Chùm ảnh nỗi lo của tiểu thương khi chính quyền tuyên chiến với quần áo cũ

Việc mua bán quần áo cũ trở nên phổ biến ở thủ đô Kampala của Uganda. Tuy nhiên, một lệnh cấm có thể khiến nhiều người bị ảnh hưởng.

Trong gần 3 thập kỷ, khu chợ đồ cũ Owino náo nhiệt ở thủ đô Uganda là chỗ dựa cho cuộc đời của bà Hadija Nakimuli, giúp người chủ này một mình xây được nhà và nuôi 12 đứa con.

Tuy nhiên, lệnh cấm bán quần áo đã qua sử dụng của chính phủ có nguy cơ cắt đứt huyết mạch quan trọng này đối với bà Nakimuli và hàng chục nghìn người bán hàng như bà.

“Tương lai của chúng tôi sẽ ở đâu nếu họ ngừng sử dụng quần áo cũ?” - người phụ nữ 62 tuổi hỏi khi bới trong kho đồ lót, váy, giày và túi xách của mình.

Theo chính quyền thành phố thủ đô Kampala, thị trường rộng lớn này tuyển dụng khoảng 80.000 người, 70% trong số đó là phụ nữ.

Ông Joseph Barimugaya, chủ gian hàng bán quần áo nam, cho biết: “Ngoài sinh viên, khách hàng của tôi có các bộ trưởng và thành viên quốc hội. Họ gọi tôi giao hàng đến văn phòng họ”.

“Việc mua bán này không nên bị hủy bỏ. Mọi người đều được hưởng lợi, kể cả chính phủ, nơi thu thuế” - ông bố 4 con nói.

Mỗi ngày, hàng trăm khách hàng chen chúc qua những con hẻm chật hẹp ngăn cách những sạp hàng gỗ tạm bợ, háo hức muốn mua được món hời.

Ở đây, một chiếc áo blazer Pierre Cardin cũ có giá 40.000 shilling Uganda (11 USD), chỉ bằng một phần nhỏ so với giá của một chiếc mới.

Một giáo viên 27 tuổi cho biết anh kiếm được ít hơn 500.000 shilling (131 USD). Nếu anh mua một bộ quần áo mới, có nghĩa là anh sẽ tiêu hết tiền lương của mình vào quần áo.

Mặc dù không có số liệu chính thức nhưng Hiệp hội các nhà buôn quần áo và giày dép đã qua sử dụng ở Uganda ước tính rằng 16 triệu người (1/3 người dân) mặc quần áo cũ.

“Việc cấm kinh doanh lĩnh vực này sẽ khiến tôi rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực” - một chủ cửa hàng tên là Harriet Musoke Kyambadde nói.

Một người đàn ông bán quần áo cũ đứng chờ khách tại một khu chợ ở Kampala.

Hải Yến

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chum-anh-noi-lo-cua-tieu-thuong-khi-chinh-quyen-tuyen-chien-voi-quan-ao-cu-post663977.html