Chuyển đổi số trong ngành giáo dục Thừa Thiên Huế

Những năm gần đây, tỉnh Thừa Thiên Huế liên tục có những bước đột phá trong các bảng xếp hạng liên quan đến chính quyền số và được biết đến là điểm sáng của cả nước trong triển khai chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh và chuyển đổi số. Trong đó, ngành giáo dục Thừa Thiên Huế là một trong những đơn vị dẫn đầu về thực hiện chuyển đổi số.

Trẻ học tập qua thiết bị điện tử. Ảnh: NGỌC MAI

Tỉnh Thừa Thiên Huế được Bộ Giáo dục và Ðào tạo chọn là 1 trong 5 địa phương thí điểm đi đầu trong chuyển đổi số của toàn ngành giáo dục.

Từ hai năm trước, dịch Covid-19 bùng phát, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương chọn phương án dạy học trực tuyến và học trên truyền hình sớm nhất cả nước. Trong đó, đội ngũ giáo viên trẻ thích ứng nhanh trong khi giáo viên lớn tuổi cũng nỗ lực không ngừng.

Trong quá trình triển khai, mô hình phòng học thông minh (SmartEdu) được thí điểm tại ba trường học ở Thừa Thiên Huế, đó là THCS Nguyễn Tri Phương, THPT chuyên Quốc Học và THPT Phú Bài với trị giá hơn 700 triệu đồng/lớp, giúp giáo viên và học sinh dễ dàng tiếp cận với phương pháp giảng dạy hiện đại.

Mô hình này đã giúp mở rộng không gian, tài liệu, phương pháp và hình thức dạy học, giúp người dạy và người học vượt qua các giới hạn của bài giảng ở trên lớp học. Học sinh học trên mô hình phòng học thông minh đóng vai trò trung tâm, còn giáo viên là người hỗ trợ. Việc tổ chức dạy học tương tác, ra bài tập, kiểm tra bài cũ, đưa tài liệu, nhận phản hồi từ học sinh... đều được thao tác trên máy. Mỗi học sinh chỉ cần một phương tiện có thể kết nối mạng như máy tính bảng, điện thoại thông minh là có thể truy cập vào bài học một cách dễ dàng.

Thầy Võ Anh Tú, giáo viên dạy Hóa học, Trường THPT chuyên Quốc Học (thành phố Huế) cho biết, học sinh khá hứng thú khi nhiều bài giảng được ứng dụng công nghệ thông tin. Những hình ảnh thực tế, mô phỏng hợp lý, sinh động đã giúp học sinh hứng thú và tiếp thu bài nhanh hơn. Chỉ với một cái "nhấp chuột" đã giảm khá nhiều công việc, tiết kiệm thời gian cho giáo viên trong quản lý lớp học cũng như những người làm công tác quản lý giáo dục.

Trong khi đó, thầy giáo Lê Triều Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Hội (thành phố Huế) lý giải: "Không phải ngẫu nhiên mà giáo viên ứng dụng tốt công nghệ thông tin. Nhiều năm qua, đội ngũ giáo viên đã nghiên cứu, xây dựng bài giảng E-Learning, sử dụng phần mềm trình chiếu, phần mềm hỗ trợ soạn giảng tương tác, phần mềm dạy học để đổi mới nội dung, phương pháp dạy học... khá thuần thục".

Nhờ thế, nhiều trường học tại Thừa Thiên Huế đã nghiên cứu, xây dựng bài giảng E-Learning, sử dụng phần mềm trình chiếu, phần mềm hỗ trợ soạn giảng tương tác, phần mềm dạy học để đổi mới nội dung, phương pháp dạy học... khá thuần thục.

Thầy giáo Nguyễn Hữu Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Duy (huyện Phong Ðiền) cho biết: "Giáo viên trong trường vừa dạy, vừa học hỏi từ đồng nghiệp, từ internet. Ban Giám hiệu, tổ công nghệ thông tin tăng cường tập huấn, hỗ trợ các kỹ năng, thao tác khi ứng dụng các phần mềm cho giáo viên. Chỉ sau một thời gian ngắn, giáo viên đã sử dụng khá thành thạo các ứng dụng hỗ trợ giảng dạy trực tuyến".

Theo Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế, toàn ngành đang tập trung vào hai nội dung là chuyển đổi số trong quản lý giáo dục và chuyển đổi số trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá năng lực.

