Chương trình không gian của Ấn Độ sau 'bước tiến lịch sử'

Giám đốc Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ từng nói rằng cuộc đổ bộ thành công của tàu vũ trụ Chandrayaan-3 lên Mặt Trăng đánh dấu bước khởi đầu mới cho các sứ mệnh không gian của Ấn Độ.

Bước tiến lịch sử trong sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng

Ấn Độ vừa tạo ra một kỳ tích của chính mình và thế giới với việc tàu du hành Chandrayaan-3, mang theo tàu đổ bộ Vikram hạ cánh thành công lên bề mặt phía Nam của Mặt Trăng. Và ngay sau việc tiếp đất thành công, thiết bị thám hiểm Pragyaan đã bắt đầu di chuyển, thực hiện các thí nghiệm trên bề mặt Mặt Trăng. Như vậy, Ấn Độ đã được gia nhập vào "Câu lạc bộ" gồm 4 cường quốc đã thực hiện thành công việc hạ cánh trên Mặt Trăng gồm Nga, Mỹ và Trung Quốc.

Tuy nhiên, Ấn Độ là quốc gia duy nhất thành công với việc khám phá cực Nam của hành tinh này, nơi các điều kiện tự nhiên phức tạp hơn nhiều, và cũng là nơi ẩn chứa nhiều điều chưa được khám phá. Đây không phải là lần đầu tiên Ấn Độ đưa tàu đổ bộ lên Mặt Trăng. Cách đây đúng 4 năm, tháng 7/2019, dự án Chandrayaan-2 của nước này cũng đã gần hoàn tất giấc mơ khi module đổ bộ đang trong công đoạn hạ cánh cuối cùng. Tuy nhiên, sự cố đã xảy ra ngoài mong muốn khiến cả dự án thất bại.

Tàu thám hiểm Pragyaan của Ấn Độ rời khỏi module đổ bộ Vikrant, bắt đầu hành trình khám phá bề mặt Mặt Trăng. Nguồn: NDTV

Thành công của Chandrayaan-3 cũng bắt nguồn từ chính thất bại của người tiền nhiệm cách đây 4 năm. Đây chính là kết luận của Chủ tịch Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) Somanath sau khi Chandrayaan-3 hạ cánh xuống Mặt Trăng. Chandrayaan-3 đã có những thay đổi thiết kế và tính năng mang tính bước ngoặt để giúp sứ mệnh này thành công.

Đầu tiên, các nhà khoa học Ấn Độ thấy rằng Chandrayaan-2 mất kiểm soát trong quá trình hạ cánh. Vấn đề này liên quan tới tốc độ hạ cánh quá lớn của module đổ bộ. Tính năng này sau đó đã được nâng cấp. Tiếp đến, tàu thám hiểm của dự án Chandrayaan-2 không có bánh xe; nó được trang bị các chân như cà kheo để di chuyển trên bề mặt Mặt Trăng.

Chân của tàu Chandrayaan-3 đã được tăng cường để đảm bảo rằng nó có thể hạ cánh và vận hành ổn định, ngay cả ở tốc độ 3m/giây. Một cải tiến nữa trong nỗ lực đổ bộ Mặt Trăng thứ hai của Ấn Độ là địa điểm hạ cánh tiềm năng của tàu đổ bộ đã được tăng phạm vi. Thay vì cố gắng tiếp cận một khu vực cụ thể có diện tích là 500m x 500m như mục tiêu của Chandrayaan-2, tàu đổ bộ mới được hướng dẫn hạ cánh an toàn ở bất kỳ đâu trong khu vực có diện tích 4km x 2,4km.

Tàu đổ bộ hiện tại không còn chỉ phụ thuộc vào những hình ảnh mà nó thu được trong quá trình hạ cánh để xác định địa điểm hạ cánh. Hình ảnh có độ phân giải cao từ tàu Chandrayaan-2 đã được đưa vào tàu đổ bộ mới và nó chụp hình bề mặt Mặt Trăng chỉ để xác nhận rằng nó đã đến đúng vị trí. Ngoài ra, tàu đổ bộ Chandrayaan-3 mang theo nhiều nhiên liệu hơn so với thế hệ trước. Điều này để đảm bảo rằng nó có thể thực hiện thay đổi vào phút chót ví dụ như cập nhật địa điểm hạ cánh nếu cần.

Dự án Chandrayaan-3 thành công là nhờ những bước tiến vượt bậc về khoa học công nghệ vũ trụ của Ấn Độ suốt nhiều năm qua. Các nhà khoa học của quốc gia Nam Á này đã kiên trì rút ra được những bài học quý giá từ thất bại trong quá khứ để có được thành tựu này.

Mục tiêu tiếp theo của Ấn Độ

Người Ấn Độ giờ có thể tự hào rằng mình đã làm chủ được một trong những phần quan trọng của công nghệ khám phá vũ trụ. Hầu hết các khâu trong toàn bộ dự án Chandrayaan-3 đã được thực hiện tại Ấn Độ. Vì thế, vấn đề đặt ra là các nhà khoa học Ấn Độ sẽ tận dụng lợi thế này để chinh phục những mục tiêu mới nào. Câu trả lời sẽ tới chỉ trong ít ngày nữa khi Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) đang chuẩn bị phóng vào vũ trụ một tàu thám hiểm mới để khám phá Mặt Trời. Tàu nghiên cứu này mang tên Aditya-L1 dự kiến sẽ khởi hành từ Trái Đất vào ngày 2/9.

