Chuyện chưa kể về nhạc sĩ Vinh Sử

Người thân nhạc sĩ Vinh Sử cho biết phần lớn thời gian trong cuộc đời, ông dành cho âm nhạc. Tác giả 'Nhẫn cỏ cho em' sống tự do, không phụ thuộc vào vợ con.

"Anh nghèo nên chẳng nhẫn kim cương/ Tặng em theo sính lễ tơ hồng/ Thì đây anh đan nhẫn cỏ/ Tặng em coi như bỏ ngõ/ Lòng anh chắc em đã biết...".

Lời bài hát Nhẫn cỏ cho em cùng nhiều nhạc phẩm khác như Chuyến xe lam chiều, Mưa bụi, Gõ cửa trái tim, Đêm lang thang, Không giờ rồi, Tình đẹp mùa chôm chôm... vang lên trong lễ tang của nhạc sĩ Vinh Sử vào ngày 10/9.

Lễ tang vì thế không quá bi lụy, nặng nề. Vợ cũ và các con, cháu của "vua nhạc sến" quây quần, nhắc lại những kỷ niệm về Vinh Sử khi còn sống. Với họ, sự ra đi của nhạc sĩ ở tuổi 78 đã giải thoát cho ông khỏi những cơn đau hành hạ, mệt nhọc của bệnh tật sau 11 năm ròng rã.

Tâm nguyện không thành của nhạc sĩ Vinh Sử

Chị Vinh Diễm - con gái của nhạc sĩ Vinh Sử - chia sẻ với Zing khi còn sống, tính cách của ông khác biệt, thích tự do và không ràng buộc với bất cứ ai. Ông mang tâm hồn của một nghệ sĩ đích thực, luôn gắn mình trong một căn phòng hay không gian riêng, ghét ồn ào hay bị làm phiền.

Con gái nhạc sĩ nói khi ở một mình, nhạc sĩ đóng kín cửa và dành hết thời gian sáng tác âm nhạc. Đó là lý do con cái nhiều lần lên tiếng khuyên bảo nhạc sĩ về sống chung để được chăm sóc, đỡ đần lúc về già, ốm đau song đều bị ông gạt phắt.

"Ba tôi thích sống trong một không gian riêng, không muốn ở cạnh vợ con. Tôi từng nhiều lần đề nghị ba qua sống chung để tiện chăm sóc. Nhưng ba thích yên tĩnh để có cảm hứng sáng tác. Thói quen hàng ngày của ba là ban ngày đóng cửa viết nhạc. Chiều tối là ra vỉa hè uống bia hoặc gặp gỡ bạn bè nói chuyện", chị Vinh Diễm cho biết.

Con gái nhạc sĩ nhớ về kỷ niệm bên ba. Ảnh: Duy Hiệu.

Chị cho biết với nhạc sĩ Vinh Sử, âm nhạc luôn xếp đầu tiên sau đó mới đến vợ con. Chuyện dạy dỗ, học hành của con cái, tác giả Nhẫn cỏ cho em đều giao cho vợ. Tính ông cũng không khắt khe hay đòi hỏi gì nhiều ở những đứa con của mình.

Con gái của nhạc sĩ tâm sự trong gia đình, chị là người được ba cưng chiều nhất. Hồi còn nhỏ, Vinh Diễm thường xuyên được ba dẫn đi trong những cuộc hẹn cùng đồng nghiệp hay bạn bè.

Chị nhớ nhạc sĩ Vinh Sử có biệt tài sáng tác và mỗi khi có cảm hứng, ông thường viết rất nhanh. Chỉ sau ít giờ đồng hồ, nhạc sĩ đã hoàn thiện xong một nhạc phẩm. Lúc đó, ông rất vui. Khuôn mặt nhạc sĩ bừng sáng lên niềm hạnh phúc mà không gì có diễn tả được.

"Có lần, đi qua một cái cây, ba hỏi tôi: 'Con gái biết đây là cây gì không?'. Tôi đáp: 'Cây trứng cá phải không ba'. Ba bảo ừ và khi về nhà ông sáng tác bài hát Nhành cây trứng cá. Có lẽ cuộc đời ba tập trung hết cho âm nhạc. Vì thế, ba mới có nhiều ca khúc để đời. Với con cái, ba không phải là người đàn ông chuẩn mực của gia đình theo văn hóa người Việt. Nhưng chúng tôi đều thông cảm và tự hào về ba mình", chị Vinh Diễm kể.

Trong 11 năm chiến đấu với ung thư trực tràng, nhạc sĩ Vinh Sử đều tìm mọi cách tự lo, không phải phụ thuộc vào con cái, đặc biệt là vấn đề tài chính. Theo chị Vinh Diễm, tác giả Chuyến xe lam chiều chuẩn bị sẵn mộ phần tại Hoa viên nghĩa trang Bình Dương từ vài năm trước.

