Cuộc chiến nước mắm: Người tiêu dùng được lợi gì??

ANTT.VN – Sau “cuộc chiến” truyền thông trong lĩnh vực nước giải khát, giữa một bên là “Number one có ruồi” và một bên là “C2, Rồng Đỏ nhiễm chì” thì nay lại đến cuộc chiến giữa nước chấm công nghiệp và nước mắm truyền thống. Vấn đề căn bản là sau những cuộc chiến này thì người tiêu dùng được lợi gì?

Chiều 17/10, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố kết quả khảo sát nước mắm trên toàn quốc. Theo đó, có đến 101/150 mẫu của 88 thương hiệu nước mắm được khảo sát có hàm lượng asen (thạch tín) vượt ngưỡng cho phép.

Đáng chú ý là 95,65% nước mắm có độ đạm càng cao thì chứa thạch tín càng nhiều.

Công bố này được coi là đòn chí tử giáng vào cả một ngành sản xuất nước nắm truyền thống từ Nam chí Bắc (theo thống kê hiện nay, thị phần nước mắm truyền thống chỉ đạt 24% thị phần nước mắm của cả nước).

Và trong thời đại mà nhà nhà làm báo, người người làm báo như hiện nay thì thông tin trên có tốc độ di chuyển nhanh như ánh sáng, ngày hôm qua và sáng hôm nay, nhiều hãng nước mắm lao đao vì đối tác dọa trả hàng, người tiêu dùng quyết định ngừng tiêu thụ sản phẩm này để chờ kết luận chính thức từ Bộ Y tế.

Trước đó, một tờ báo uy tín đã công bố thông tin trong loạt bài công kích vào 76% thị phần nước mắm còn lại – những thương hiệu nước chấm công nghiệp giá rẻ, dễ ăn mà lâu nay người tiêu dùng Việt Nam vẫn dễ dãi chấp nhận. Theo đó, công thức của loại nước chấm công nghiệp này bao gồm muối, đường, tinh chất cá cộng với 17 loại hóa chất khác nhau.

Người tiêu dùng hoang mang khi chọn nước mắm cho gia đình (ảnh minh họa)

Một điều dễ nhận thấy là hiện nay thị trường nước chấm công nghiệp của Việt Nam đang được một đại gia trong nước nắm giữ. Báo cáo thường niên năm 2015 của hãng thực phẩm này cũng cho thấy hai nhãn hiệu của họ đang nắm giữ 65% thị phần nước mắm của cả nước.

Từ vụ nước chấm công nghiệp bị phanh phui rồi ngay sau đó có cuộc khảo sát đột ngột nhắm vào nước mắm truyền thống khiến dư luận cho rằng đòn chí tử giáng vào nước mắm truyền thống vừa rồi là có bàn tay chi phối của đại gia thực phẩm nọ.

Và niềm tin này được củng cố hơn từ sau phát ngôn của ông Vương Ngọc Tuấn – Phó tổng thư ký Vinastas với báo chí sáng nay, trong đó ông Tuấn xác nhận Vinastas được tài trợ để thực hiện cuộc khảo sát này.

Ông Vương Ngọc Tuấn - Phó tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng VN

Hai vấn đề này có liên quan gì đến nhau? Vì sao Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng – một cơ quan độc lập bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng lại phải nhận tài trợ để khảo sát hàng hóa vì người tiêu dùng? Ai là người tài trợ và họ được lợi gì trong vụ việc này?

Mặt khác, trong công bố nói rõ đa số asen phát hiện trong các mẫu nước mắm đem đi thử nghiệm là asen hữu cơ (thành phần có sẵn trong cá và không độc hại gì, khác với asen vô cơ gây độc), thế thì người tiêu dùng có quyền hỏi Hội này: đã không độc hại thì mục đích công bố để làm gì? Có phải càng làm rối loạn thêm tình hình hay không?

Đó là chưa nói đến chi tiết: chỉ lấy 150 mẫu nước mắm đi xét nghiệm, (mà chỉ xét nghiệm asen chứ không xét nghiệm các hóa chất độc hại khác), kết luận đa số là asen hữu cơ rồi lại trấn an dư luận: cứ yên tâm sử dụng – như vậy liệu có vội vã phiến diện hay không?

Đó là chưa nói đến chi tiết: Theo Khoản d – Điều 28 - Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 thì Vinastas có quyền “Độc lập khảo sát, thử nghiệm; công bố kết quả khảo sát, thử nghiệm chất lượng hàng hóa, dịch vụ do mình thực hiện; thông tin, cảnh báo cho người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thông tin, cảnh báo của mình; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.

Thế thì vì lý do gì mà Hội này lại không minh bạch công bố chi tiết kết quả khảo sát của mình mà lại trả lời là chỉ công bố khi cơ quan chức năng yêu cầu, và doanh nghiệp nước mắm nào muốn biết thì liên hệ với Vinastas, Vinastas sẽ giải đáp??

Đó là những câu hỏi lớn đang được dư luận đặt ra cho Vinastas.

Còn nhớ cách đây không lâu, vụ việc con ruồi trong chai nước tăng lực Number One của hãng Tân Hiệp Phát đã khiến hãng này lao đao vì mất thị phần, người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm. Rồi sau đó lại đến vụ việc 2 lô C2 và Rồng đỏ của hãng URC nhiễm chì đến nay chưa giải quyết xong khủng hoảng truyền thông, doanh nghiệp vẫn đang chênh vênh tìm cách níu giữ thị phần, lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.

Kết quả ai hưởng lợi thì biết rồi nhé!

Vẫn biết trong kinh doanh thương mại, sự cạnh tranh, bao gồm cả lành mạnh và không lành mạnh là không thể tránh khỏi. Song vấn đề là sau những cuộc chiến này thì người tiêu dùng được lợi gì? Hay là họ chỉ càng ngày càng bị nhiễu loạn thông tin, không còn tin tưởng vào cái gì, quyết định tẩy chay đầy cảm tính khiến nhiều doanh nghiệp và nông dân, ngư dân khốn đốn, tạo điều kiện cho các đối thủ kém năng lực thừa tiểu xảo được dịp lớn mạnh mà cuối cùng thông tin về hàng hóa chất lượng vẫn… mịt mù!

Xin thưa với Vinastas!

Mong các ông hãy mạnh mẽ hơn, rõ ràng minh bạch hơn trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hãy độc lập khảo sát, không dùng tiền tài trợ (hoặc nếu dùng thì công khai đơn vị tài trợ), khảo sát xong thì minh bạch công bố để tất cả mọi người được biết, tránh nhiễu loạn thông tin. Đó là trong trường hợp có thông tin để công bố, còn công bố mập mờ gây hoang mang dư luận xong lại trấn an là cứ yên tâm dùng thì người tiêu dùng chả được ích lợi gì mà nhiều người nhiều nhà sản xuất “phá sản oan”, các ông ạ!

HÀN.

Nguồn ANTT: http://antt.vn/cuoc-chien-nuoc-mam-nguoi-tieu-dung-duoc-loi-gi-0122213.html