Tàu vũ trụ Aditya-L1 được thiết kế để có thể quan sát từ xa về quầng Mặt Trời và quan sát tại chỗ về gió Mặt Trời. Đây sẽ là sứ mệnh không gian chuyên dụng đầu tiên của Ấn Độ để quan sát Mặt Trời. Nhưng Chandrayaan-3 không chỉ là niềm tự hào dân tộc của 1,4 tỷ người Ấn Độ, nó còn có thể tạo nên những hệ quả thực tế với nền kinh tế quốc gia Nam Á này.

Thế giới đã thấy được những lợi ích hàng ngày từ những nỗ lực không gian trước đây như khả năng tiếp cận nước uống sạch bằng cách tái chế nước trên Trạm vũ trụ quốc tế, khả năng truy cập Internet gần như toàn cầu do Starlink cung cấp cho giáo dục, những tiến bộ trong sản xuất năng lượng mặt trời và công nghệ y tế. Với nhu cầu ngày càng tăng về dữ liệu toàn cầu về hình ảnh, định vị và dẫn đường vệ tinh, nhiều báo cáo cho thấy thế giới đang trong giai đoạn tăng trưởng theo cấp số nhân của nền kinh tế vũ trụ.

Hãng kiểm toán Deloitte nhấn mạnh kể từ năm 2013, hơn 272 tỷ USD đã được huy động vào 1.791 công ty về vệ tinh và vũ trụ. Trong báo cáo thường niên của mình, Space Foundation ghi nhận ngành kinh tế vũ trụ toàn cầu đã đạt giá trị 546 tỷ USD trong quý 2 năm 2023. Con số này thể hiện mức tăng 91% trong thập kỷ qua. Đối với nhiều quốc gia, việc tham gia vào nền kinh tế vũ trụ non trẻ có tiềm năng mang lại lợi ích to lớn cho nền kinh tế của họ, cũng như truyền cảm hứng cho người dân tham gia vào thời đại không gian mới.

Dễ hiểu là về dài hạn, Ấn Độ coi việc chinh phục vũ trụ là một trong những ngành kinh tế tiềm năng cho đất nước. Chandrayaan-3 là bước đầu tiên để Ấn Độ tạo dấu ấn và thương hiệu trong lĩnh vực này. Người ta dự báo ngành kinh tế vũ trụ của Ấn Độ dự kiến có trị giá 13 tỷ USD vào năm 2025. Để so sánh, Chiến lược Không gian Dân dụng Australia 2019-2028 đặt mục tiêu tăng gấp ba lần đóng góp của ngành vào GDP lên 12 tỷ AUD và tạo thêm 20.000 việc làm vào năm 2030. Vì thế, Ấn Độ ấp ủ những tham vọng lớn hơn nhiều.

Thành công của Chandrayaan-3 khẳng định việc không gian ngày càng trở nên dễ tiếp cận hơn và thể hiện sự kiên trì bền bỉ không ngừng của Ấn Độ trong việc hoàn thành các nhiệm vụ khó khăn. Đây cũng là điềm báo tốt cho việc Ấn Độ tham gia vào cuộc đua trong không gian mới nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng lâu dài trên Mặt trăng. Vào năm 2021, Trung Quốc và Nga tuyên bố họ sẽ cùng nhau xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng và mời các quốc gia khác tham gia, như phương án cạnh tranh với chương trình Artemis của Mỹ. Còn Ấn Độ đã trở thành bên ký kết Hiệp định Artemis vào tháng 7/2023.

Củng cố hình ảnh và vị thế của Ấn Độ trên thế giới

Sự kiện Chandrayaan-3 diễn ra vào thời điểm rất quan trọng của đất nước Ấn Độ. Quốc gia Nam Á này đang giữ vai trò Chủ tịch của Nhóm G20 trong năm 2023 với một chương trình nghị sự đầy tham vọng. Ấn Độ ấp ủ kế hoạch biến mình thành cầu nối giữa các nước đang phát triển hay thế giới Nam Bán cầu với các nền kinh tế tiên tiến thông qua G20.

Kinh tế Ấn Độ đang ở vị trí thứ 5 thế giới và đã đi vào đúng quỹ đạo tăng trưởng với tốc độ cao. Mục tiêu trở thành nền kinh tế thứ 3 thế giới có thể thành hiện thực trong những năm tới. Tiềm lực về chính trị và kinh tế đang tăng trưởng cần đi kèm với một nền tảng khoa học công nghệ tiên tiến ở hàng đầu thế giới. Chính vì vậy, Chandrayaan-3 là một cơ hội không thể tốt hơn để xây dựng hình ảnh một cường quốc của Ấn Độ.

Phan Tùng/VOV-New Delhi

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/chuong-trinh-khong-gian-cua-an-do-sau-buoc-tien-lich-su-post1042131.vov