Cơ sở chế biến gỗ: Nỗ lực tìm thị trường tiêu thụ

Doanh thu sụt giảm, cắt giảm nhân công và thậm chí đóng cửa cơ sở sản xuất là tình trạng dễ nhận thấy của nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ thời gian qua. Dù vậy, một số DN, cơ sở trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vẫn đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng, duy trì sản xuất với mong muốn sớm vượt qua giai đoạn khó khăn.

Hàng tồn kho lớn, cắt giảm lao động

Các DN đều nhận định, hơn chục năm trở lại đây chưa khi nào ngành nghề chế biến gỗ lại gặp khó khăn như hiện nay. Tìm hiểu tại huyện Lục Ngạn, địa phương có 4 DN và 80 cơ sở chế biến gỗ là cá nhân, hộ gia đình thì 1 DN đã đóng cửa; hầu hết các cơ sở nhỏ lẻ phải ngưng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng.

Do không có đơn hàng nên Công ty TNHH Hùng Mười đang tồn kho lượng lớn sản phẩm.

Công ty TNHH Hùng Mười ở thôn Bến Huyện, xã Nam Dương được xem là DN chế biến gỗ có quy mô lớn nhất huyện với 3 cơ sở chuyên sản xuất mặt hàng ván bóc và dăm gỗ xuất khẩu sang Nhật Bản. Hơn một tháng nay không có doanh thu. Được biết, cuối năm ngoái nếu như giá dăm gỗ đạt 3,6 triệu đồng/tấn khô thì nay giảm mạnh, còn hơn 2 triệu đồng/tấn, Công ty chấp nhận lỗ nhưng cũng không bán được hàng. DN đang tồn kho khoảng 2 nghìn tấn dăm, do để lâu một số đã bị mốc, trong khi lãi suất ngân hàng và các khoản chi phí khác vẫn phải duy trì.

Hiện Công ty đã thu hẹp sản xuất còn khoảng 30% so với trước, cắt giảm công nhân từ 50 xuống còn 6 người nhằm giữ chân một số công nhân lành nghề vận hành, bảo dưỡng dây chuyền, phương tiện.

Hiện nay, thị trường tiêu thụ gỗ trong nước và xuất khẩu sụt giảm lớn so với hai năm trước. Nguyên nhân là do kinh tế thế giới gặp khó khăn, lạm phát cao tại một số quốc gia phát triển nên người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Xung đột Nga – Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cách Công ty TNHH Hùng Mười không xa là Công ty TNHH Nam Dương Quang Trung cũng trong tình cảnh tương tự. Cùng kỳ năm ngoái đơn vị này xuất được gần 4 nghìn tấn hàng thì từ đầu năm đến nay mới có vài trăm tấn dăm gỗ được bán ra.

“Giá xuống thấp nhưng vẫn không có đơn hàng, gỗ tại xưởng đã băm ra không bán được, nếu tình trạng này kéo dài chúng tôi sẽ phải ngưng hoạt động”, ông Tạ Văn Giản, Giám đốc Công ty nói. Tìm hiểu tại một số xã có nhiều cơ sở chế biến gỗ quy mô hộ gia đình như Tân Lập, Đèo Gia (Lục Ngạn); Vô Tranh (Lục Nam) cho thấy hầu hết đã ngưng mua gỗ nguyên liệu, hàng tồn kho rất lớn và đang cố gắng duy trì băm dăm, bóc ván hết số gỗ đã mua. Nhiều cơ sở đã cho công nhân nghỉ việc.

Tìm cách trụ vững

Không chỉ các cơ sở, hộ gia đình chế biến gỗ quy mô nhỏ gặp khó khăn, một số DN có quy mô sản xuất lớn với dây chuyền, máy móc thiết bị hiện đại cũng đang phải gồng mình ứng phó với tình trạng “ăn đong” đơn hàng, giá xuống thấp. Tuy vậy, một số DN đang nỗ lực duy trì hoạt động. Công ty TNHH An Lâm, xã Đại Lâm (Lạng Giang) là ví dụ. Lúc cao điểm DN này có hơn 300 lao động và gần như ngày nào cũng phải tăng ca thì nay chỉ còn 160 lao động mà không còn tăng ca.

