Chuyện đời, chuyện nghề về 'con tằm già' rút ruột nhả tơ

Những câu chuyện đời của người nghệ sĩ đã gắn bó trọn cuộc đời mình cho việc sáng tác cải lương thì nhiều vô kể, về những năm tháng hào hùng trong chiến tranh chống Mỹ, rồi đến những năm sau này...

Xâu chuỗi lại những câu chuyên đời của ông ta sẽ thấy một Trọng Nguyễn sừng sững như cây đại thụ trong sáng tác ca cổ, cải lương và cây đại thụ ấy rất đáng để được người đời ngưỡng mộ. Khối lượng tác phẩm độ sộ của ông để lại đã góp phần khắc họa chân dung vùng đất của miền châu thổ sông Cửu Long này một cách rõ nét hơn về tình đất, tình người, về những biến thiên của thời cuộc nhưng con người nơi đây vẫn một dạ kiên trung, một lòng theo Đảng:

Đảng là đấng mẹ hiền, dạy cho con biết ngẩng cao đầu và đứng thẳng. Biết đổ máu cho đất nước được màu xanh hy vọng, đói rách qua rồi đời đẹp lắm, mẹ ơi! Những người cơm vãi cơm rơi, bây giờ làm chủ đất trời Việt Nam; Mẹ có vui không trong niềm vui đó – có cả máu cha ông, dòng máu quật cường. Đường lên hạnh phúc chân trời rộng, nhờ Đảng quang vinh dẫn dắt đường. Nối bước con đi nâng dòng suy nghĩ, những việc con làm vì Đảng vì Dân. (Ơn Đảng)

Ông thường nói: "Với tôi, Cà Mau đã là máu thịt, nợ quê hương trả hoài không hết...”.

Trong một đêm buồn của mấy mươi năm về trước, tại Bạc Liêu, nhạc sĩ Cao Văn Lầu vì khóc thương cho tình duyên trắc trở của chính mình mà sáng tác bài “Dạ cổ hoài lang” tiền thân của bản vọng cổ ngày nay... Rồi mấy mươi năm sau cũng tại Bạc Liêu có một nghệ sĩ đã gắn bó đời mình với cải lương Nam Bộ, ông được đồng nghiệp và khán giả mộ điệu phong tặng cho một cái tên trìu mến là “ông vua viết vọng cổ”- người nghệ sĩ ấy là soạn giả Trọng Nguyễn.

Sinh năm 1938, trong gia đình có 6 người con nhưng không có truyền thống nghệ thuật, soạn giả Trọng Nguyễn (tên thật là Nguyễn Phú Xuân) đã đến với nghệ thuật đờn ca tài tử bằng con tim của người con vùng sông nước vốn đã mến yêu những câu vọng của từ thuở mới lọt lòng. Nơi ông chào đời là đồng Bìm bịp, xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau (Minh Hải cũ). Ông từng là diễn viên của đoàn Văn Công Khu Tây Nam Bộ rồi đoàn Văn Công tỉnh Minh Hải. Năm 1960, ông bắt đầu sáng tác với những vở cải lương đầu đời. Trong số hơn 20 vở cải lương của ông được khán giả mộ điệu nhớ nhất là vở: “Giọt máu oan cừu”, “Bóng biển”, “Rừng thần”, “Hãy tha lỗi cho em”... ông viết nhiều về cuộc chiến đấu giữ nước hôm qua và xây dựng Tổ quốc hôm nay, những lời ca của ông thật giản dị và chân tình có sức lay động lòng người, vì ông không chỉ dừng lại ở cái tình, cái trung chung chung mà ông đã đi vào cái nghĩa, cái thực của cuộc sống.

Soạn giả Trọng Nguyễn viết rất nhiều, từ đề tài tâm lý xã hội cho đến đề tài truyền thống cách mạng, nhưng đặc biệt khi ông viết về đề tài cách mạng ca từ trong các tác phẩm lại dào dạt chất thơ, qua đó Trọng Nguyễn đã xây dựng một tình yêu mang lý tưởng cao đẹp, một tinh thần lãng mạn cách mạng của các chàng trai cô gái ở vùng đất tận cùng của Tổ Quốc sinh ra trong buổi loạn ly, họ đã đặt tình yêu đất nước lên trên tình yêu đôi lứa “quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh” và mỗi lời ca của ông như là giọt mật rót vào lòng người. Bây giờ nhìn lại hơn 40 năm sáng tác, ông chỉ tâm đắc nhất là ở mỗi đề tài mình sống hết mình với nó, khán giả nghe có chút gì của người ta trong tác phẩm của mình.