Chị Vinh Diễm chia sẻ sinh thời, nhạc sĩ Vinh Sử nói khi ông mất, người thân tổ chức tại nhà tang lễ để thuận tiện cho đồng nghiệp, khán giả đến viếng, đồng thời không nhận phúng điếu. Song tâm nguyện của ông không thực hiện được vì nhiều lý do. Ngoài ra, nhạc sĩ muốn lập một quỹ từ thiện mang tên ông để giúp đỡ các nhạc sĩ nghèo, tài năng âm nhạc chưa có cơ hội phát triển.

"Tôi thương ba nhiều lắm. Vì cả cuộc đời này, ông luôn sống cho âm nhạc và cống hiến cho nghệ thuật", chị tâm sự.

'Ông hay nổi nóng khi không viết được bài hát nào'

Những ngày cuối đời, bà Ngọc Lệ - vợ cũ nhạc sĩ Vinh Sử - là người ở cạnh chăm sóc ông tại bệnh viện. Bà cho biết một ngày trước khi mất, khi bà lau chân cho ông thì thấy lạnh ngắt, hai hàng nước mắt nhạc sĩ chảy dài. Đến khuya 9/9, bà được người ở bệnh viện gọi điện báo sức khỏe ông yếu dần.

Nghe tin, bà Ngọc Lệ vội vàng chạy vào bệnh viện. Đến khoảng 3h ngày 10/9, nhạc sĩ về cõi Phật.

"Ông ra đi mà không có người thân bên cạnh hay trăng trối được điều gì. Trong 3 tháng ông nằm viện đều điều trị ở phòng hồi sức cấp cứu. Tôi chỉ ở ngoài đợi, khi nào được phép từ bệnh viện mới vào thăm. Thời gian qua, với sự hỗ trợ của y bác sĩ và giúp đỡ từ đồng nghiệp, sự sống của ông mới được kéo dài như vậy", bà Ngọc Lệ nói.

Theo bà Ngọc Lệ, nhạc sĩ Vinh Sử và bà lập gia đình, có chung một người con trai. Sau này, cả hai chia tay, bà có chồng mới. Trải qua bao thăng trầm, "duyên chưa hết" (từ của bà Ngọc Lệ), bà vẫn qua lại thăm nom, dọn dẹp và chăm sóc ông.

Trong khoảng thời gian gắn bó, vợ cũ nói nhạc sĩ ít tâm sự hay nói chuyện với người thân. Khi ông sáng tác nhạc, điều tối kỵ nhất là bị người khác quấy rầy.

Bà Ngọc Lệ là người chăm sóc ông những ngày cuối đời. Ảnh: Duy Hiệu.

Bà Ngọc Lệ nhớ lại có lần ông đang tập trung sáng tác, thấy bà đi lại, ông cằn nhằn, nổi cơn cộc cằn vì bị cụt hứng. Buổi tối, ông phải ra ngoài, uống vài chai bia sau đó về nhà viết nhạc tiếp. Bà tiết lộ nhạc sĩ Vinh Sử không cần ăn ngon hay sống sướng, chỉ cần sáng tác nhạc phẩm hay là ông hài lòng.

"Tiền bao nhiêu trong tài khoản ông cũng không biết. Nói chung không để ý gì. Chỉ biết đến âm nhạc. Nhiều lúc tôi nói với ông ấy: 'Sao mà phải sống khổ vậy trời'. Bởi ai mà không thông cảm được thì khó ở chung lâu dài", bà Ngọc Lệ bày tỏ.

Theo bà, tính cách đáng quý nhất của ông là sống đàng hoàng, không tham lam, thù hận ai. Nhạc sĩ nóng nảy nhưng tốt tính. Ông không giận ai lâu và luôn muốn giúp đỡ người khác.

"Ông chỉ nổi nóng khi không viết được bài hát nào. Nhiều lúc ngồi vào bàn mà không sáng tác được, ông bực bội, xé giấy ném xuống sàn nhà. Nhưng khi hoàn thành tác phẩm nào thì hạnh phúc lắm. Có khi nửa đêm, đi nhậu về còn mua cho vợ một hộp bánh cuốn. Tôi hay bảo ông: 'Thôi già rồi, viết vậy quá đủ. Đừng suy nghĩ nhiều quá mà bệnh tật vào người. Thế mà ông cũng không bao giờ ngưng nghỉ", vợ cũ của cố nhạc sĩ chia sẻ.

Cuối câu chuyện, bà Ngọc Lệ nói ông ra đi, bà mất một người bạn chia sẻ lúc về già. Song, bà không hối tiếc vì quãng thời gian ở cạnh, chăm sóc ông những năm tháng cuối đời.

"Ông ấy ra đi vậy là nhẹ nhõm rồi. Không còn đau ốm, bệnh tật nữa".

Tâm An

Ảnh: Duy Hiệu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-chua-ke-ve-nhac-si-vinh-su-post1354221.html