Công bố quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 – 2030

n năm 2030, tỉnh Sóc Trăng phấn đấu là một trong những tỉnh phát triển khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Sóc Trăng.

Ngày 9/10, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã đến dự Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tham dự còn có các đồng chí: Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sóc Trăng cùng một số tỉnh, thành ĐBSCL; các tập đoàn, doanh nghiệp và nhà đầu tư…

Ngày 25/8/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 995/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Mục tiêu của quy hoạch, đến năm 2030, tỉnh Sóc Trăng phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của ĐBSCL. Đến năm 2050, Sóc Trăng là trung tâm đầu mối lớn về hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, dịch vụ logistics của vùng ĐBSCL; là cửa ngõ chính ra biển Đông của các tỉnh trong vùng, đặc biệt là cực phát triển trung chuyển lớn trong hành lang kinh tế Đông - Tây, với cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cảng nước sâu Trần Đề.

Tại Hội nghị, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho rằng, để thực hiện quy hoạch, tỉnh triển khai các đột phá phát triển như huy động mọi nguồn lực ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng có tính chiến lược, lan tỏa, trọng tâm là hạ tầng giao thông, cảng biển, các khu kinh tế ven biển, khu cụm công nghiệp; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, nâng cao năng lực chuyên môn cán bộ; phấn đấu đến năm 2030 cơ bản hoàn thành chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển nguồn nhân lực gắn với ứng dụng khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ xây dựng Kế hoạch cụ thể, có tính khả thi cao, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở quản lý, tổ chức thực hiện Quy hoạch đạt chất lượng hiệu quả cao nhất. Đến năm 2030, tỉnh Sóc Trăng phấn đấu là một trong những tỉnh phát triển khá của vùng ĐBSCL. Trong đó, công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển, nông nghiệp hiện đại và bền vững; hình thành cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề và có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại…

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tặng hoa chúc mừng ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng.

Tỉnh Sóc Trăng cũng phấn đấu, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt bình quân 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 124 triệu đồng. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn khoảng 14.000 tỷ đồng. Tỷ trọng trong GRDP của khu vực nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 27%; Công nghiệp - xây dựng đạt khoảng 35%; Dịch vụ đạt khoảng 30%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt khoảng 8%. Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2-3%/năm; Trong đó, giảm tỉ lệ hộ Khmer nghèo 3-4%/năm. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40 - 45%; có 80/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2 - 3%/năm; trong đó, giảm tỷ lệ hộ Khmer nghèo 3 - 4%/năm. Tầm nhìn đến năm 2050, Sóc Trăng trở thành khu vực phát triển động lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long gắn với phát triển cảng biển Trần Đề; là tỉnh có kinh tế phát triển khá của cả nước, vận hành theo phương thức chính quyền số, kinh tế số và xã hội số đối với các hoạt động kinh tế - xã hội; các ngành sản xuất, dịch vụ thông minh với các mô hình kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định, Sóc Trăng hội tụ đủ tiềm năng, lợi thế để phát triển về kinh tế - xã hội, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển và ven biển; đồng thời tỉnh là đầu mối giao thông quan trọng vùng ĐBSCL. Bên cạnh các tiềm năng, thế mạnh, Sóc Trăng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa đạt yêu cầu; hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu, thiếu nguồn lực đầu tư; chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên nhưng chưa đồng đều; chất lượng nguồn nhân lực còn chưa đáp ứng được yêu cầu; cải cách hành chính chuyển biến chậm; đời sống người dân ở khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn…

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, xây dựng, lập quy hoạch đã khó, việc triển khai còn khó hơn và đòi hỏi phải rất khẩn trương. Do đó, cần tập trung tổ chức thực hiện quy hoạch tỉnh gắn với các nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ… Với truyền thống đoàn kết, vượt khó của Đảng bộ, chính quyền, ý chí cần cù, chăm chỉ, khát vọng không ngừng vươn lên của con người Sóc Trăng. Phó Thủ tướng tin tưởng thời gian tới, tỉnh có bước phát triển nhanh, bền vững, trở thành địa phương phát triển năng động của vùng ĐBSCL.

Chí Thạch

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/cong-bo-quy-hoach-tinh-soc-trang-thoi-ky-2021-2030-362305.html