Ngoài 20 vở cải lương, ông còn có hơn 200 bài vọng cổ. Trong sáng tác, Trọng Nguyễn quan niệm: mỗi bài vọng cổ đều có vài chi tiết đắt giá, nó như là nhụy hoa thơm mà khi chạm vào sẽ tỏa hương ngào ngạt, như: “Mẹ ơi, con chưa về thăm Rạch Cát, chưa qua đám lá tối trời nơi thằng Út trú quân, để gặp con chim sáo con bảo nó về với mẹ, cho gánh cô đơn vơi nhẹ ở bờ vai” hoặc “cất nước từng lon đói ăn trái mắm mà chẳng một ngày chịu rời bỏ nơi này” hay “trăng trắng bờ sông con nước ròng bịn rịn, đợi trăng tàn gọi nước lớn vào sông, nói đi em sao nửa chừng nín lặng, hay em bịn rịn như con nước ròng trong buổi tiễn đưa”... Nhìn tượng nàng Tô Thị bị sụp nát vụn dưới chân núi, ông viết: “Ai đã vô tâm bứng nàng ra khỏi vùng núi đợi, cho câu hát gầy mòn bên tượng đá ôm con”.

Thấp thoáng trong các tác phẩm của ông có bóng dáng của Trọng Nguyễn với một thời trai trẻ đã từng tham gia cuộc chiến đấu đầy ý nghĩa. Điều đó, đã trở thành tự nhiên như chính phong cách sống và trong mỗi lời ca của ông. Tuy ông làm quen với các vở cải lương trước khi viết các bài ca lẻ nhưng số đông khán giả nhớ nhiều đến ông qua những bài ca như: “Quê anh quê em”, “Mỹ Tho mùa trăng bến hẹn”, “Đò chiều Tô Châu”, “Bên sông Vàm Cỏ”… được ông viết bằng một bút lực khỏe khoắn mang sức sống mãnh liệt và sức lan tỏa sâu rộng.

Nhiều nghệ sĩ tâm sự, khi hát những của Trọng Nguyễn như có sự ăn ý giữa tác giả và diễn viên nên bài hát diễn rất nhanh. Có lẽ, hơn ai hết các nghệ sĩ cải lương - người luôn gắn bó với ca khúc vở viễn của ông là thấu hiểu ông nhất, nghệ sĩ Thanh Kim Huệ đã từng tâm sự: “Soạn giả Trọng Nguyễn xây dựng bài hát rất có hồn và nội dung súc tích, khi trình bày người nghệ sĩ dễ dàng thể hiện tình cảm mình vào bài hát”.

Nghệ sĩ Trong Nguyễn (hàng đầu, bìa phải) cùng các văn nghệ sĩ ở chiến trường Cà mau trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

Một trong những bài vọng cổ rất đặc biệt của Trọng Nguyễn có thể kể đến là bài “Ơn Đảng”, viết về thể loại truyền thống nhưng ca từ mượt mà, ý tứ thâm sâu. Chỉ vỏn vẹn chỉ 6 câu vọng cổ, ông đã khắc họa hình tượng người mẹ Việt Nam rất gần gũi với những nét khái quát mà không phải người cầm bút nào cũng có thể viết được chứ chưa nói đến viết thành công thể loại này.

Nghệ sĩ Hoài Thanh – người thể hiện rất thành công bài hát này (hiện đã định cư ở ngước ngoài), trong một lần về Việt Nam đã ngỏ ý muốn tìm thăm lại tác giả bài “Ơn Đảng”- bài hát đã khắc họa hình ảnh nghệ sĩ Hoài Thanh sâu đậm trong lòng công chúng mộ điệu cải lương vào những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước và cho mãi đến tận bây giờ khi nói đến bài ca Ơn Đảng là người ta lại nghỉ đến Hoài Thanh. Và người viết bài này đã “thiết kế” một cuộc hội ngộ sau gần 30 năm xa cách giửa tác giả và nghệ sĩ.

