Cột mốc văn hóa Việt trên Quần đảo Trường Sa

LCĐT – Sau khi đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, dựa vào dấu tích lịch sử trên các đảo nổi ở Quần đảo Trường Sa, người dân cả nước đã góp công sức, tiền của để xây dựng các ngôi chùa. Ở nơi đầu sóng ngọn gió, những ngôi chùa trở thành cột mốc văn hóa tâm linh vững chãi.

Chùa Song Tử Tây trên đảo Song Tử Tây không chỉ là một công trình kiến trúc văn hóa mà còn là chốn tâm linh để ngư dân, quân và dân trên đảo ngưỡng vọng, cầu bình an.

Tọa lạc giữa lòng đảo, chùa Song Tử Tây được xây dựng theo phong cách truyền thống văn hóa Việt. Chùa có tam quan hai tầng tám mái, chính điện ba gian hai chái, hai nhà tả hữu vu; cổng chính, cửa tam quan nhìn ra biển. Ở phía ngoài, chính điện có hai câu đối được sơn son thếp vàng, viết bằng chữ quốc ngữ: “Quần đảo huy hoàng chất ngất biển Đông ngời thắng cảnh/Chùa chiền sừng sững nguy nga đất Việt nổi danh lam”. Điều này khẳng định chủ quyền bền vững có từ xa xưa của dân tộc Việt Nam trên vùng biển, đảo Trường Sa và đây mãi mãi là một phần máu thịt, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Bên trên cùng là Phật điện được trần thiết uy nghi với những pho tượng được chế tác công phu bằng đá quý và gỗ quý. Trong chùa, phía bên phải sân chùa có điện thờ và ban thờ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Sau khi thắp hương lễ Phật, chúng tôi được sư thầy Thích Nhật Anh, trụ trì chùa Song Tử Tây đưa đi tham quan, vãn cảnh chùa. Sư thầy Thích Nhật Anh cho biết: Chùa Song Tử Tây tọa lạc trên hòn đảo được coi là xa nhất của Quần đảo Trường Sa. Đây cũng là ngôi chùa lớn nhất ở Trường Sa và có kiến trúc đặc biệt (có kiểu bố trí mặt bằng không gian the chữ Công (工)), đậm nét văn hóa Phật giáo Việt Nam. Theo sử sách ghi lại, không biết tự bao giờ, ngay tại nơi chùa Song Tử Tây tọa lạc, những ngư dân Việt đã dựng một ngôi miếu nhỏ để thờ thần, Phật. Mỗi lần ra khơi đánh cá, họ lại lên đảo thắp hương lễ Phật. Những năm gần đây, phật tử trong cả nước và những ngư dân ở Quần đảo Trường Sa đã đóng góp và trùng tu, xây dựng chùa khang trang, to đẹp như hôm nay.

Chùa Song Tử Tây uy nghi, trầm mặc, là ngôi chùa lớn nhất ở Trường Sa.

Chùa là nơi lui tới thường xuyên của quân, dân đang sinh sống, làm việc trên đảo. Ngoài ra, ngư dân khi ra khơi đánh cá cũng thường ghé qua thắp hương cầu nguyện. Ngày mùng 1, ngày rằm, tết… người dân trên đảo đều đến chùa để cầu mưa thuận, gió hòa, đất nước phồn vinh, thái hòa và gia đình yên ấm, hạnh phúc. Giữa ầm ào sóng gió Biển Đông, tiếng chuông chùa ngân vọng khiến lòng người lắng lại, bình yên đến lạ.

Chùa Sinh Tồn Đông - trấn giữ nơi đầu sóng

Đảo Sinh Tồn Đông nằm trên cụm đảo Sinh Tồn, là cụm đảo ở tuyến đầu của Quần đảo Trường Sa, quanh năm sóng gió dữ dằn càn qua đảo. Đặc biệt, đảo nằm đối diện với bãi Ba Đầu và bãi Huy Gơ, nơi thường bị các thế lực ngoại bang nhòm ngó, quấy nhiễu. Chính vì thế, chùa Sinh Tồn Đông được xây dựng ngay bên bờ biển để trấn sóng gió và khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng, bất khả xâm phạm của Việt Nam.

Tiếp chúng tôi bên sảnh sân chùa, sư trụ trì Thích Lệ Quang cho hay: Ngay tại vị trí chùa tọa lạc, từ thời vua Gia Long đã cho người đến đây dựng cột mốc và lập các ngôi miếu thờ thần, chùa thờ Phật để ngư dân mỗi khi đi biển đến thắp hương cầu mong mưa thuận, gió hòa, sóng yên, bể lặng. Khi đất nước thống nhất, chùa được xây dựng to đẹp và khang trang. Đến năm 2018 thì chùa được trùng tu, nâng cấp. Hiện nay, khuôn viên của chùa có diện tích khoảng 500 m2, gồm cổng tam quan, chính điện và một nhà tăng.