Nhờ đa dạng sản phẩm và có đối tác truyền thống nên Công ty TNHH An Lâm vẫn có được đơn hàng để duy trì sản xuất.

Ông Nguyễn Công Thức, Giám đốc Công ty cho biết: "Cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu đều đang rất ảm đạm nên sản lượng của Công ty chỉ bằng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Tầm này năm trước, bình quân mỗi tháng DN bán 6 nghìn m3 sản phẩm thì nay chỉ bán khoảng 3 nghìn m3, trong đó 80% xuất khẩu, còn lại tiêu thụ trong nước. Giá bán giảm bình quân từ 65 đến 70 USD/m3".

Để trụ vững được thời điểm này, theo ông Thức mấu chốt vẫn là đơn hàng. Đối với những DN hoạt động lâu năm, tham gia chế biến sâu và đa dạng ngành hàng vẫn có thể duy trì sản xuất với số lượng vừa phải. Ngoài các sản phẩm truyền thống như ván ép brinex, cốp pha thì nay Công ty đã đầu tư công nghệ sản xuất ván gỗ LVL nhiều lớp thay thế gỗ xẻ để làm nội thất, cửa chớp, sàn container... Nhờ vậy, các mặt hàng vẫn được xuất khẩu sang thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Malaysia, đồng thời DN cũng đang tích cực tiếp cận một số thị trường mới.

Bắc Giang có vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng cung cấp cho chế biến khoảng 80 nghìn ha, tập trung chủ yếu ở các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế. Loài cây trồng chủ yếu là keo và bạch đàn.

Theo ông Hà Minh Quý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, trên địa bàn tỉnh có 992 cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản. Nguyên liệu đưa vào sản xuất chủ yếu là gỗ rừng trồng và số ít nhập khẩu với sản phẩm ván bóc, ván dán, cốp pha, băm dăm, đồ mộc dân dụng, than hoa. Khó khăn lớn nhất hiện nay là thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sụt giảm lớn so với hai năm trước nên 4 tháng đầu năm nay giá trị xuất khẩu gỗ chỉ đạt khoảng 500 tỷ đồng (giảm gần 50% so với cùng kỳ năm 2022).

Nguyên nhân là do ảnh hưởng của tình hình thế giới dẫn đến nhu cầu sử dụng gỗ giảm mạnh, các công trình xây dựng trong nước cũng đình trệ. Trong khi vốn đầu tư của các DN chế biến gỗ hạn chế, việc vay vốn đầu tư gặp nhiều trở ngại bởi hạn mức vay thấp, lãi suất cao. Cơ bản các DN sử dụng công nghệ cũ nên chất lượng sản phẩm thấp.

Tháo gỡ khó khăn

Trước thực trạng trên, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan, nắm bắt thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, đặc biệt là những thị trường mới, kịp thời thông tin đến DN. Đồng thời kiến nghị với các tổ chức tín dụng tăng hạn mức vay, giảm lãi suất, giãn nợ đối với các DN chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh. Đề nghị cơ quan thuế cắt giảm một số thủ tục khi DN chế biến gỗ thực hiện việc khai báo thuế, hoàn thuế để có vốn tái đầu tư sản xuất, kinh doanh...

Bên cạnh đó, các DN cần chủ động tìm kiếm đối tác hợp tác bền vững, về lâu dài đầu tư công nghệ, máy móc sản xuất hiện đại, công suất lớn, sản xuất những sản phẩm có giá trị cao, chất lượng tốt cung cấp cho thị trường.

Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/404672/co-so-che-bien-go-no-luc-tim-thi-truong-tieu-thu.html