Chiêm ngưỡng trên 300 cổ vật quý hiếm qua các thời kỳ ở Bảo tàng Hải Phòng

Trưng bày 'Bảo vật quốc gia - Sưu tập An Biên' là một trong những sự kiện nổi bật nhân dịp Lễ hội Hoa phượng đỏ Hải Phòng 2024 với chủ đề 'Hải Phòng bừng sáng miền di sản'. Trên 300 cổ vật quý hiếm qua các thời kì, triều đại, trong đó có 18 Bảo vật quốc gia được trưng bày tại Bảo tàng Hải Phòng, mở cửa miễn phí đón người dân, du khách tới chiêm ngưỡng.

Trên 300 cổ vật được trưng bày, kết hợp ánh sáng theo phong cách hiện đại. Hiện vật được sắp đặt theo không gian văn hóa, mang dấu ấn văn hóa nghệ thuật minh chứng tư duy, thẩm mỹ, óc sáng tạo và đôi tay khéo léo của con người qua từng vương triều, giai thời trong quá khứ.

Nhân dịp Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2024, Hải Phòng cũng trưng bày 21 bảo vật của Hải Phòng. Trong đó, bộ sưu tập An Biên của doanh nhân Trần Đình Thăng có 18 cổ vật được công nhận là Bảo vật quốc gia vào các năm 2021, 2022 và 2023.

Năm 2021, 9 hiện vật gốm men trắng triều Lý (thế kỷ XI-XIII) gồm 4 ấm, 2 liễn và 3 đĩa nằm trong bộ sưu tập An Biên được công nhận bảo vật quốc gia.

Cặp đài đồng đốt trầm (bộ sưu tập An Biên) có từ thế kỷ XVI là bảo vật quốc gia, cao 44,5 cm, nặng 3,25 kg, thường được đặt trên hương án trong nội điện. Đài có bệ hình đài sen lục giác, nắp đài tọa hình con nghê ngồi chầu. Khi đốt trầm, khói theo thân nghê tỏa ra từ miệng, mũi, tạo sự linh thiêng.

Ba bảo vật trong bộ sưu tập An Biên được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2023 gồm: Bình gốm hoa nâu (hiện vật tiêu biểu cho sự phát triển đỉnh cao kỹ nghệ gốm thời Lý), Bình đồng Đông Sơn (có niên đại thế kỷ II-I trước, sau Công nguyên) và Lư hương gốm men lam xám (là độc bản, khối hình đẹp và còn khá nguyên vẹn).

Hộp bạc khắc họa tiết rồng thuộc bộ Kim phẩm vằng vàng, bạc trong thánh cung của đền Nghè (quận Lê Chân, TP Hải Phòng) được Bảo tàng Hải Phòng lưu giữ, bảo quản và tiếp nhận vào tháng 2/2024, lần đầu tiên được công bố và đưa ra trưng bày tại Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2024.

Đây là bộ hiện vật có giá trị và ý nghĩa to lớn đối với người dân Hải Phòng, gắn liền với tín ngưỡng thờ nữ tướng Lê Chân, người đặt nền móng hình thành nên TP Hải Phòng ngày nay, được nhân dân suy tôn là Thánh Mẫu, Thành hoàng của thành phố.

Trong 61 kim phẩm này có bộ sưu tập cổ vật bằng vàng mới được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trao lại cho Bảo tàng Hải Phòng.

Tượng gõ nhạc cụ bằng đồng thuộc giai đoạn văn hóa Đông Sơn.

Ấm đầu lạc đà, đuôi rồng, chân tượng thú, hoa văn trang trí đúc nối thuộc thế kỷ I.

Đĩa đốt dầu thời Trần, tráng men hoa nâu với phần treo dây bấc hình cá chép.

Tượng Phật làm bằng gỗ quý ngọc am được tạo tác chuẩn mực theo tư tưởng và dạng thức Phật giáo Đại thừa. Tượng tô nhiều màu trên lớp thếp vàng mang phong cách nghệ thuật Trung Hoa giai đoạn thế kỉ XVII – XIX có giá trị cao cả nghệ thuật và văn hóa tâm linh.

Bộ sưu tập gốm sứ thời nhà Lê (thế kỷ XV - XVI) gồm các bình, tích tạo hình nhiều con vật độc đáo.

Hiện vật gốm trong sưu tập An Biên với đầy đủ loại hình tiêu biểu, độc đáo trải dài suốt chặng đường phát triển đỉnh cao của gốm Đại Việt.

Hộp có nắp - pháp lam Huế triều Nguyễn (thế kỷ XIX) có cốt được làm bằng đồng, bên ngoài tráng men cùng trang trí họa tiết nhiều màu đặc sắc.

Ấm có nắp mang đặc điểm: tay cầm dài hình dóng trúc (cổ vật Đại Việt), vai đúc nổi băng cánh sen kép và nhũ đinh, patin màu đồng cồ.

Trong khuôn khổ của Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024, “Hải Phòng – bừng sáng miền di sản”, sự kiện trưng bày các cổ vật là dịp để Hải Phòng giới thiệu đến đông đảo công chúng, khách tham quan trong nước và quốc tế về ý nghĩa, giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi hiện vật được trưng bày, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

CTV Huyền Chi/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/di-san/chiem-nguong-tren-300-co-vat-quy-hiem-qua-cac-thoi-ky-o-bao-tang-hai-phong-post1094608.vov