Công bố mới về biến chủng Omicron

Các tác giả tại Canada nhận thấy chủng phụ BA.1, BA.2 xuất hiện tại New Zealand và Hong Kong (Trung Quốc) có thể chỉ là do ngẫu nhiên. Đặc biệt, Omicron không dễ bị đột biến.

Nghiên cứu do TS Xiang-Jiao Yang, Viện Ung thư Rosalind & Morris Goodman, Đại học McGill, Canada, chủ trì và đăng tải trên bioRxiv trước khi phản biện.

Không giống phần còn lại của thế giới, New Zealand báo cáo ca nhiễm Omicron đầu tiên (BA.1) vào tháng 12/2021. Chỉ chưa đầy một tháng sau đó, họ phát hiện thêm ca nhiễm BA.1.1. Đến tháng 2, số ca mắc Covid-19 tại đây tăng vọt, khiến nhiều chuyên gia nhận định virus vẫn tiếp tục tiến hóa và lây lan mạnh.

BA.1.1 và BA.2 có tới hơn 70 đột biến trong bộ gene, giúp chúng chiếm đa số trong các ca mắc mới. Trong khi đó, sự xuất hiện của BA.1 mờ nhạt dần.

Các đột biến mới được tìm thấy trong protein không cấu trúc (NSP) 3, NSP10 và NSP14, cả ba đều có trong bộ gene BA.1.1. Đột biến NSP10 được tìm thấy trong hơn 700 bộ gene SARS-CoV-2, tuy nhiên, NSP3 và NSP14 không xảy ra cùng nhau và ảnh hưởng đến các phần khác nhau của bộ gene BA.1.1.

Trong khi đó, từ 120 bộ gene ở New Zealand, TS Xiang-Jiao Yang phát hiện một chủng phụ của Delta. Chủng này được tìm thấy lần đầu tiên vào ngày 28/12/2021, có 10 thay thế mới trong protein gai và protein không cấu trúc. Nó mang trung bình 50-51 đột biến trên mỗi gene và trở thành chủng phụ có số đột biến cao nhất của Delta. Tuy nhiên, con số này ít hơn nhiều so với Omicron, chứa khoảng 70 đột biến trên mỗi bộ gene.

Dòng Delta mới này không lây lan quá nhanh hoặc diện rộng và đã bị BA.1.1, BA.2 vượt qua. Ở Hong Kong (Trung Quốc), Omicron bắt đầu gây ra làn sóng gia tăng mới từ tháng 2, mặc dù nó đã được phát hiện ở thành phố vào giữa tháng 11/2021. Điều này có thể cho thấy các đột biến mới đã xuất trong trong vòng 3 tháng. Trên thực tế, nghiên cứu hiện tại cho thấy BA.2 chiếm phần lớn trong kết quả giải trình tự gene sau ngày 1/2, mà không phải BA.1 hay BA.1.1.

Đặc biệt, 3 đột biến mới được tìm thấy trong bộ gene BA.2 tại Hong Kong. Một là trên protein gai và có thể ảnh hưởng chức năng gắn, xâm nhập tế bào. Hai đột biến còn lại dường như ảnh hưởng protein không cấu trúc NSP3 và NSP8. Hầu hết bộ gene BA.2 đều mang tất cả đột biến này.

Dòng phụ trên cũng được báo cáo ở Singapore, Indonesia, Vương quốc Anh từ ngày 31/12/2021 trở đi. Sau đó, cả ba đột biến được tìm thấy trong một bộ gene từ ngày 12/1. Điều này được cho là nguyên nhân chính thúc đẩy làn sóng Covid-19 phức tạp, nghiêm trọng mà chúng ta đang chứng kiến ở Hong Kong.

Không có dữ liệu bộ gene nào xuất hiện từ Trung Quốc vào năm 2022. Do đó, TS Xing cho biết không thể khẳng định biến chủng này có góp phần vào sự bùng phát ở quốc gia này hay không, mặc dù khả năng này rất dễ xảy ra.

Từ các dữ liệu này, tác giả kết luận Omicron dường như không dễ bị đột biến hơn các biến chủng khác. Đặc biệt, không có biến chủng mới nào rõ ràng phát sinh kể từ khi Omicron xuất hiện. Sự xuất hiện của các biến chủng phụ đang chiếm ưu thể ở New Zealand và Hong Kong có thể là quá trình ngẫu nhiên.

Ngay cả những biến chủng phụ chiếm ưu thế ở những vùng này cũng chỉ xuất hiện hai hoặc ba đột biến mới. Điều này củng cố giả thuyết biến chủng này có cùng tỷ lệ đột biến cơ bản với chủng khác.

Do đó, TS Xiang-Jiao Yang nhấn mạnh cần có nghiên cứu kỹ hơn để hiểu nguyên nhân dẫn tới sự xuất hiện của Omicron, trong khi những phân tích hiện tại cho thấy BA.1.1 và BA.2 mới là thủ phạm dẫn tới sự lan rộng ở Hong Kong, New Zealand. Việc giám sát bộ gene của nCoV cũng rất quan trọng, nhất là khi sự tiến hóa của virus có thể khiến đại dịch kéo dài.

Minh Khôi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cong-bo-moi-ve-bien-chung-omicron-post1304101.html