Chính điện chùa Sinh Tồn Đông là nhà năm gian theo kết cấu chữ Đinh (丁), mái nghiêng, lợp ngói và vút cong đầu đao giống kiến trúc đặc trưng của các ngôi chùa Việt trên mọi miền Tổ quốc. Chính giữa thờ ban bệ Phật giáo Bắc Tông, ban chính gồm bộ Tam thế Phật (Quá khứ, Hiện tại, Vị lai). Tiếp đến bộ Tam thánh (Quan Âm, Thế Chí, Phật A Di Đà), sau cùng là bộ Hoa nghiêm (A Nan, Ca Diếp và Đức Phật Thích Ca). Hai bên chính điện có 2 vị thần Thiện – Ác canh giữ.

Theo quan sát của chúng tôi, tất cả tên chùa, hoành phi, các bức đại tự, đôi câu đối đều sử dụng chữ tiếng Việt. Bát hương và đồ thờ trong chùa đều được in Quốc huy của Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Hai chữ “Từ bi” – “Hùng lực” trên 2 lối vào của mỗi tam quan thể hiện tinh thần độc lập, tự cường, hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam.

Cũng theo Sư trụ trì Thích Lệ Quang , do đảo Sinh Tôn Đông nằm ở vị trí thường đón sóng to, gió lớn và hay bị giặc ngoại bang nhòm ngó nên ngay từ khi đặt nền móng, cha ông ta đã chọn vị trí ngay bên bãi biển và mặt chính quay ra biển để trấn trị.

Sư trụ trì chùa Sinh Tồn Đông Thích Lệ Quang trò chuyện cùng phóng viên.

“Còn nhớ vào giữa tháng 12/2021, khi cơn bão số 9 đổ bộ vào quần đảo Trường Sa với sức gió giật trên cấp 17. Khi ấy, sóng biển cao ngang mái chùa đánh từ ngoài vào đảo Sinh Tồn Đông làm cho cây cối trên đảo đổ rạp hết, nhưng chùa và các hạng mục khác trên đảo vẫn bình an vô sự” - Sư trụ trì Thích Lệ Quang nói.

Đưa chúng tôi đi vãn cảnh trong chùa và các điểm tâm linh trên đảo, Trung tá Nguyễn Minh Phòng, cán bộ công tác tại đảo, kể: Vào những dịp ngày rằm, mùng một hay lễ tết, tôi và nhiều người dân trên xã đảo này đều đến chùa thắp hương lễ Phật, gửi gắm những ước nguyện tốt đẹp, cầu mong gia đạo bình an, cán bộ chiến sỹ luôn mạnh khỏe.

Điều đặc biệt ở chùa Sinh Tồn Đông là chuông chùa được nghệ nhân tỉnh Thừa Thiên Huế đúc, trên thân khắc bài “Minh Chung” bằng tiếng Việt và Quốc huy của Việt Nam. Chuông có 4 gù đại diện cho 4 tiết (xuân, hạ, thu, đông), mỗi gù có thể phát ra một âm thanh khác nhau. Mỗi sớm, mỗi chiều khi tiếng chuông ngân quân và dân trên đảo cảm thấy nhẹ nhàng và bình yên. Chùa Sinh Tồn Đông cũng như một ngôi chùa ở bất kỳ ngôi làng Việt nào khác, đều là một nơi trấn trạch, tạo sự bình yên cho ngôi làng đó trước, rồi xa hơn là địa phương và quốc gia.

Theo nữ Nhà văn Phan Mai Hương, Hội viên Hội văn học Việt Nam, thành viên đoàn công tác của chúng tôi – người đã từng đến chiêm bái nhiều ngôi chùa trên Quần đảo Trường Sa, chia sẻ: Hiện nay, trên quần đảo Trường Sa đã có 9 ngôi chùa được xây dựng. Hình ảnh những ngôi chùa uy nghiêm, sừng sững trên các đảo tiền tiêu không chỉ minh chứng cho truyền thống văn hóa tín ngưỡng ngàn đời của người Việt hiện diện nơi trùng khơi, mà còn là biểu tượng hồn thiêng sông núi, là cột mốc văn hóa nơi hải đảo, khẳng định và củng cố vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc Việt Nam.

Ai đã ra quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc, đều không khỏi xúc động và dành những giây phút tịnh tâm để hướng đến những ngôi chùa - cột mốc văn hóa Việt trên biển Đông. Giữa biển khơi mênh mông, những ngôi chùa bình yên mang nét đẹp văn hóa riêng của người Việt và thể hiện tình yêu nồng nàn của Nhân dân cả nước với vùng đất đầu sóng ngọn gió này, tiếp thêm sức sống mãnh liệt, bồi đắp thêm quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tin liên quan

Đảo Sinh Tồn Đông rộn ràng chuẩn bị đón Tết Quý Mão “Mắt thần” trên đảo Song Tử Tây Đoàn công tác chúc tết cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân đảo Song Tử Tây

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/cot-moc-van-hoa-viet-tren-quan-dao-truong-sa-post367068.html