Theo Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế, toàn ngành đang tập trung vào hai nội dung là chuyển đổi số trong quản lý giáo dục và chuyển đổi số trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá năng lực.

Chuyển đổi số trong quản lý giáo dục bao gồm số hóa thông tin quản lý, tạo ra những hệ thống cơ sở dữ liệu lớn liên thông, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng các công nghệ 4.0 để quản lý, điều hành, dự báo, hỗ trợ ra quyết định trong ngành giáo dục và đào tạo một cách nhanh chóng, chính xác.

Trong dạy, học, kiểm tra và đánh giá bao gồm số hóa học liệu (sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng E-Learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm...), thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến.

Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Tân cho biết, ngành giáo dục Thừa Thiên Huế triển khai thành lập ban chỉ đạo từ cấp sở đến cấp phòng và cấp trường. Ðối với các trường lập tổ về chuyển đổi số do hiệu trưởng là tổ trưởng và mời các giáo viên giỏi về công nghệ thông tin, có chuyên môn về công nghệ thông tin tham gia. Chủ trương xã hội hóa chuyển đổi số cũng được triển khai. Bên cạnh đó, ngành giáo dục tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức cho người dân; đồng thời, đẩy mạnh tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển kỹ năng số, năng lực số.

Ðến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có hơn 590 trường học từ mầm non đến THPT với hơn 273.000 học sinh, 22.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành giáo dục đã được số hóa bằng mã định danh. Ðây là bước tiến quan trọng để ngành giáo dục triển khai đồng bộ, có giải pháp hướng đến vận hành theo mô hình Chính phủ số giai đoạn 2021-2025.

Ngành giáo dục Thừa Thiên Huế đã thực hiện được các mục tiêu cơ bản như xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung và bảo đảm tính liên thông, kết nối từ trường, phòng đến Sở Giáo dục và Ðào tạo; thực hiện số hóa kết quả tốt nghiệp, hồ sơ trường, lớp, cơ sở dữ liệu thiết bị dạy học, hồ sơ học sinh, giáo viên, sổ sách, học bạ,... phục vụ tốt việc thực hiện các quy trình dịch vụ công trực tuyến...

Tuy nhiên, quá trình triển khai chuyển đổi số của ngành giáo dục Thừa Thiên Huế vẫn còn những vấn đề đặt ra. Ðiển hình như việc số hóa sổ sách cho giáo viên đã và đang từng bước được thực hiện tại nhiều đơn vị, nhưng vẫn gặp phải một số vấn đề cần được tháo gỡ. Một số giáo viên và nhà trường còn ngại khi cập nhật lên hệ thống, khiến phụ huynh học sinh phàn nàn việc thông tin bị chậm. Thực tế cho thấy, số hóa phải bắt đầu từ những việc rất nhỏ, như sổ liên lạc điện tử giữa nhà trường và phụ huynh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình cho rằng, chuyển đổi số ở ngành giáo dục Thừa Thiên Huế sẽ thay đổi tổng thể và toàn diện cách thức quản lý và phương pháp dạy học, áp dụng công nghệ thông tin hiện đại vào dạy học, giúp người dạy và người học phát huy tối đa khả năng tư duy, sáng tạo, chủ động. Cơ bản đến năm 2030, hình thành và hoàn thiện hệ sinh thái số ngành giáo dục, thúc đẩy đạt mục tiêu xây dựng thành công chính quyền số, xã hội số trong giáo dục và các mục tiêu trong dạy học và kiểm tra đánh giá.

Ðể ngành giáo dục Thừa Thiên Huế có thêm điều kiện đi tiên phong trong chuyển đổi số, cần sự hợp sức của các ban, ngành liên quan, sự chung tay chỉ đạo quyết liệt trong triển khai, xây dựng kế hoạch cụ thể và chi tiết, tổ chức thực hiện các nội dung về chuyển đổi số; tăng cường công tác kiểm tra để tạo bước đi vững chắc, bảo đảm công bằng, khách quan để chuyển đổi số đi đến thành công cho sự nghiệp giáo dục tại địa phương.

NGUYỄN CÔNG HẬU

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chuyen-doi-so-trong-nganh-giao-duc-thua-thien-hue-post739120.html