Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu với báo chí

Ngày 7-9, Hội Nhà báo Việt Nam cùng Tập đoàn FPT tổ chức tọa đàm về Chuyển đổi số báo chí.

Các đại biểu tham dự tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã nghe những nội dung chia sẻ về thành tựu đạt được trong quá trình chuyển đổi số tại một số cơ quan báo chí; thách thức đặt ra với các đơn vị trong thời đại số; nhận định về sự tác động của công nghệ trong lĩnh vực báo chí và cơ hội, giải pháp công nghệ trong tương lai. Các đại biểu dự tọa đàm cũng trao đổi về các vấn bản quyền, quảng cáo trên báo chí, giải pháp công nghệ như nền tảng sử dụng chung, công cụ đánh giá … từ đó đưa ra những mong muốn ứng dụng công nghệ để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong báo chí nhanh chóng, đồng bộ.

Với tham luận "Đưa toàn bộ quy trình, hoạt động nghiệp vụ báo chí lên môi trường số”, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Nguyễn Khắc Văn nhấn mạnh: Báo SGGP nhận thức rõ chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu phải tiến hành trong tất cả các hoạt động của cơ quan, đảm bảo sự vận hành quy trình tác nghiệp - xuất bản và kinh tế báo chí theo hướng thống nhất, tận dụng tất cả các nguồn lực để sản xuất ra các tác phẩm, sản phẩm báo chí dưới nhiều dạng thức khác nhau, cũng như tạo điều kiện cơ bản để báo tham gia vào hệ sinh thái truyền thông số một cách mạnh mẽ hơn.

Còn theo Tổng Biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Ngọc Toàn, chuyển đổi số báo chí và truyền thông sẽ ngày càng giao thoa nhiều hơn trong một khái niệm mở rộng là nội dung số. "Công nghệ hạ tầng là cơ bản - Nội dung là vua” cũng được Tổng Giám đốc Đài Truyền hình TPHCM (HTV) Cao Anh Minh trình bày và HTV xác định: Tin tức là giá trị cốt lõi; chương trình giải trí đa dạng; các sự kiện đa truyền thông và tin tức đa truyền thông.

Sau phần trình bày tham luận, đồng chí Lê Quốc Minh và ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT điều phối phần thảo luận, trao đổi cùng các đại biểu tham dự chương trình.

UBND tỉnh Yên Bái cũng vừa ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch đề ra mục tiêu đến năm 2025 là 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước); 100% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 2/3 cơ quan báo chí của tỉnh hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số.

Các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 01/3 cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20% (thông qua đặt hàng, dịch vụ quảng cáo và các dịch vụ kinh tế báo chí khác); 100% lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên các cơ quan báo chí được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số báo chí; 100% cơ quan báo chí có ấn phẩm điện tử và trang thông tin điện tử có giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên.

Mục tiêu đến năm 2030 là 100% cơ quan báo chí tỉnh hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số; các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 2/3 cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%.

V.T -SGGP

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/266/300282/chuyen-doi-so-la-yeu-cau-tat-yeu-voi-bao-chi.aspx