Nghệ sĩ Hoài Thanh- Người thể hiện bài hát “ơn Đảng” hay nhất gặp lại tác giả sau hơn 30 năm.

Chúng tôi thật sự xúc động trong cuộc tương phùng này khi nghệ sĩ Hoài Thanh vẫn với chất giọng sang trọng, mượt mà cất cao giọng hát: “….Ôi kỳ diệu là sao những câu ngày xưa con bập bẹ, nay đã trở thành lý tưởng của đời con…” và lão nghệ sĩ già Trọng Nguyễn thì trong đôi mắt xa xăm cứ như hiện về những năm tháng:…. “Cha thì còng lưng cuốc mướn, còn mẹ thì vẫn ngập mình ở dưới đồng sâu, cho đến khi cúm núm kêu chiều, đàn chim muôn vội vàng về tổ ấm. Những đứa con khờ láo nháo chờ trông, nhưng mẹ vẫn chưa về khi màn đêm giăng đầy bóng tối.

Những ngày tháng 10 gió mưa ngập lụt, gió đưa mưa về cho cơn lạnh thấu xương. Chiếu rách lá chằm mẹ che cho đàn con trẻ, mà mưa vẫn rơi, mưa trắng cả đêm dài… Ôi, những sợi mưa hay xót đau lòng mẹ và đè nặng vai gầy… Mẹ thổn thức hay gió mưa nức nở, mà tiếng thở dài như nghẹn từng cơn. Chiếu rách lá chằm đã làm mòn xác thân của mẹ, sống kiếp tá điền tắt lịm ước mơ…”

Ông nói rằng ngoài “Ơn Đảng” thì còn một bài hát nửa đã được ông viết bằng tất cà sự rung cảm của trái tim mình, đó là câu chuyện về người mẹ anh hùng – liệt sĩ Nguyễn Thị Tư, một câu chuyện cảm động mà chúng tôi không kìm được xúc động khi được nghe một giọng ca nghiệp dư biễu diễn ngay tại ngôi nhà chị Mỹ Linh, bằng chính giọng ca của chị - đứa con thơ tội nghiệp của liệt sĩ Nguyễn Thị Tư, người đã chứng kiến cái chết anh hùng của mẹ mình năm xưa.

Những câu chuyện đời của người nghệ sĩ đã gắn bó trọn cuộc đời của mình cho việc sáng tác cải lương thì nhiều vô kể, kỉ niệm về những năm tháng hào hùng trong chiến tranh chống Mỹ, rồi đến những năm sau hòa bình…xâu chuổi lại ta sẽ thấy một Trọng Nguyễn sừng sững như cây đại thụ trong sáng tác ca cổ, cải lương và cây đại thụ ấy rất đáng để được người đời ngưỡng mộ. Khối lượng tác phẩm độ sộ của ông để lại đã góp phần khắc họa chân dung vùng đất của miền châu thổ sông Cửu Long này một cách rõ nét hơn về tình đất, tình người, về những biến thiên của thời cuộc nhưng vẫn một dạ kiên trung, một lòng theo Đảng: …. Đảng là đấng mẹ hiền, dạy cho con biết ngẩng cao đầu và đứng thẳng. Biết đổ máu cho đất nước được màu xanh hy vọng, đói rách qua rồi đời đẹp lắm, mẹ ơi! Những người cơm vãi cơm rơi, bây giờ làm chủ đất trời Việt Nam; Mẹ có vui không trong niềm vui đó – có cả máu cha ông, dòng máu quật cường. Đường lên hạnh phúc chân trời rộng, nhờ Đảng quang vinh dẫn dắt đường. Nối bước con đi nâng dòng suy nghĩ, những việc con làm vì Đảng vì Dân.

Ghi chú: những chữ in nghiêng là ca từ trong bài ca “Ơn Đảng” của soạn giả Trọng Nguyễn.

HUỲNH HẢI/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/chuyen-doi-chuyen-nghe-ve-con-tam-gia-rut-ruot-nha-to-p43845.html