Cùng các con khám phá di sản văn hóa trong dịp Tết Thiếu nhi 1/6

Nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi mùng 1 tháng 6, trong hai ngày 27, 28/5, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức sự kiện 'Tết Thiếu nhi: Cùng con khám phá di sản văn hóa', với nhiều hoạt động trải nghiệm, trò chơi dân gian hấp dẫn.

Đến tham quan Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam vào cuối tuần này, các em nhỏ cùng với bậc phụ huynh được tham gia trải nghiệm nhiều hoạt động ý nghĩa như: Múa rối độc diễn đương đại - giao lưu cùng nghệ sĩ Dương Văn Học; Sáng tạo cùng con - cùng vẽ màu dân tộc; Khám phá di sản qua công nghệ VR Tour: Chùa Một Cột - Diên Hựu; Trải nghiệm nhập vai: Xuyên không cùng con; STEM: Kết nối di sản và khoa học…

Bên cạnh đó, các em nhỏ còn có cơ hội khám phá: Tìm hiểu nguyên liệu dệt vải, tranh Đông Hồ, nhạc cụ dân tộc và âm nhạc truyền thống, xem phim về văn hóa các nước và múa rối nước dân gian... Ngoài ra, các em nhỏ cũng có cơ hội hòa mình vào một số trò chơi dân gian các nước như: Nhảy dây thừng (Indonesia, Việt Nam), đi goòng (Hàn Quốc, Việt Nam, Thái Lan), chồng nụ chồng hoa (Myanmar, Việt Nam, Philippines), kéo co, rồng rắn lên mây...

Khách tham quan thưởng thức nghệ thuật trình diễn múa rối nước tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Chia sẻ với báo chí, Tiến sĩ Bùi Ngọc Quang, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho biết: “Thông qua việc tổ chức đa dạng hoạt động, tăng cường các trải nghiệm, khuyến khích sự tham gia của cha mẹ cùng các con, chương trình mong muốn các bạn nhỏ không chỉ có cơ hội tìm hiểu, khám phá văn hóa các dân tộc Việt Nam và thế giới mà còn giúp phát triển tư duy, khả năng sáng tạo và kỹ năng giao tiếp.

Đây cũng chính là món quà nhỏ của Bảo tàng muốn tặng các em sau những ngày học tập mệt mài. Qua đây chúng tôi hy vọng các em tăng cường hiểu biết và trân trọng các tri thức dân gian. Từ đó thế hệ trẻ có ý thức bảo vệ và gìn giữ di sản văn hóa của cha ông".

Nghệ sĩ Dương Văn Học - người dành tình yêu đặc biệt đối với rối cạn và với trẻ nhỏ cho biết: “Những con rối này là sự kết tinh giữa văn hóa Nhật Bản và Ấn Độ, nhưng lại sử dụng điệu múa và hình hài cũng như tâm hồn văn hóa Việt Nam. Mỗi chú rối ra đời tại đây đã được biến hóa có tâm hồn và gắn với hàng chục câu chuyện cổ tích của Việt Nam và thế giới. Tôi muốn những câu chuyện cổ tích, nhưng nhận vật hoạt hình dân gian Việt Nam sống mãi trong tuổi thơ của con trẻ”. Ông hy vọng mình có nhiều sức khỏe để cống hiến cho nền múa rối nước nhà, và mong muốn múa rối Việt ngày càng phát triển, xác lập được vị trí của mình trên thế giới.

Tham quan Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, du khách còn được tìm hiểu về làng nghề thủ công. Đây là cơ hội để chiêm ngưỡng sự khéo léo và tài hoa của các nghệ nhân, thợ thủ công khi dệt chiếu, dệt thổ cẩm, đan lát mây tre, làm gốm, khoan nòng súng, làm giấy dó, làm đồ chơi dân gian, in tranh Đông Hồ.

Chị Nguyễn Nhung (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đến tham gia sự kiện ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chia sẻ rằng: "Tôi vốn là người thích tìm hiểu về văn hóa Việt Nam và các nước khu vực Đông Nam Á, nên hễ có thời gian rảnh là tôi lại đến tham quan, khám phá Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam bởi đây là cầu nối văn hóa truyền thống với hiện đại. Tôi rất thích các trò chơi dân gian tại đây, bởi nó giúp trẻ phát triển trí tuệ, phát triển vận động và thân thiện với môi trường, thông qua đó trẻ được phát triển toàn diện".

“Hoạt động giáo dục di sản của Bảo tàng Dân tộc học rất ý nghĩa và mang lại nhiều giá trị tinh thần, tôi sẽ rất tự hào khi giới thiệu với bạn bè quốc tế về những nét đặc sắc của văn hóa dân tộc Việt Nam. Di sản là phần đặc biệt quan trọng tạo nên truyền thống văn hóa, là linh hồn của mỗi dân tộc. Sẽ thật khập khiễng nếu chúng ta chỉ chú trọng phát triển kinh tế mà thiếu đi vai trò của di sản văn hóa”, chị Nhung nói thêm.

Đặc biệt, sự kiện lần này có sự tham gia và hướng dẫn trực tiếp của các bạn học viên Myanmar, Campuchia, Lào, Mozambique, Thái Lan, Triều Tiên đến từ Học viện Khoa học quân sự Việt Nam. Qua đây, góp phần phát huy vai trò của chủ thể văn hóa, khuyến khích tìm hiểu và giới thiệu văn hóa các nước.

Thông qua hoạt động, trò chơi, các bạn nhỏ cũng được khám phá những nét tương đồng và khác biệt giữa văn hóa, trò chơi của Việt Nam với các nước. Đây chính là cơ hội giúp các em tăng cường hiểu biết về văn hóa truyền thống của đất nước cũng như khu vực, để từ đó biết trân trọng di sản của các dân tộc trên thế giới.

Sự kiện “Tết Thiếu nhi: Cùng con khám phá di sản văn hóa” diễn ra trong hai ngày cuối tuần 27 và 28/5 tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, số 1 đường Nguyễn Văn Huyên, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.

Một số hình ảnh sự kiện “Tết Thiếu nhi: Cùng con khám phá di sản văn hóa” tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Nghệ sĩ rối đương đại Dương Văn Học trình diễn rối độc thoại phục vụ các em nhỏ.

Các em nhỏ tham gia trò chơi kéo co tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Du khách tham quan thích thú trải nghiệm các hoạt động tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Các em nhỏ trải nghiệm trò chơi ném mũi tên.

Các em nhỏ tham gia trò chơi nhảy bao bố.

Trò chơi nhảy dây.

Ngoài ra, du khách tham quan còn được trải nghiệm mặc Hanbok (Hàn Quốc) tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (tiếng Anh: Vietnam Museum of Ethnology) là tổ chức sự nghiệp trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, có chức năng nghiên cứu khoa học, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, phục chế hiện vật và tư liệu về các dân tộc; tổ chức trưng bày, trình diễn và những hình thức hoạt động khác nhằm giới thiệu, phổ biến và giáo dục về các giá trị lịch sử, văn hóa của các dân tộc trong và ngoài nước; cung cấp tư liệu nghiên cứu về các dân tộc cho các ngành; đào tạo cán bộ nghiên cứu, nghiệp vụ, quản lý về nhân học bảo tàng. Bảo tàng tọa lạc tại đường Nguyễn Văn Huyên, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, cạnh đường Nguyễn Khánh Toàn và đối diện công viên Nghĩa Đô.

Tin và ảnh: Trung Nguyễn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cung-cac-con-kham-pha-di-san-van-hoa-trong-dip-tet-thieu-nhi-1-6-post249376.html