Cô bé tự mình vượt sông, đu dây cáp đi học 17 năm trước giờ ra sao?

Cách đây 17 năm, hình ảnh một cô bé với dáng người nhỏ nhắn, treo mình lơ lửng giữa dòng nước xiết để đi học khiến ai nấy cũng đều thương cảm.

Cô bé từng gây bão bởi bức ảnh đu dây qua sông dữ đến trường đi học là ai?

Hình ảnh cô bé 8 tuổi có vóc dáng nhỏ nhắn, một mình đu dây cáp vượt sông để đến trường có thể khiến bất kỳ người lớn nào rùng mình vì lo ngại cho sự an toàn của cô bé

Năm 2007, bức hình cô bé 8 tuổi, đu dây cáp trên một con sông chảy xiết được lan truyền khắp mạng xã hội với tốc độ chóng mặt. Không chỉ gây thương cảm với hoàn cảnh của đứa trẻ, bức ảnh này còn vẽ ra bức tranh chân thực về thực trạng cuộc sống nghèo khó của những người dân vùng sâu xa ở Trung Quốc.

Cô bé trong khung hình tên là Yu Yanqia, là người Lật Túc, một dân tộc thiểu số ở Nộ Giang thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Thời điểm bấy giờ, tại nơi Yu Yanqia sinh sống, hệ thống cáp và ròng rọc được xem phương tiện chính để người dân tiếp cận với thế giới bên ngoài. Hàng ngày, cả người lớn cũng như trẻ nhỏ phải đu mình trên sông Nộ Giang - một con sông rộng và dài nhất châu Á, với những dòng nước cuồn cuộn chảy xiết bất chấp biết bao nguy cơ tiềm ẩn có thể phải đánh đổi cả mạng sống.

Yu Yanqia được phóng viên phỏng vấn

Bức ảnh của Yu Yanqia được một nữ nhà báo chụp và đăng tải. Trong bất kỳ khung hình nào, người ta đều thấy Yu Yanqia nở nụ cười tươi, bởi việc vượt sông để đi học đã trở thành một thói quen hàng ngày của Yu Yanqia cũng như những đứa trẻ nơi đây từ khi còn nhỏ.

Thời điểm đó, lúc 8 tuổi, Yu Yanqia đã đủ tuổi đi học, nếu muốn đến trường, em phải học một kỹ năng đặc biệt, đó là "đu dây" .

Nhà của Yu Yanqia ở làng Bố Lạp, huyện Phúc Cống, Châu tự trị dân tộc Lật Túc Nộ Giang (Vân Nam, Trung Quốc). Cách duy nhất để các hộ dân sống trên núi di chuyển mỗi ngày là đu dây cáp để vượt qua dòng nước Nộ Giang chảy xiết. Nguy hiểm là thế, nhưng người lớn và trẻ nhỏ trong làng đều quen với cách di chuyển này.

Đến tuổi phải đi học, cha bắt đầu dạy cho Yu Yanqia cách đu dây qua sông. Nhìn dòng sông đang chảy ầm ầm dưới chân mình, em có chút sợ hãi. Nhưng với lòng háo hức đến trường gặp nhiều bạn bè, em đã dũng cảm gạt bỏ nỗi sợ hãi sau lưng.

Và cứ thế, một ngày hai lần đu dây qua sông, Yu Yanqia và nhiều bạn nhỏ khác đã xem lộ trình từ nhà đến trường này là một phần của cuộc sống.

Lúc này, Yu Yanqia không biết mình đã bị phóng viên ghi hình, cũng không biết rằng nhờ vậy là vận mệnh của cả làng sắp được thay đổi.

Bức hình thay đổi tương lai

Sau khi tốt nghiệp Đại học, Yu Yanqia từ chối cơ hội làm việc tại các thành phố lớn. Cô mong muốn trở về quê nhà để giúp đỡ người dân nơi đây.

Ngay sau khi bức ảnh về "cô bé đu cáp treo" gây chú ý rộng rãi trên khắp Trung Quốc, một công ty truyền thông đã khởi xướng chương trình gây quỹ từ thiện nhằm xây dựng một cây cầu ngay gần trường học của Yu Yanqia. Tháng 3/2008, cây cầu được hoàn thành và Yu Yanqia trở thành người địa phương đầu tiên đi qua cây cầu mới.

Câu chuyện về hoàn cảnh khó khăn của Yu Yanqia nhận được nhiều yêu mến từ cư dân mạng. Nhờ đó, cô có cơ hội được mời đến thăm các thành phố lớn của Trung Quốc như Côn Minh, Bắc Kinh, từ đó mở rộng thế giới quan và được tiếp thêm niềm hy vọng để phấn đấu có cuộc sống mới. Không những vậy, toàn bộ thành viên trong gia đình Yu Yanqia đã được hỗ trợ chuyển đến sống tại ngôi nhà mới ven sông khang trang và vơi bớt nguy hiểm hơn. Yu Yanqia cũng nhận được nhiều trợ cấp về học phí trong những năm tháng đi học.

Yu Yanqia khi trưởng thành

"Sự ủng hộ của mọi người là tia sáng hy vọng cho tôi trong những quãng thời gian khó khăn của cuộc đời. Đó cũng là động lực để tôi quyết tâm chăm chỉ học tập", Yu Yanqia chia sẻ.

Năm 2018, Yu Yanqia thi đỗ Đại học Y khoa Côn Minh (tỉnh Vân Nam), trở thành sinh viên Đại học đầu tiên của người dân Lật Túc.

Tháng 6/2023, Yu Yanqia, 22 tuổi, sắp hoàn thành việc học. Vì Yu Yanqia có thành tích rất tốt ở trường nên giáo viên cũng giới thiệu cho cô một số bệnh viện lớn. Nhưng cô gái nhất quyết muốn trở về quê hương Nộ Giang và sử dụng kiến thức đã học để giúp đỡ dân làng.

Cuối cùng, Yu Yanqia đã chọn làm việc trong Bệnh viện Nhân dân Nộ Giang.

Yu Yanqia cảm nhận được những thay đổi lớn ở quê hương. Người dân không chỉ chuyển ra ngoài sống mà còn có nhiều cơ hội kiếm tiền. Sau khi cha qua đời vì bệnh tật, mẹ cô đã thuê nhiều đất đai để trồng trọt với sự giúp đỡ của chính phủ.

Yu Yanqia làm việc rất nghiêm túc trong bệnh viện, cô ham học hỏi, rất tích cực và năng động, vừa làm tốt công việc của mình, vừa năng nỗ tham gia các hoạt động khám bệnh miễn phí cùng các đồng nghiệp.

Cô gái không ghen tị với những người bạn cùng lớp ở lại bệnh viện ở các thành phố lớn để phát triển sự nghiệp. Cô cảm thấy sự lựa chọn của mình có ý nghĩa hơn.

Tin rằng trong tương lai, cô gái này có thể đạt được những thành tựu phi thường ở vị trí bình thường của mình và sử dụng những kiến thức đã học được để giúp đỡ nhiều người hơn nữa, góp phần xây dựng quê hương.

"Có rất nhiều người đã giúp đỡ tôi trong suốt chặng đường dài đã đi qua. Tôi sẽ chẳng là ai, hoặc đi đến đâu nếu không có họ", Yu Yanqia nói.

K.N (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/co-be-tu-minh-vuot-song-du-day-cap-di-hoc-17-nam-truoc-gio-ra-sao-172240122080649257.htm