Chuẩn bị chu đáo Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia - Địa điểm Tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh

Lúc 19 giờ ngày 29/10, tại Phường 6 (TP Cao Lãnh), tỉnh Đồng Tháp long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia - Địa điểm Tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh. Với ý nghĩa lịch sử to lớn của sự kiện này, UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan, UBND TP Cao Lãnh khẩn trương hoàn thiện khâu chuẩn bị, tổ chức buổi lễ trang trọng, an toàn và thắm đượm nghĩa tình trên quê hương Đất Sen hồng.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Lễ trao tặng Huy hiệu Đảng cho đảng viên đợt 2/9/2023 trong khuôn viên Địa điểm Tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh

Tự hào nhắc nhớ “100 ngày đêm Tập kết ra Bắc”

Theo tài liệu, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ (ngày 7/5/1954), buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ (ngày 21/7/1954) về đình chỉ chiến sự và lập lại hòa bình ở Đông Dương. Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, Nam Bộ có 3 khu vực tập kết chuyển quân của Quân đội Nhân dân Việt Nam là Hàm Tân - Xuyên Mộc (80 ngày); Cao Lãnh, Đồng Tháp Mười (100 ngày) và Mũi Cà Mau (200 ngày). Thị trấn Cao Lãnh, tỉnh Long Châu Sa (TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp ngày nay) được chọn làm điểm Tập kết ra Bắc trong 100 ngày của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Với tinh thần “Đi vinh quang, ở anh dũng”, tỉnh Long Châu Sa đón tiếp và đưa tiễn 13.508 cán bộ, chiến sĩ và con em miền Nam từ các tỉnh Mỹ - Tân - Gò, Long Châu Sa, Gia - Định - Ninh, Phân Liên Khu miền Đông và quân tình nguyện Cao Miên xuống tàu tập kết ra Bắc. Trong đó, toàn tỉnh Long Châu Sa có 2.563 người. Ngày 29/10/1954, chuyến tàu cuối cùng chuyển quân tập kết ra Bắc đã nhổ neo. Người đi quyết tâm xây dựng miền Bắc vững mạnh, củng cố thành trì kiên cố cho cách mạng miền Nam. Người ở lại giữ trọn lời thề son sắt chung thủy, quyết đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước... Hơn 69 năm trôi qua, sự kiện Tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh vẫn còn nguyên giá trị lịch sử, là bài học về tinh thần đoàn kết dân tộc, ý chí quyết tâm của quân dân ta, ra đi vì nghĩa lớn, vì sự nghiệp cách mạng cao cả vẫn luôn sáng ngời.

Năm 2017, được sự hỗ trợ kinh phí của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh: An Giang, Tiền Giang, Long An, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, tỉnh Đồng Tháp đã tiến hành xây dựng Tượng đài Tập kết ra Bắc năm 1954 trên khuôn viên 12.000m2 và khánh thành vào ngày 29/10/2019. Hiện nay, tổng thể Di tích Địa điểm tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh bao gồm các hạng mục: Tượng đài và phù điêu (tượng đài cao 11m), bờ kè, sân lễ đài, đường nội bộ, hoa viên cây xanh, hồ nước, hệ thống cấp nước tưới cây, cấp điện chiếu sáng và chống sét...

Địa điểm Tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh là “Địa chỉ đỏ”, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ

Với vị trí địa lý thuận lợi về giao thông thủy và bộ, Địa điểm Tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), UBND TP Cao Lãnh phối hợp khai thác phát triển du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh tỉnh Đồng Tháp đến bạn bè trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, công trình còn trở thành “Địa chỉ đỏ” nhằm giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước cho cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Nhằm phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa của Địa điểm Tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh, UBND tỉnh Đồng Tháp đã lập hồ sơ khoa học đề nghị và được Bộ VH,TT&DL quyết định xếp hạng Địa điểm tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh là Di tích lịch sử Quốc gia vào ngày 24/2/2023. Đây là niềm vinh dự, tự hào to lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Đồng Tháp.

Là cán bộ trực tiếp tham gia Tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh, ông Nguyễn Trung Cang (xã Hòa An, TP Cao Lãnh) không khỏi bồi hồi, xúc động mỗi khi nhắc nhớ những ngày tháng hào hùng năm xưa. Ông Nguyễn Trung Cang kể, đơn vị của ông thuộc Trung đội E, Đại đội 961, Tiểu đoàn 311, đóng quân ở xã Hòa An (chợ Sáu Quốc). Ngày 23/10/1954, đơn vị được lệnh hành quân ra bến bắc Cao Lãnh, xuống tàu tập kết ra Bắc. Lúc này, bà con tiễn đưa rất đông, đứng 2 bên đường. Kẻ đi, người ở đều lưu luyến, không nói nên lời, chỉ biết “Đi vinh quang, ở lại anh dũng”. Với cảm xúc tự hào, ông Nguyễn Trung Cang, bộc bạch: “Hôm nay, tôi rất tự hào là nhân chứng lịch sử cho sự kiện Tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh - nơi vừa được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia. Niềm vinh dự này cần được giữ gìn và truyền lại cho các thế hệ sau, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Dù tuổi cao, nhưng tôi nguyện sẽ tiếp tục cống hiến công sức nhỏ bé của mình cho sự phát triển mạnh mẽ, giàu đẹp của quê hương Cao Lãnh và tỉnh Đồng Tháp thân yêu”.

