Cứu sống một bệnh nhân ngưng tim sau cơn đau tức ngực

Thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh viện này tiếp nhận bệnh nhân nam, 48 tuổi vào viện trong trạng thái hôn mê sâu, tim ngừng đập.

Theo người nhà kể, trước đó bệnh nhân cảm thấy hồi hộp liên tục, đau tức ngực dữ dội.

Các bác sĩ Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiến hành hồi sinh tim phổi nâng cao, bóp bóng, ép tim ngoài lồng ngực khẩn trương, điện tim cấp cứu có hình ảnh rung thất, đã được bác sĩ sốc điện, kết hợp hồi sinh tim phổi tích cực, sau lần sốc điện thứ 3 tim mới đập trở lại.

Các bác sĩ đang tìm cách cứu sống bệnh nhân (ảnh bệnh viện 108).

Bệnh nhân tiếp tục được điều trị tích cực và tìm nguyên nhân. Sau đó, bệnh nhân được chẩn đoán trạng thái sau hồi sinh tim phổi do rung thất và chuyển khoa Hồi sức tim mạch.

Các bác sĩ khoa Hồi sức Tim mạch đã thực hiện kỹ thuật triệt đốt đường dẫn truyền phụ trong hội chứng bệnh lý rối loạn nhịp tim xảy ra khi có thêm một đường dẫn điện phụ theo chiều xuôi từ tâm nhĩ xuống tâm thất, gây ra nhịp tim nhanh, rung thất.

TS.BS Đỗ Thành Hòa, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, Hội chứng Wolff-Parkinson-White (WPW) là bệnh lý rối loạn nhịp tim xảy ra khi có thêm một đường dẫn điện phụ theo chiều xuôi từ tâm nhĩ xuống tâm thất, gây ra nhịp tim nhanh, rung thất.

Triệu chứng chủ yếu của hội chứng WPW là những cơn mệt đột xuất, cảm giác hồi hộp không nguyên nhân, đánh trống ngực, ngất xỉu đột ngột.

Khi có các triệu chứng nêu trên, bệnh nhân cần đi kiểm tra điện tâm đồ và điều trị sớm để tránh các biến chứng nguy hiểm như hạ huyết áp, suy tim và đột tử.

Biểu hiện của hội chứng WPW trên lâm sàng là những cơn nhịp nhanh, xảy ra bất kỳ. Người bệnh đột nhiên cảm thấy hồi hộp, đánh trống ngực, đau tức ngực, chóng mặt, khó thở, ngất.

Các triệu chứng cũng dễ xảy ra sau khi bệnh nhân có gắng sức, uống rượu bia hoặc dùng một số các chất kích thích khác.

Ở trẻ em, các cơn nhịp nhanh xuất hiện khiến trẻ bỏ ăn, quấy khóc, khó thở, tím tái và có thể thấy dấu hiệu mỏm tim đập nhanh ngay dưới ngực trái. Điện tâm đồ ở những bệnh nhân này thấy hình ảnh điển hình của hội chứng WPW.

Bệnh nhân thường đi khám bệnh với những biểu hiện trên và được chẩn đoán qua điện tim thông thường, một số trường hợp bệnh nhân có thể được phát hiện bằng điện tâm đồ liên tục (holter).

Tuy nhiên, một số trường hợp nặng có thể được phát hiện khi đến viện với biểu hiện tụt huyết áp, ngừng tim.

Thường xuyên theo dõi tim mạch, trấn an và tư vấn thích hợp là phương pháp điều trị chính cho những bệnh nhân có nguy cơ thấp trong khi đốt đường dẫn truyền phụ trong hội chứng WPW bằng năng lượng sóng tần số radio điều trị dứt điểm cho những bệnh nhân có nguy cơ cao, bác sĩ Hòa khuyến cáo.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cuu-song-mot-benh-nhan-ngung-tim-sau-con-dau-tuc-nguc-post238493.html