30 người, không có trường hợp tử vong; tình huống vụ ngộ độc thực phẩm có số người mắc từ 30 người trở lên, hoặc có trường hợp tử vong; tình huống vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại các doanh nghiệp trong khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Hiền Ly

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202304/dam-bao-an-toan-thuc-pham-o-bep-antruong-hoc-6283873/