Tiết mục văn nghệ tại Lễ khánh thành Tượng đài Tập kết ra Bắc năm 1954

Chuẩn bị chu đáo Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia

Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia - Địa điểm Tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh được tổ chức vào lúc 19 giờ ngày 29/10, tại Phường 6, TP Cao Lãnh. Là cơ quan được Thường trực Ban Tổ chức buổi lễ, những ngày qua, Sở VH,TT&DL phối hợp các sở, ngành liên quan, UBND TP Cao Lãnh khẩn trương triển khai hoàn tất các nhiệm vụ.

Theo đó, Sở VH,TT&DL phối hợp Nhà Văn hóa Thanh niên TP Hồ Chí Minh (đơn vị tư vấn) xây dựng nội dung, kịch bản chương trình, tổng duyệt chương trình buổi lễ theo đúng hướng dẫn của Bộ VH,TT&DL và chủ trương chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp, đảm bảo trang trọng, an toàn. Bên cạnh nhiệm vụ chuẩn bị phần lễ, Sở VH,TT&DL phân công các đơn vị trực thuộc tổ chức nhiều hoạt động phục vụ cho đại biểu, du khách như Chương trình không gian văn hóa nghệ thuật; Triển lãm hình ảnh, hiện vật về sự kiện Tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh...

Phục vụ Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia - Địa điểm Tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh, từ ngày 27 - 29/10, Bảo tàng tỉnh thực hiện triển lãm bộ ảnh với chủ đề “Ra đi để trở về”. “Triển lãm trưng bày 66 hình ảnh, kỷ vật của các cán bộ, chiến sĩ tham gia tập kết ra Bắc vào năm 1954 tại Cao Lãnh. Thông qua triển lãm, chúng tôi muốn giới thiệu một số tư liệu, hình ảnh của các nhân chứng tham gia Tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh, giúp thế hệ hôm nay hiểu rõ hơn về sự kiện lịch sử oai hùng của quân và dân ta trong công cuộc đấu tranh giành độc lập. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần cho thế hệ trẻ nói riêng và người dân Đất Sen hồng nói chung”, bà Phan Thị Vũ Quyên - Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết.

Du khách chụp ảnh lưu niệm nhân dịp tham quan Địa điểm Tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh

Đối với UBND TP Cao Lãnh, địa phương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hoàn thành công tác chuẩn bị, sẵn sàng cho buổi lễ được diễn ra thuận lợi và thành công. Bà Lê Thị Mai Trinh - Phó Chủ tịch UBND TP Cao Lãnh, thông tin: “Đến nay, TP Cao Lãnh đã tổ chức treo băng - rôn, cờ phướn, pa - nô, khẩu hiệu tuyên truyền sự kiện dọc các tuyến đường chính của thành phố dẫn đến sân lễ. Các ngành chức năng liên quan tiến hành kiểm tra, sửa chữa hệ thống điện, nước và vệ sinh môi trường trong khuôn viên nơi diễn ra lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia; Công an TP Cao Lãnh phân công lực lượng, triển khai kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng giao thông trước, trong và sau sự kiện. Bên cạnh đó, UBND TP Cao Lãnh đã xây dựng các phương án dự phòng nhằm xử lý các tình huống có thể xảy ra do thời tiết; bố trí Tổ y tế và xe cấp cứu trực 24/24 tại sân lễ chăm sóc sức khỏe cho đại biểu tham dự buổi lễ...”.

Với giá trị và ý nghĩa lịch sử to lớn, Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch Quốc gia - Địa điểm Tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh được tỉnh Đồng Tháp tập trung chuẩn bị chỉn chu, kỹ lưỡng. Qua đó, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Đồng Tháp nói riêng, các tỉnh, thành phố có cán bộ, chiến sĩ tập kết chuyển quân ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau...

D.CHINH - P.LỘC

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/chinh-tri/chuan-bi-chu-dao-le-don-nhan-bang-xep-hang-di-tich-lich-su-quoc-gia-dia-diem-tap-ket-ra-bac-nam-195-117682.aspx